“Cú hích” cho cây ớt phát triển bền vững ở Lộc Bình
04/07/2025 07:00 GMT +7
Với mục tiêu "lấy người dân làm trung tâm phục vụ", ngay sau khi kiện toàn bộ máy từ việc sáp nhập, ngày 3/7, xã Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị để tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ớt. Từ đó đã mở ra hướng đi bền vững, liên kết bao tiêu sản phẩm, hứa hẹn mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng trăm hộ nông dân.
- Chứng chỉ rừng bền vững hướng đi mới nâng tầm giá trị ngành lâm nghiệp Lạng Sơn
- Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn lần thứ I: Khởi đầu mới cho một chặng đường đột phá
- Lâm nghiệp Lạng Sơn tới mục tiêu doanh thu 7.100 tỷ đồng
Dù bộ máy còn nhiều bận rộn sau sáp nhập, UBND xã Lộc Bình đã tổ chức một buổi tập huấn đặc biệt, thu hút đông đảo bà con nông dân trên địa bàn. Nội dung chính của buổi tập huấn xoay quanh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cây ớt, một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích lên đến gần 100 ha.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Trịnh Tuấn Đông - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình, nhấn mạnh: Chúng tôi xác định, áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là bước đột phá quan trọng giúp nông dân xã Lộc Bình phát triển sản xuất. Vì vậy, dù mới kiện toàn bộ máy, nhưng chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị để tổ chức buổi tập huấn giúp bà con nông dân nắm vững kiến thức về phát triển cây ớt.
Xóa bỏ canh tác từ thực trạng manh mún
Thực tế tại Lộc Bình trong nhiều năm qua cho thấy, dù cây ớt là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, nhưng phương thức canh tác phần lớn vẫn còn tự phát, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm truyền thống. Điều này dẫn đến năng suất không cao, chất lượng không đồng đều và đặc biệt là giá cả bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Có mặt tại buổi tập huấn, ông Lý Văn Khao chia sẻ: Theo thói quen chúng tôi, cứ đến tháng 12 âm lịch là đi mua giống ớt về trồng; nhà thì lựa chọn giống ớt kim, ớt lai… Trồng ớt thì tự do, từ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc mỗi nhà áp dụng theo kinh nghiệm riêng, vì vậy năng suất thu hoạch cũng chưa được cao, giá bán cũng hoàn toàn dựa vào thương lái.
Tương tự, ông Lộc Văn Liệu, một nông dân cũng với 10 năm kinh nghiệm trồng ớt, cho biết: Gia đình tôi năm nay trồng 4 sào ớt, đã thu hoạch được 7 tạ, nhưng giá bán rất biến động, dao động từ 10.000 đến 22.000 đồng/kg tùy ngày. Ớt cũng hay mắc 1 số bệnh như mốc sương, thán thư, vàng lá…
Lý giải những vấn đề bất cập của bà con nông dân gặp phải, cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Những bất cập này đến từ thói quen canh tác của người dân nông dân. Thời gian qua, bà con đang trồng giống ớt chủ yếu chỉ để bán cho thị trường Trung Quốc, khi thị trường này không thu mua thì giá lập tức sụt giảm. Thêm vào đó, kỹ thuật chăm sóc còn nhiều hạn chế như đưa cây con còn quá non ra đồng trong thời tiết lạnh giá; không làm giàn che, vườn ươm đúng cách khiến cây non bị côn trùng chích hút và đặc biệt là tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc hóa học.
Lời giải từ liên kết sản xuất và nông nghiệp hữu cơ
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông cho biết: Được thành lập từ năm 1963, những năm qua, chúng tôi đã có kinh nghiệm liên kết sản xuất quy mô lớn tại nhiều tỉnh như: Phú Thọ, Lào Cai, Hà Nội, Lạng Sơn…. Đặc biệt, Hợp tác xã đã chuyển hướng từ thị trường xuất khẩu truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Sản phẩm nào mà không có thuốc trừ sâu, không có thuốc hóa học thì chúng tôi mới mua.

Để giải quyết các vấn đề cố hữu của bà con nông dân Lộc Bình, Hợp tác xã đưa ra một kế hoạch hợp tác toàn diện và cụ thể:
Bao tiêu sản phẩm: Hợp tác xã cam kết thu mua ớt với giá sàn thấp nhất là 10.000 đồng/kg và sẽ thu mua theo giá thị trường tại thời điểm.
Hỗ trợ kỹ thuật và vật tư: Đối với diện tích trồng mới, Hợp tác xã sẽ hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời cho bà con ứng trước 50% chi phí phân bón, thuốc và giống (dưới 3 triệu đồng/sào). Đối với diện tích ớt hiện có, Hợp tác xã sẽ hướng dẫn kỹ thuật, cấp phát thuốc sinh học để cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh và giúp cây phục hồi.
Chuyển đổi sang hữu cơ: Toàn bộ quy trình sẽ tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật canh tác hữu cơ của Hợp tác xã. Điển hình là việc sử dụng men vi sinh để giải độc cho đất và cây trồng, thay thế hoàn toàn thuốc hóa học.
Mô hình này được kỳ vọng sẽ nâng cao năng suất trồng ớt của Lộc Bình từ 5 tấn/ha hiện tại lên 8 tạ/sào (tương đương 22 tấn/ha) và xa hơn là 1,2 tấn/sào (36 tấn/ha).
Buổi tập huấn không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn trình chiếu những hình ảnh, video thực tế về tình trạng vườn ớt của bà con Lộc Bình trước và sau khi áp dụng thử nghiệm quy trình của Hợp tác xã, tạo ra sự tin tưởng và hưởng ứng mạnh mẽ.
Với sự quyết tâm của chính quyền mới, kết hợp với đối tác liên kết uy tín và một quy trình sản xuất khoa học, đang mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho cây ớt và đời sống người dân xã Lộc Bình trong thời gian tới.