Thứ Hai, ngày 20/01/2025 10:19 PM (GMT+7)

Đẩy mạnh nuôi cá rô phi VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm

2018-12-17 14:56:24

Đó là chỉ đạo của ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại hội thảo “Sơ kết dự án xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2018”.

Nuôi cá rô phi theo VietGAP - Nhiều lợi ích

Tại Thanh Hóa, đoàn công tác đã đi thăm, kiểm tra thực tế mô hình nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Văn Nghiêu ở thôn Vân Trụ, xã Hà Vân, huyện Hà Trung.

Đoàn công tác kiểm tra mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa).
Đoàn công tác kiểm tra mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Ông Nghiêu cho biết, quy mô ao cá của gia đình ông là 9000 m2 , thả rô phi với mật độ 3 con/m2 .

Được sự hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và vật tư với hướng dẫn về kỹ thuật, sau hơn 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng trung bình 1,2 – 1,3 kg/con, gấp 3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

Ông Nguyễn Duy Minh - Phó Giám đốcTrung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cho hay: Mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Thanh Hóa đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển nuôi cá rô phi trong khu vực nuôi thủy sản nước ngọt, giúp ổn định khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/6/2016 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cá rô phi đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước đạt 33.000 ha; cá lồng đạt 1,5 triệu m3, sản lượng nuôi đạt 300.000 tấn, trong đó 50-60% được xuất khẩu. Đến năm 2030 diện tích nuôi cá rô phi của cả nước ta đạt 400.000 ha; cá lồng đạt 1,8 triệu m3 , sản lượng nuôi đạt 400.000 tấn, trong đó 50% được xuất khẩu.

Ngoài ra, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm thành công, giúp người nuôi phát triển bền vững như có thị trường tiêu thụ ổn định, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, khả năng nhân rộng của mô hình là rất lớn.
Sau 6 tháng nuôi, các chủ hộ đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật theo VietGAP, cán bộ chuyên môn. Mô hình đã đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn ngoài mô hình ít nhất 15%, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm

Ông Kim Văn Tiêu cho hay: Năm 2018, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP được triển khai tại 8 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương với quy mô 60 ha.

Thực tế cho thấy mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, rút ngắn thời gian nuôi.

“Từ kết quả dự kiến cho thấy mô hình nuôi đã đạt yêu cầu, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với yêu cầu của mô hình như tỷ lệ sống, năng suất. Nếu so sánh với mô hình nuôi cá rô phi thâm canh thông thường thì hệ số thức ăn giảm gần 3%, thời gian nuôi ngắn hơn 15-20 ngày, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn, người nuôi thu lợi nhuận lớn hơn” - ông Tiêu thông tin.

Cụ thể, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã vượt chỉ tiêu kế hoạch như tỷ lệ sống 72,68%/70% ; năng suất đạt 16,07 tấn/ha (theo yêu cầu là 14 tấn/ha), tăng 14,8% so với yêu cầu; kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 740gr/con (so với kế hoạch là 650 gr/con). Trừ các điểm bị thiệt hai do bão và lũ lụt, lợi nhuận tăng cao trên 80 triệu đồng/ha/vụ.

Toàn bộ sản phẩm của mô hình đã được các đơn vị thu mua ký hợp đồng tiêu thụ và cung cấp cho bếp ăn tập thể của nhà máy, cung cấp cho siêu thị, công ty có đầu mối xuất khẩu và một số chợ đầu mối trong vùng. Sản phẩm nuôi theo VietGAP được ưu tiên mua trước.

Hội thảo “Sơ kết dự án xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2018”.
Hội thảo “Sơ kết dự án xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2018”.

Từ hiệu quả kinh tế đem lại, kết hợp những tác động tích cực về môi trường, xã hội cho thấy mô hình đã mở ra một hướng đi mới. Sự thành công của mô hình là tiền đề cho việc triển khai nhân rộng mô hình, bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế còn giúp bà con tiếp cận những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất.

“Bộ NN&PTNT cần tiếp tục xây dựng các dự án về nuôi theo Quy phạm VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm để chuyển giao cho nông dân trong những năm tiếp theo, không chỉ trên đối tượng cá rô phi mà còn các hình thức nuôi khác như cá lồng, cá ruộng để tạo ra sản phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi”, ông Tiêu đề nghị.

Bài, ảnh: Nguyễn Quỳnh