Thứ Năm, ngày 16/01/2025 05:28 PM (GMT+7)

Đi chợ Mã Lai giữa lòng Sài Gòn

2023-11-03 07:14:27

19h tối, chị Shakirim Hakim (20 tuổi) kéo sạp hàng bán đồ lưu niệm nhỏ của mình ra vị trí đông người qua lại, miệng không ngừng đon đả chào hàng “Selamat datang pelanggan” - Xin chào quý khách.

Sạp hàng nhỏ được bày đầy móc khóa, nam châm tủ lạnh in hình quốc kỳ, công trình kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam. Trong đó, những chiếc bóp thêu hình phụ nữ mặc áo dài là bán chạy nhất. Điều khiến khách hàng bị thu hút không chỉ là những sản phẩm kỳ công mà còn là mức giá vô cùng rẻ: 5 ringgit (khoảng 25.000 đồng), được viết thật to trên biển hiệu của sạp.

“Ringgit là mệnh giá tiền của Malaysia. Chúng tôi để bảng giá theo tiền Malaysia vì con đường này là nơi tập trung của người theo đạo Hồi”, chị Hakim lý giải.

Độc đáo phố Mã Lai giữa lòng Sài Gòn   - Ảnh 1.

Khu phố Mã Lai nằm trên đường Nguyễn An Ninh, quận 1 thưa thớt hẳn kể từ sau đợt dịch Covid-19. Ảnh: Minh Tâm

Cứ chập choạng tối, đường Nguyễn Anh Ninh (đối diện cửa Tây chợ Bến Thành) lại như được “sống dậy”. Các tiểu thương đua nhau kéo hàng tràn ra đường, các cửa tiệm sáng đèn, khắp nơi vang lên câu nói “Terima kasih” (Cảm ơn). Con đường dài khoảng 200m này là nơi kinh doanh của gần 50 hộ, hầu hết họ đều là người theo đạo Hồi và nói sõi tiếng Malaysia.

Cả người mua lẫn người bán, ai ai cũng đội hijab (khăn choàng che đầu và cổ) và mặc quần áo truyền thống, tạo thành khung cảnh đặc biệt. Khách du lịch đến từ Malaysia, Indonesia, Brunei thường rỉ tai nhau cái tên “Saigon Halal street” khi nhắc đến khu Hồi giáo nhộn nhịp này.

Đi dọc con đường, du khách không khỏi ấn tượng bởi các ma-nơ-canh đội hijab với nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau. Các ma-nơ-canh này được dùng thay cho câu nói “Ở đây có bán quần áo”.

Độc đáo phố Mã Lai giữa lòng Sài Gòn   - Ảnh 3.

Khách nước ngoài là người Malaysia sang Việt Nam du lịch đều một lần ghé khu phố Mã Lai để tham quan, mua sắm. Ảnh: Minh Tâm

Khi được khách hỏi thăm, chị Sa Y Thah (quận 1) đội tudung (khăn choàng đầu truyền thống Hồi giáo) nhanh nhẹn cầm ra khoảng 5 mẫu Telekung (quần áo làm lễ cầu nguyện của người Hồi giáo), tư vấn mẫu phù hợp với độ tuổi, vóc dáng của người mua. 

Chị Sa Y Thah cho biết lâu lâu có khách nước ngoài đến mua 1 bộ vì tò mò, đa phần là khách theo đạo Hồi mua nhiều, có người mua tận 20 bộ để mặc dần. Trong đó các mẫu có họa tiết ren, màu tối là bán chạy nhất. Mỗi bộ Telekung thường có giá khoảng 40 ringgit ( khoảng 200.000 đồng), khi mua 3 bộ sẽ có giá “hời” hơn, khoảng 100 ringgit (khoảng 500.000 đồng).

“Tiệm tôi thường bán đắt vào dịp cuối tuần hoặc tết Ramadan (tết của người Hồi giáo). Khách thường chọn những mẫu có họa tiết sặc sỡ hơn để phù hợp với không khí vui chơi ngày Tết”, chị Sa Y Thah nói thêm.

Độc đáo phố Mã Lai giữa lòng Sài Gòn   - Ảnh 4.

Chị Sa Y Thah (quận 1) chuyên bán trang phục truyền thống dành cho phụ nữ Hồi giáo. Ảnh: Minh Tâm

Tại một số cửa hàng lớn hơn, người bán còn nhập thêm các mặt hàng Jubah (áo thân dài) và baju kurung (áo và váy rời) để bán. Thậm chí, họ còn cung cấp thêm dịch vụ may tại chỗ nếu khách có nhu cầu.

Bên cạnh các hàng quần áo, đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho bất cứ ai muốn thưởng thức ẩm thực Muslim (Hồi giáo). Khắp con đường có gần 10 nhà hàng ẩm thực, nhà hàng nào cũng có người Việt Nam, người Indonesia, Malaysia chen chúc thưởng thức. Thực đơn cũng vô cùng đa dạng từ cơm rang, miến xào, phở... với giá từ 70.000-150.000 đồng. Tất cả đều chỉ dùng thịt bò, gà và hải sản chứ không dùng thịt heo.

Độc đáo phố Mã Lai giữa lòng Sài Gòn   - Ảnh 5.

Phụ nữ theo đạo Hồi, khi ra đường đều phải đội khăn choàng tudung, không để lộ tóc. Ảnh: Minh Tâm

Anh Hi Ah (nhân viên) cho biết cứ 10 khách đến hàng ăn của anh là có đến 6 khách gọi món phở bò. Món ăn này thu hút thực khách vì có sự giao thoa đặc biệt giữa ẩm thực Việt Nam và Malaysia. 

Các công đoạn nấu phở khá giống với phở Việt Nam, nhưng toàn bộ gia vị đều được nhập từ Malaysia nên giữ vững được hương vị đặc trưng. Khách Việt Nam ăn qua một lần đều xuýt xoa về độ ngọt, thanh của nước dùng từ xương bò. Người Malaysia lại cảm thấy bồi hồi khi thưởng thức hương vị quê hương nơi đất khách.

Các xe đẩy đồ ăn vặt, nước uống cũng thu hút không ít du khách vừa muốn trải nghiệm ẩm thực đường phố. Từ bánh mì kebab, kopi (cà phê), trái cây đến cá viên chiên, tất cả đều có thể được tìm thấy tại đây.

Độc đáo phố Mã Lai giữa lòng Sài Gòn   - Ảnh 6.

Các quán ăn dành của người đạo Hồi đều có ghi chữ "Halal" (nghĩa là được dùng). Ảnh: Minh Tâm

Điểm chung của các hàng quán này chính là ký hiệu chữ ‘Halal” được ghi phía trước. Biểu tượng này thường được dùng cho các thực phẩm được đánh dấu cho người Hồi giáo, mang nghĩa là hợp pháp, được phép sử dụng.

“Sống ở Sài Gòn đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến con đường này. Tôi không chỉ có một trải nghiệm mua sắm tuyệt vời mà còn được biết thêm về văn hóa Hồi giáo sau khi trò chuyện với những con người nơi đây”, chị Minh Phụng (TP Thủ Đức) cho biết.

Minh Tâm - Kỳ Duyên
Phố nail lâu đời bên hông chợ Bến Thành

Phố nail lâu đời bên hông chợ Bến Thành

Con hẻm 136 Lê Thánh Tôn, bên cạnh chợ Bến Thành dài chưa tới 30m nhưng có gần chục tiệm nail sát vách nhau. Nơi đây được mệnh danh là “phố nail” sầm uất nhất TP.HCM.