Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 03:15 PM (GMT+7)

VinaCapital dự báo GDP Việt Nam tăng 6-6,5% năm 2024

2024-01-09 20:54:37

Dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng chỉ 5,05% trong năm 2023 nhưng mức tăng năm nay được VinaCapital dự báo ở mức 6-6,5%, một phần nhờ nhu cầu hàng hóa "Made in Vietnam" của thế giới đang dần phục hồi và sẽ tăng so với năm trước.

VinaCapital dự báo GDP Việt Nam tăng 6-6,5% năm 2024- Ảnh 1.

Tai nghe không dây AirPods của Apple được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi trong năm nay cùng với việc chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng 10-15% trong năm nay, theo báo cáo phân tích hôm nay (9/1) của ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital.

Kết thúc năm 2023, VN-Index tăng 12% sau khi đã tăng đến 24% từ tháng 1 đến đầu tháng 9, trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ để điều tiết tỷ giá USD-VND. Năm nay, ông Kokalari dự báo tỷ giá sẽ được giữ ổn định vì áp lực lên tiền đồng của Việt Nam đã giảm so với giai đoạn 2022-2023.

Ông giải thích: "Tỷ giá ổn định cũng có nghĩa mặt bằng lãi suất của Việt Nam cũng sẽ ổn định, vì việc tăng-giảm lãi suất tiền đồng năm 2022 và 2023 liên quan đến tỷ giá USD-VND. Mặt bằng lãi suất thấp và biến động lãi suất thấp sẽ hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng trưởng thông qua tăng trưởng tín dụng, vì doanh nghiệp, người mua nhà và người tiêu dùng sẽ dễ tiếp cận các khoản vay có lãi suất thấp hơn".

Năm 2023, Việt Nam thu hút lượng vốn FDI đăng ký gần 37 tỷ USD (tương đương 9% của GDP), tăng đến 32% so với năm 2023. Việt Nam cũng là nước duy nhất trên thế giới đón cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến trong năm 2023. Thế giới vẫn xem Việt Nam là một trong những nền kinh tế cung cấp nhiều hàng hóa cho thị trường toàn cầu. Ông Kokalari dự đoán xuất khẩu của Việt Nam năm nay có thể tăng 8-9% so với năm 2023, là năm chứng kiến xuất khẩu quốc gia giảm 4% so với 2022.

Rủi ro từ kinh tế Mỹ

Dự báo 2024 của VinaCapital cũng chỉ ra rủi ro lớn nhất là khả năng kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, nếu vậy sẽ khiến nhu cầu sản phẩm "Made in Vietnam" giảm xuống. Giá trị của USD sẽ tăng trong tình huống này do xu hướng nắm giữ USD, và điều này sẽ hạn chế khả năng Việt Nam cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

VinaCapital dự báo GDP Việt Nam tăng 6-6,5% năm 2024- Ảnh 2.

Dịch vụ logistics quốc tế tại cảng Gemalink ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Tuy nhiên, Việt Nam có thể ứng phó với tình huống trên bằng các giải pháp kích thích tài khóa, gồm tăng đầu tư công. Đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đưa ra định hướng tăng đầu tư công 50% lên mức 30 tỷ USD, tương đương 7% GDP năm 2023 (từ mức 4% GDP năm 2022).

Ông Kokalari cho biết giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt khoảng 25 tỷ USD (6% GDP của năm), và Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện mức tương tự (vẫn 25 tỷ USD) trong năm nay.

Quan trọng hơn, sự thận trọng của Chính phủ trong quá khứ cho phép Việt Nam tăng mạnh đầu tư công nếu cần thiết. Kho bạc Nhà nước Việt Nam có hơn 30 tỷ USD vốn chưa giải ngân được giữ trong các ngân hàng trong nước, hầu hết dành cho các dự án cơ sở hạ tầng trong những năm qua nhưng chưa được giải ngân. Tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam cũng là dưới 40%, rất thấp nếu so với phần lớn các quốc gia đang phát triển và đã phát triển trên thế giới.

Xuất khẩu hàng điện tử đã tăng trở lại

Xuất khẩu linh kiện máy tính và hàng điện tử của Việt Nam đã tăng trở lại, nhưng xuất khẩu điện thoại thông minh và hàng may mặc vẫn đang suy giảm (lưu ý rằng mỗi nhóm trong ba nhóm sản phẩm nêu trên chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023).

Doanh số sản phẩm máy tính và các sản phẩm dành cho xu hướng "làm việc tại nhà" đã giảm sau Covid, nhưng người tiêu dùng đang có nhu cầu nâng cấp máy tính để sử dụng các chương trình về trí tuệ nhân tạo AI. Điều này lý giải vì sao công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Canalys dự báo doanh số máy tính toàn cầu sẽ hồi phục từ mức giảm 12% năm 2023 lên mức tăng 10% năm 2024.

Trái lại, doanh số điện thoại thông minh toàn cầu sẽ chỉ hồi phục từ mức giảm 3,5% năm 2023 lên mức tăng 3,8% năm 2024, theo công ty nghiên cứu toàn cầu IDC. Doanh số điện thoại di động đã tăng trở lại lần đầu sau hai năm vào cuối 2023 (tăng 5% so với cùng kỳ), nhưng không như trường hợp máy tính, người tiêu dùng không có nhiều nhu cầu nâng cấp điện thoại.

Kết quả là "lĩnh vực sản phẩm công nghệ đã chạm đáy" như tập đoàn tài chính ngân hàng quốc tế Standard Chartered trình bày trong báo cáo chiến lược toàn cầu 2024. Báo cáo này nhận định rằng xuất khẩu hàng điện tử sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu ở châu Á; và ông Kokalari nhận định đây là "tin vui cho xuất khẩu Việt Nam năm 2024".

Báo cáo chiến lược 2024 của "ông lớn" tài chính Mỹ JP Morgan cũng nhấn mạnh sự hồi phục của lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ ở châu Á. Điều này cũng sẽ góp phần tích cực cho tăng trưởng GDP của Việt Nam, nơi có các nhà máy của Samsung, LG, Intel, Amkor Technology, Hana Micron, Foxconn, Luxshare, Pegatron, Goertek, Wistron, Compal và nhiều công ty điện tử lớn khác.

Tường Thụy
Đà phục hồi kinh tế sẽ hỗ trợ GDP Việt Nam năm 2024

Đà phục hồi kinh tế sẽ hỗ trợ GDP Việt Nam năm 2024

Nhiều tổ chức thế giới mới đưa ra dự báo lạc quan cho GDP Việt Nam năm 2024 với mức tăng trưởng kỳ vọng từ 6% trở lên nhờ kinh tế đang hồi phục. Riêng Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế tỏ ra thận trọng hơn với dự báo dưới 6%.