Thu nhập từ rừng - Khát vọng của nông dân Lai Châu
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu, mà còn góp phần tạo nguồn kinh kế ổn định, bền vững cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Anh Tòng Văn Chức – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cho biết: Xã Tà Hừa hiện có 3.146 ha rừng, trong đó: 2.057 ha rừng sản xuất, 1.089 ha rừng phòng hộ, tỷ lệ che phủ rừng đạt 35,74%. Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đời sống, thu nhập của người dân trong xã đã được cải thiện đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2020, xã Tà Hừa phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện chi trả trên 2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường cho các hộ dân. Được nhận tiền bảo vệ rừng, người dân các bản trong xã có thêm kinh phí để đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Có thu nhập ổn định, người dân trong xã ngày càng hăng hái hơn, tích cực hơn trong việc bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cũng như nhiều địa phương khác của huyện Phong Thổ, người dân ở các bản của xã Mù Sang tích cực tham gia bảo vệ rừng, thông qua người đại diện ký hợp đồng nhận khoán là trưởng bản. Năm 2020, hơn 660 hộ dân ở xã Mù Sang được chi trả hơn 1,2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Người dân trong xã sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để mua cây, con giống phát triển trồng trọt, chăn nuôi và mua sắm đồ dùng sinh hoạt, trang trải cuộc sống hàng ngày. Đây chính là động lực để người dân các dân tộc trong xã nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Vương Thế Mẫn – Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho hay: "Từ khi chính sách cho trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, người dân các xã, bản trong huyện tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng. Không chỉ ở Mù Sang mà bà con ở các xã, thị trấn luôn nêu cao ý thức giữ rừng.
Tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở các bản thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng. Nếu như trước đây, tình trạng xâm lấn, phá rừng làm nương rẫy còn xảy ra, thì những năm gần đây, tình trạng này không còn diễn ra nữa. Người dân các xã, bản trong huyện đã coi rừng là nguồn sinh kế quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống, từ đó tích cực tham gia bảo vệ".
Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ Dịch vụ môi trường rừng
Đến nay, tỉnh Lai Châu có hơn 470.000 ha rừng, trong đó có hơn 440.000ha được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, với tổng số tiền lên đến hơn 472 tỷ đồng (năm 2020). Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu phối hợp các cơ quan chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng, cộng đồng dân cư đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng người, đúng diện tích.
Đánh giá về hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ miiu trường rừng, ông Nguyễn Bá Việt – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu nhấn mạnh: "Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang đi vào cuộc sống đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu. Chính sách này được ví như "liều thuốc" tăng trưởng, giúp cho những cánh rừng trong tỉnh ngày càng xanh tốt. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường còn tạo nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thực hiện tốt chính sách không chỉ giúp người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thêm việc làm, tăng thu nhập mà còn giữ rừng được tốt hơn".