Năm 2012, bà Lưu Thị Năm (Lạng Sơn) mua mảnh đất diện tích 165 m2, trong đó có 50 m2 đất ở, số còn lại là đất trồng cây hàng năm khác (không phải đất lúa).
Năm 2022, sổ hết hạn sử dụng, bà Năm ra thị trấn nơi cư trú xin gia hạn và gửi hồ sơ lên Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, tuy nhiên hồ sơ của bà không được giải quyết với lý do, bà là giáo viên không, thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Thực tế, mảnh đất nêu trên, bà Năm đang trực tiếp trồng cây, sử dụng đúng mục đích và đã có thu hoạch hằng năm.
Còn theo Khoản 1 Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì bà phải nộp hồ sơ tối thiểu trước 6 tháng. Do bà Năm đang thế chấp sổ vay ngân hàng, bà không để ý được thời gian, nên khi lấy sổ ra chỉ còn trước 2 tháng, vậy là không đủ điều kiện trước 6 tháng nên không làm được thủ tục.
Theo bà Năm, quy định nêu trên sẽ là vướng mắc đối với những hộ gia đình, cá nhân như trường hợp của bà. Bà đề nghị cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề như sau:
Tại Khoản 2 Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định: "Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất".
Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác thuộc Nhóm đất nông nghiệp (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 của Luật Đất đai).
Tại Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai quy định: "Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa".
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bà nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện theo quy định của pháp luật.