Thứ Ba, ngày 18/02/2025 12:34 AM (GMT+7)
Doanh nghiệp ngành chip bán dẫn đua tốc độ
22/10/2024 11:18 GMT +7
Các công ty nước ngoài đang tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam với các dự án trên toàn quốc trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ rất cao này.
Công ty BE Semiconductor Industries N.V từ Hà Lan dự kiến đưa dự án sản xuất vi mạch bán dẫn có vốn đầu tư 4,9 triệu USD vào hoạt động trong quý I/2025. Nhà máy của BE Semiconductor đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nơi ông lớn ngành chip bán dẫn thế giới Intel vận hành nhà máy Intel Products Vietnam được đầu tư 1,5 tỷ USD.
![Doanh nghiệp ngành chip bán dẫn không ngừng đua tốc độ - Ảnh 1.](https://danviet.ex-cdn.com/files/f1/296231569849192448/2024/10/22/chip-ban-dan-172956937858769173159.jpg)
Tuy kích thước bé nhỏ nhưng chip bán dẫn là ngành công nghệ cao đem lại giá trị gia tăng rất lớn. Ảnh chụp màn hình hãng tin Reuters
Cũng từ Mỹ, tập đoàn Marvell Techonology hàng đầu trong thiết kế chip đang tăng tốc ở Việt Nam. Tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo được tổ chức vào tháng 9/2023, ông Matt Murphy, Chủ tịch và CEO Marvell, đã công bố cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc mở rộng đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam, với mục tiêu tăng trưởng 50% trong vòng 3 năm tới.
Vào giữa năm nay, Marvell cho biết đã khai trương văn phòng mới tại Đà Nẵng để tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam sau khi đưa vào hoạt động 2 văn phòng tại TP.HCM.
Chưa hết, Marvell dự kiến mở thêm một văn phòng mới tại TP.HCM trong năm 2025 để tăng cường phục vụ việc thiết kế vi mạch của doanh nghiệp. Cùng với các trung tâm kỹ thuật khác của Marvell tại Việt Nam, văn phòng sắp mở sẽ tập trung vào các công nghệ vi mạch mới như kết nối quang, lưu trữ, công nghệ bán dẫn tín hiệu tương tự và tín hiệu hỗn hợp.
"Ông lớn" từ Hàn Quốc hun nóng cuộc đua chip bán dẫn
Mới đây, SK Group -- tập đoàn đa ngành lớn thứ 3 ở Hàn Quốc sau Samsung và Hyundai -- đã mua lại cổ phần của Công ty TNHH sản xuất ISCVina chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (ở tỉnh Vĩnh Phúc giáp với Hà Nội) với tổng mức đầu tư 300 triệu USD.
Bên bán là công ty ISC Company Limited, cũng là một doanh nghiệp Hàn Quốc.
Mục đích việc mua lại từ ISC là tăng khả năng sản xuất của ISCVina ở Vĩnh Phúc -- tỉnh đã đón chào hơn 200 doanh nghiệp từ Hàn Quốc sang hoạt động sản xuất và kinh doanh với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 3 tỷ USD.
Tại Bắc Giang và Bắc Ninh gần Hà Nội, công ty bán dẫn Hana Micron từ Hàn Quốc có 2 nhà máy sản xuất đang hoạt động. Công ty TNHH Hana Micron Vina tại Việt Nam đã tuyển dụng hơn 1.600 lao động và đang tiếp tục tuyển dụng kỹ sư quy trình và thiết bị để phục vụ sản xuất.
Ông Chung Won Seok, CEO của Hana Micron Vina, cho biết: "Ngành bán dẫn ở Việt Nam còn non trẻ, chúng tôi hy vọng hợp tác phát triển thì Việt Nam còn tiến xa hơn nữa. Chúng tôi luôn cố gắng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và mong muốn các trường đại học, cao đẳng và tỉnh Bắc Giang".
Tỉnh Đồng Nai sát TP.HCM cũng đã có dự án trong ngành chip. Tháng 7 vừa qua, Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Mỹ) đầu tư vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1.
Đó là Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam và Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 83 triệu USD; Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 29 triệu USD; Dự án Engineered Ceramics vốn đầu tư 15 triệu USD.
Việt Nam dẫn đầu ASEAN về xuất khẩu chip bán dẫn
Xuất khẩu từ ngành chip bán dẫn của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ từ giữa năm 2023, với nhiều chỉ số kinh tế cho thấy tiềm năng lớn của Việt Nam.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới được công bố bởi Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore), nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.
![Doanh nghiệp ngành chip bán dẫn không ngừng đua tốc độ - Ảnh 2.](https://danviet.ex-cdn.com/files/f1/296231569849192448/2024/10/22/chip-ban-dan-marvell-17295699872111554818021.jpg)
Tiến sĩ Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Marvell Technology, giới thiệu con chip của Marvell được sản xuất với sự đóng góp công sức của các kỹ sư Việt Nam, vào ngày 17/5/2024 ở TP.HCM. Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo, xuất khẩu bán dẫn của Việt Nam đã tăng mạnh từ giữa năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 1-2 quý tới, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc gia. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Xuất khẩu bán dẫn của Việt Nam đang trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế của đất nước, theo báo cáo này. Xuất khẩu bán dẫn cũng là yếu tố chính góp phần tạo nên thặng dư thương mại lên tới 20,8 tỷ USD vào tháng 9/2024. Theo UOB, Việt Nam dẫn đầu ASEAN về xuất khẩu trong ngành công nghệ rất cao này.
"Ông lớn" SK Group vẫn là cổ đông lớn tại Masan
SK Group, tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc sau Samsung tính theo doanh thu, vẫn là cổ đông lớn tại Masan Group và là một trong những đối tác lớn của tập đoàn đa ngành của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.