Hì hục ngồi tách tổ để lấy nhộng và ong non ra, chị Nguyễn Thị Hạnh ở Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Tổ ong vò vẽ đó, tách hết cái tổ này là tối sẽ có một đĩa nhộng ong xào ớt ăn với bánh đa ngon tuyệt. Nhưng, ngồi bóc tách tổ ra để lấy từng con nhộng và ong non như thế này hơi mất thời gian một chút”.
Chị cho hay, nhộng ong vò vẽ là món ăn khá ưa thích của gia đình chị. Cứ từ cuối tháng 7 đến tháng 9 chị lại tranh thủ đặt mua tổ ong vò vẽ về để lấy nhộng và ong non chế biến thành đủ các món ăn từ chiên giòn, xào ớt, xào lá lốt cho đến nấu cháo,... Bởi, khoảng thời gian vào mùa, nhộng và ong non ăn bao giờ cũng béo ngậy, thơm ngon nhất.
Nghe đến ong vò vẽ có vẻ nhiều người sợ vì chúng được cho là loài ong có nọc độc nhất thế giới, bố mẹ chị còn kể một thời ong vò vẽ được nhân dân làm vũ khí trong kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng, riêng nhộng ong loại này giờ lại trở thành món ăn đặc sản có giá đắt đỏ.
Chỉ vào chiếc bát đựng đầy nhộng ong có màu trắng ngà vừa mới tách ra từ tổ, chị Hạnh chia sẻ, bát nhộng này có giá hơn 300.000 đồng. Lát chị sẽ đem rửa sạch, trần qua nước sôi để nhộng săn lại - cách này sẽ giúp nhộng không bị nát khi chế biến thành các món ăn khác nhau.
Theo chị Hạnh, hồi cuối tháng 7 mới vào mùa, chị phải mua nhộng ong nguyên tổ với giá 300.000 đồng/kg, giờ giữa mùa giá giảm còn 250.000 đồng/kg. Riêng với nhộng bóc nõn giá lên tới gần nửa triệu đồng/kg.
“Giá có đắt đỏ thật, nhưng hàng thì tương đối dễ mua, chỉ cần đặt trước 2 ngày, hoặc đặt hôm nay, ngày mai có hàng giao tận nơi, không mất công chờ đợi như nhiều loại đặc sản khác”, chị nói.
Tương tự, không chỉ săn mua nhộng ong vò vẽ về chế biến thành các món ăn khoái khẩu, chị Đinh Thị Thu Trà ở Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) dịp này còn mua nhộng về ngâm rượu cho chồng.
Trao đổi với phóng viên, anh Trần Văn Thế, một đầu mối bán đặc sản Tây Bắc ở Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), cho biết, nhộng ong vò vẽ là món ăn được dân Hà Nội cực kỳ ưa chuộng. Theo đó, dù đã vào mua khai thác nhộng ong vò vẽ, nguồn cung từ các đầu mối đi rừng săn nhộng ở Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn đổ về cũng nhiều hơn, nhưng hàng vẫn không đủ để bán.
“Ngâm rượu thì mua loại nguyên tổ giá chỉ 250.000 đồng/kg, còn nấu ăn thì mua loại nhộng đã tách tổ giá lên tới 450.000 đồng/kg”. Chị nói và cho biết, mỗi bữa gia đình chị ăn dè cũng hết nửa cân nhộng, hôm nào nhà có khách thì xào hết cả cân ăn mới đủ.
Tổ ong vò vẽ đều được khai thác trong rừng, chính vì thế nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào người đi rừng săn được nhiều hay ít. Thông thường, ngày ít thì anh gom mua được khoảng 20-30kg tổ, ngày nhiều thì được 70-80kg.
“Nhộng ong vò vẽ mua nguyên cả tổ giá chỉ 250.000 đồng/kg, còn mua nhộng đã tách tổ thì giá phải lên tới 400.000-500.000 đồng/kg tùy thời điểm”. Theo anh Thế, thông thường nếu mua ngâm rượu mọi người hay mua nguyên tổ, còn mua chế biến thành món ăn thì mua nhộng đã tách vì về chỉ việc sơ chế, không mất thời gian ngồi tách tổ lấy nhộng nữa.
Theo các nhà khoa học, nhộng ong rừng chứa nhiều chất béo, đường, acid amin, vitamin và muối khoáng, ngoài ra, còn có nhiều vitamin A, B1, B2, C, PP và các chất khoáng như canxi, phốt-pho. Vì thế, trong kho tàng y học dân gian, nhộng ong vò vẽ được sử dụng làm thuốc. Dược liệu này có vị ngọt, mặn, tính mát, có độc, tác dụng giảm đau, chống nôn, tăng lực, bền cơ. Nhộng ong vò vẽ sắc với nước uống trong ngày có thể chữa ngực bụng đau, nôn khan.
Lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội đông y Ba Đình (Hà Nội), cho biết, ong vò vẽ có nọc độc cực mạnh, nhưng nhộng ong lại không có độc và là món ăn bổ dưỡng. Song, theo ông, vì có nhiều chất bổ dưỡng nên một người không nên ăn quá 20gram nhộng ong vò vẽ trong một ngày.
Ngoài ra, nhộng ong vò vẽ tuy lành tính, song có những trường hợp có thể bị dị ứng khi ăn nhộng ong do cơ địa không hợp với biểu hiện mẩn ngứa, mặt đỏ bừng, choáng váng, đau bụng, nôn mửa,... vì thế, nên ăn thử trước một ít, nếu không thấy các biểu hiện trên thì có thể ăn tiếp, còn có thì phải dừng ngay lại.