Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:01 PM (GMT+7)
Bamboo Airways vẫn chưa tìm thấy con đường phát triển ổn định?
2023-09-27 17:00:00
Nhân sự cấp cao biến động thường xuyên và chiến lược kinh doanh dàn trải cho nội địa lẫn quốc tế, được cho là nguyên nhân hãng hàng không tư nhân non trẻ Bamboo Airways chưa thể ổn định hoạt động.
Tổng Giám đốc Bamboo Airways hiện nay là ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Chủ tịch HĐQT của hãng. Tháng 7/2023, ông Trọng phải ngồi ghế CEO thay cho ông Nguyễn Minh Hải, người tự xin thôi chức.
Ông Hải chỉ mới đảm nhận chức vụ CEO của hãng hồi cuối tháng 5 thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân, người giữ ghế này từ tháng 7/2022.
Như vậy, tính từ tháng 7 năm ngoái, hãng hàng không 4 tuổi đời này đã có 3 đời Tổng Giám đốc.
Cơ cấu chủ sở hữu cũng liên tục biến động sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào tháng 3/2022 (khi đang làm Chủ tịch tập đoàn FLC và Chủ tịch Bamboo Airways), với cáo buộc thao túng chứng khoán.
Bamboo Airways cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2019, với tham vọng về một hãng hàng không 5 sao của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Hãng nhanh chóng mở rộng đội tàu bay, mạng đường bay, dịch vụ đi kèm và ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Bamboo Airways đã trở thành hãng hàng không tư nhân trong nước đầu tiên khai thác máy bay thân rộng.
Đến cuối năm 2021, thời điểm trước khi các lãnh đạo cấp cao FLC dính vào lao lý, với đội bay gần 30 máy bay, mạng bay của Bamboo Airways phủ kín thị trường nội địa, với gần 20% thị phần và một số đường bay quốc tế kèm các dịch vụ đầy đủ.
Chiến lược kinh doanh này được xem là cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia với tuổi đời và nguồn lực vượt trội.
Năm 2022, doanh thu thuần của Bamboo Airways đạt trên 11.700 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với 2021 nhưng vẫn lỗ lũy kế hơn 19.300 tỷ đồng. Để tăng quy mô, Bamboo Airways lên kế hoạch từ nay đến năm 2026, mỗi năm tăng thêm 8 - 10 máy bay, tăng giờ hoạt động của máy bay lên trên mức bình quân 10 giờ/máy bay/ngày hiện nay.
Từ tháng 7/2023, giữa nhiều thông tin về biến động nhân sự cấp cao, Bamboo Airways khẳng định hãng đang duy trì hoạt động bình thường. Doanh nghiệp cho biết đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ, đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.
Sacombank, chủ nợ lớn của Bamboo Airways, có chủ trương tham gia đầu tư vào hãng, và đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận. Thông tin này được ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT Bamboo Airways, thông tin tại phiên họp bất thường vào ngày 15/9 của hãng.
Ông Tuệ từng làm Phó Tổng Giám đốc Sacombank từ năm 2012, và hiện nay là thành viên HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Cũng theo ông Tuệ, Sacombank thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways và kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc Sacombank đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành tín dụng, nên phải tuân thủ các bước thủ tục cần thiết.
Reuters mới đây trích nguồn tin độc quyền cho biết Bamboo Airways đang đối mặt với vấn đề chậm trả lương cho phi công vì một số khó khăn tài chính. Theo nguồn tin, khoảng 30 phi công nước ngoài đến nay đã thôi việc ở Bamboo Airways, chiếm hơn 10% tổng số phi công của hãng.
Theo Reuters, đại diện của hãng đã gửi tin nhắn đến các phi công nước ngoài, nói họ sẽ nhận 35% lương tháng vào ngày 21/8, chậm một tuần so với thời hạn bình thường. Phần còn lại sẽ được thanh toán sau đó, khi có thông báo mới.
Sau đó, phần lương còn lại đã được trả đủ. Tuy nhiên, kỳ lương ngày 15/9 vẫn chưa được phát tính đến ngày 25/9.
"Sếp lớn" EVN phân trần chuyện lỗ 28.700 tỷ đồng
27/09/2023 14:36Doanh nghiệp Hàn Quốc cấp tập dồn vốn vào Việt Nam
27/09/2023 11:35Ngắm lồng đèn khổng lồ chơi Tết Trung thu có giá tiền triệu ở TP.HCM
27/09/2023 10:01
Tags:
30 phi công vừa nghỉ việc ở một hãng bay Việt
Theo Reuters, khoảng 10% lượng phi công của thương hiệu Bamboo Airways đã rời hãng sau sự chậm trễ trong việc nhận lương.