dd/mm/yyyy

Điện Biên: Khó phát triển các sản phẩm OCOP ở Mường Nhé

Huyện Mường Nhé (Điện Biên) có nhiều sản phẩm có thể xây dựng tiêu chuẩn OCOP như: Gạo tẻ thơm, gạo tẻ đỏ Hà Nhì; thịt trâu, bò, cá gác bếp...

Nông sản Mường Nhé - nhiều tiềm năng chưa được "đánh thức"

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Nhé thì nguyên nhân chính dẫn đến các sản phẩm OCOP của Mường Nhé khó phát triển chính là một số hộ sản xuất chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác. Nhất là các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Trong khi đó, các hộ sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu tiêu thụ thị trường nội huyện, nội tỉnh.

Điện Biên: Vì sao Mường Nhé khó phát triển các sản phẩm OCOP? - Ảnh 1.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân (Mường Nhé) giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã với người tiêu dùng. Ảnh: Mai Phương.

Đơn cử như với cây cam, thời gian qua ngoài việc phát triển cây cam bản địa, huyện Mường Nhé đã đưa thêm một số giống cam khác như: Cam Vinh, cam đường canh vào trồng thử nghiệm tại bản Mường Nhé, bản Phiêng Kham (xã Mường Nhé). Mặc dù ban đầu giống cây mới phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, phát triển rất tốt, tỷ lệ sống trên 90%. Tuy nhiên do không biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên dần dần cây không phát triển. Ngoài ra, đối với cây cam bản địa, nhiều diện tích trồng lâu năm đã thoái hóa, sản phẩm chủ yếu chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện, sản phẩm còn manh mún, nhỏ lẻ.

Giai đoạn 2018 - 2020, nguồn vốn dành cho Chương trình OCOP huyện Mường Nhé được phân bổ 1,33 tỷ đồng. UBND huyện đã chỉ đạo sát sao công tác xây dựng chương trình; tổ chức bộ máy; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP… Song đến nay huyện Mường Nhé vẫn là địa phương duy nhất trong toàn tỉnh chưa có sản phẩm OCOP.

Điện Biên: Vì sao Mường Nhé khó phát triển các sản phẩm OCOP? - Ảnh 2.

Nếu biết cách chăn nuôi thì gà đen cũng là một trong những sản phẩm có thể đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhưng hầu hết các chủ thể của Mường Nhé chưa chú trọng đến bảo tồn, phát triển giống gà này. Ảnh: Bùi Thanh Tùng.

Mường Nhé tìm giải pháp khắc phục khó khăn

Để giải quyết những khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP, huyện Mường Nhé tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phát triển sản phẩm. UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã triển khai cho các chủ thể đăng ký sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia hội chợ triển lãm, trưng bày trong và ngoài tỉnh kết hợp thúc đẩy giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử. Bên cạnh đó là tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tạo nguồn sản phẩm tập trung.

Nỗ lực triển khai thực hiện chương trình, đến nay huyện Mường Nhé đã có 4 sản phẩm xây dựng hồ sơ đăng ký dự thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP gồm: Cực tây hoa hồng trà, Cực tây tô mộc trà, Cực tây bí xanh trà, Cực tây Hà Nhì trà của Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân (địa chỉ tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè).

Điện Biên: Vì sao Mường Nhé khó phát triển các sản phẩm OCOP? - Ảnh 3.

Đến nay toàn huyện Mường Nhé mới có 1 sản phẩm đạt 3 sao (Cực tây Hà Nhì trà) đã được tỉnh công nhận. Ảnh: Bùi Thanh Tùng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Nhờ tích cực triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay có 4 sản phẩm hoàn thành xây dựng hồ sơ đăng ký dự thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Kết quả Hội đồng đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp huyện đã họp đánh giá: 3 sản phẩm đạt 2 sao (Cực tây hoa hồng trà, Cực tây tô mộc trà, Cực tây bí xanh trà) được cấp huyện công nhận; 1 sản phẩm đạt 3 sao (Cực tây Hà Nhì trà) đã được tỉnh công nhận.

Thu Hường