dd/mm/yyyy

Diêm dân Bến Tre mất mùa muối

Hiện diêm dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang bước vào thu hoạch vụ muối chính vụ. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay không thuận lợi nên muối mất mùa và rớt giá, người làm muối gặp nhiều khó khăn.
Diêm dân Bến Tre mất mùa muối - Ảnh 1.

Diêm dân xã Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre) thu hoạch muối.

Bà Lê Thị Xia, trú tại ấp Thạnh Lộc, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, năm nay thời tiết lạnh, nước có độ mặn ít nên muối đạt năng suất thấp và giá muối cũng giảm so với các năm trước. Hiện muối bán tại ruộng với giá khoảng 28.000- 30.000 đồng/giạ (45kg/giạ). Với mức giá này, trừ mọi chi phí, người làm muối không có lãi.

Theo nhiều diêm dân, những năm gần đây, nghề làm muối của diêm dân Bến Tre khá bấp bênh do giá cả và thị trường tiêu thụ không ổn định. Do vậy, các hộ sản xuất muối mong muốn được chuyển đổi sang nuôi thủy sản để nâng cao thu nhập nhưng gặp khó khăn về vốn đầu tư.

Ông Phạm Văn Rành, trú tại ấp 5, xã Bạo Thạnh, huyện Ba Tri cho hay, trước đây ông có 4 ha đất sản xuất muối, mỗi năm thu từ 3.000- 4.000 giạ muối. Tuy nhiên, khoảng 5 năm nay, sản xuất muối không hiệu quả, ông quyết định chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất muối.

Theo ông Phan Văn Rạng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bến Tre, niên vụ muối 2020-2021, diện tích sản xuất muối trên địa bàn tỉnh hơn 1.258 ha; trong đó, có 100 ha diêm dân sản xuất muối trải bạt. Hiện sản lượng muối dự trữ tại kho của diêm dân khoảng 24.630 tấn; trong đó, sản lượng muối niên vụ 2020-2021 là 10.108 tấn, sản lượng muối năm 2020 chuyển sang là 14.522 tấn.


Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thị trường, việc tiêu thụ muối của diêm dân chậm, giá muối thấp dưới 30.000 đồng/giạ, trừ các chi phí diêm dân không còn lợi nhuận. Do đó, nghề làm muối chỉ đủ sống chứ không phát triển được kinh tế hộ gia đình tại địa phương.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2021-2030, tỉnh duy trì sản xuất muối với quy mô hợp lý và xây dựng phát triển mô hình sản xuất muối sạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết hợp nuôi thủy sản quảng canh cải tiến và nuôi artemia ở từng phần đất phù hợp trong ruộng muối.

Đến năm 2025, tổng diện tích đất làm muối của Bến Tre là 1.350 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện biển Ba Tri và Bình Đại. Đến năm 2030, diện tích quy hoạch vùng sản xuất muối tập trung là 600 ha ở huyện Ba Tri (xã Bảo Thạnh 500 ha, xã Bảo Thuận 100 ha), sản lượng muối đạt 32.400 tấn/năm.

Tỉnh kéo giảm và chuyển đất sản xuất muối có năng suất thấp, hiệu quả kém sang các loại hình sử dụng đất khác thích hợp với môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả cao hơn; trong đó, ưu tiên chuyển phần lớn đất sản xuất muối sang nuôi các loại thủy sản phù hợp với nước mặn-lợ.

Đặc biệt là nuôi tôm sinh thái-tôm thẻ chân trắng với phương thức và kỹ thuật nuôi an toàn sinh học đạt kết quả và phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió theo quy hoạch chung của tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, thực hiện quy hoạch ổn định diện tích sản xuất muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã tuyên truyền để người dân chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang mục đích khác theo chủ trương kéo giảm diện tích muối của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có diện tích đất sản xuất muối chuyển sang nuôi trồng thủy sản (nuôi cá, tôm quảng canh) hơn 236 ha.

Tại Bến Tre, nghề sản xuất muối trên địa bàn tỉnh thu hút 1.058 hộ tham gia và giải quyết việc làm ổn định cho 2.116 lao động diêm nghiệp.

Tuy nhiên, thu nhập của diêm dân không ổn định, thường trong tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, điều kiện và phương pháp sản xuất của diêm dân còn mang tính truyền thống dựa vào kinh nghiệm, sử dụng nhiều công lao động trong khâu sản xuất và thu hoạch, vận chuyển muối vào kho, chưa áp dụng quy trình kỹ thuật.


Công Trí