Điểm sáng Thăng Bình Quảng Nam

Đoàn Hồng – Trần Hậu

19/10/2018 09:22 GMT +7

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có điểm xuất phát điểm khá thấp, bình quân chỉ đạt 1,42 tiêu chí/xã, thế nhưng qua hơn 7 năm, Thăng Bình đã có 10/21 xã được công nhận xã đạt chuẩn (47,62%).

Bứt phá ngoạn mục

Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, Dù điều kiện còn khó khăn, song quá trình triển khai xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến rõ nét và đạt nhiều thành quả ấn tượng. Hạ tầng nông thôn, hạ tầng sản xuất được đầu tư mạnh mẽ làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn.

Thăng Bình đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã hình thành nhiều mô hình trồng rau hiệu quả và cho thu nhập cao. ĐH
Thăng Bình đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã hình thành nhiều mô hình trồng rau hiệu quả và cho thu nhập cao. ĐH

Toàn huyện đã xây dựng kiên cố hóa được 150.23km đường huyện, nâng tổng số km đường huyện được bê tông xi măng và thâm nhập nhựa là 229.2km (đạt tỷ lệ 77%); đầu tư xây dựng 30 km đường xã, nâng tổng số km lên 155.7 km/204.8 km (đạt tỷ lệ 76%). Phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn phát triển khá mạnh, từ năm 2009 đến nay có trên 300 km đường dân sinh được bê tông hoá, nâng tổng số đường dân sinh được bê tông hoá đạt 635/850.7 km (đạt tỷ lệ 75%).

Công tác giảm nghèo được tập trung chỉ đạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,24% năm 2017, bình quân hằng năm giảm 2,3%. Chất lượng giáo dục tăng dần qua các năm, đến nay toàn huyện có 55/74 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 74,3%. Có 21/22 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia.

Ông Đoàn Thanh Khiết – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho hay, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (NN), huyện đã quy hoạch khu chăn nuôi, giết mổ tập trung; xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung nhằm từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ.

Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trâu 9.500 con, bò 19.500 con, đàn lợn 86.000 con, gia cầm khoảng 550.000 con. Đánh bắt hải sản, tăng số lượng tàu đánh bắt vùng lộng và xa bờ, toàn huyện có 657 chiếc, trong đó tàu từ 90CV trở lên 167 chiếc, sản lượng đánh bắt năm 2017 trên 19.000 tấn (năm 2017); sản lượng nuôi trồng chủ yếu là tôm nước lợ, sản lượng 2.516 tấn.

Tiếp tục nâng chất các tiêu chí

Theo ông Hương, thực tế một số tiêu chí đạt được của huyện tương đối cao so với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Nam, nhưng những tiêu chí “mềm” chỉ mới ở ngưỡng vừa đạt. Vì thế, để giữ vững những tiêu chí huyện sẽ tập trung chủ đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức tự giác, tự chủ của người dân...

Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân thông qua triển khai thực hiện thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành NN, trước hết tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực của huyện, xã trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tạo chuyển biến rõ nét về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng sản xuất, phát triển sản xuất.

Tập trung khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn nội lực, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, huy động các nguồn lực của các tổ chức, người dân địa phương để triển khai thực hiện xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất; lồng ghép các Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, kiên cố hoá kênh mương nội đồng cho tất cả các xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.