Thứ Năm, ngày 16/01/2025 04:03 PM (GMT+7)
Cựu CEO Jetstar Pacific Lương Hoài Nam ngồi ghế nóng điều hành Bamboo Airways
2023-10-23 15:30:04
Ông Lương Hoài Nam, người từng làm Tổng Giám đốc hãng Jetstar Pacific Airlines, được bổ nhiệm làm CEO Bamboo Airways ngày 23/10, khi Chính phủ thúc các bộ, ngành cùng tháo gỡ khó khăn cho hãng bay này.
Quyết định bổ nhiệm CEO Lương Hoài Nam được ký bởi ông Lê Thái Sâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bamboo Airways.
Vị trí CEO của Bamboo Airways gần đây thay đổi liên tục. Trước ông Nam, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó chủ tịch HĐQT, phải kiêm nhiệm ghế CEO để thay ông Nguyễn Minh Hải đã từ nhiệm. Ông Hải chỉ mới đảm nhận chức vụ CEO của hãng hồi cuối tháng 5 thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân, người giữ ghế này từ tháng 7/2022.
Ông Lương Hoài Nam là một doanh nhân từng trải, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không. Sau khi thôi làm CEO Jetstar Pacific Airlines, ông kinh qua các vị trí như Giám đốc Điều hành hãng Air Mekong, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản Nam Long, CEO Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu (thuộc Tập đoàn Thiên Minh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt…
Tái cấu trúc toàn diện Bamboo Airways
Bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam vào vị trí CEO là bước tiến mới nhất trong quá trình tái cấu trúc toàn diện đang được Bamboo Airways thực hiện, gồm xây dựng lại bộ máy quản trị - điều hành để hướng tới ổn định hoạt động.
Chính phủ đang thúc giục các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ hãng hàng không non trẻ này tái cấu trúc để ổn định hoạt động.
Công văn số 8166/VPCP-DMDN của Văn phòng Chính phủ mới gửi các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, liên quan đến các kiến nghị của Bamboo Airways.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 6354/VPCP-ĐMDN ngày 18/8/2023, theo Báo Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư về quy mô đội tàu bay của hãng lên trên 30 chiếc, đúng quy định của Luật Đầu tư và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; trình Thủ tướng.
Bộ Giao thông Vận tải được giao báo cáo Thủ tướng trong tháng 11/2023 về tình hình hoạt động, các nội dung liên quan đến việc duy trì điều kiện hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam, để đảm bảo an ninh, an toàn trong vận tải hàng không trong thời gian tới.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải tại công văn số 10347/BGTVT-VT ngày 15/9/2023 để xử lý.
Trước đó, tại công văn số 8166, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bamboo Airways và các cơ quan liên quan, nghiên cứu báo cáo của công ty để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, nhằm phát triển hãng hàng không này.
Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Vì sao phải tái cấu trúc
Cơ cấu chủ sở hữu của Bamboo Airways liên tục biến động sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào tháng 3/2022, với cáo buộc thao túng chứng khoán.
Bamboo Airways cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2019, với tham vọng về một hãng hàng không 5 sao. Hãng nhanh chóng mở rộng đội tàu bay, mạng đường bay, dịch vụ đi kèm và ngay trong năm đầu tiên hoạt động.
Bamboo Airways đã trở thành hãng hàng không tư nhân trong nước đầu tiên khai thác máy bay thân rộng.
Đến cuối năm 2021, thời điểm trước khi các lãnh đạo cấp cao FLC dính vào lao lý, với đội bay gần 30 máy bay, mạng bay của Bamboo Airways phủ kín thị trường nội địa, với gần 20% thị phần và một số đường bay quốc tế kèm các dịch vụ đầy đủ.
Tags:
Bamboo Airways vẫn chưa tìm thấy con đường phát triển ổn định?
Nhân sự cấp cao biến động thường xuyên và chiến lược kinh doanh dàn trải cho nội địa lẫn quốc tế, được cho là nguyên nhân hãng hàng không tư nhân non trẻ Bamboo Airways chưa thể ổn định hoạt động.