dd/mm/yyyy

Chuyện về một cựu chiến binh với hành trình thoát nghèo và giúp dân làm kinh tế

Nói đến ông Hoàng Văn Chất, xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La), rất nhiều người biết đến ông với tư cách là một lão nông trồng cam có thu nhập khủng. Nhưng ít ai biết được, có những lúc kinh tế gia đình suy sụp vì gặp phải tình huống bất khả kháng, đã đẩy ông vào ngõ cụt tưởng như không có lối thoát.

Lão nông trồng cam có thu nhập khủng Hoàng Văn Chất (bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) hiện đang giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã (HTX) Trường Tiến. Ông là con người của công việc, ít khi ông có thời gian rảnh rỗi.

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Chất trong vườn cam trĩu quả hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Chiều ngày 30/4/2020, một cơ duyên đã cho tôi có cơ hội với 2 giờ đồng hồ ngồi trò chuyện tại nhà của riêng của ông.  Mới gặp ông, thoạt nhìn dáng người cao gầy, vẻ ngoài khắc khổ, nét mặt lạnh lùng, tôi cảm thấy ông là con người có chút khó gần. Sau câu chuyện với ông, cảm nhận ban đầu của tôi về ông đã tan biến. Nhường vào đó là hình ảnh một cựu quân nhân cởi mở, có bản lĩnh thép và tinh thần tương thân, tương ái của người lính bộ đội Cụ Hồ.

Trong câu chuyện với tôi, ông kể : "Tôi là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại Bản Củ 2, xã Chiềng Ban. Năm 1978 tôi nhập ngũ, cùng đồng đội lên chiến trường phía Bắc làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Đầu năm 1981, tôi được cử đi học trung cấp y, cuối năm 1982 sau khi học xong, tôi trở về công tác tại bệnh viện Quân y 6. Năm 1983 tôi lấy vợ. Đến năm 1989, do hoàn cảnh gia đình neo người, bố mẹ già yếu không có người chăm sóc, tôi phục viên, trở về địa phương chăm sóc bố mẹ và gia đình".

Theo lời ông, những năm đầu, với 13 ha diện tích đất  hoang hóa được khai phá , gia đình ông là một trong những người đi đầu của xã về trồng cây cà phê và mận hậu. Khoảng thời gian từ năm 1998- 2003, gia đình ông chủ yếu trồng cây cà phê và mía để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy Mía đường Mai Sơn và Công ty Chè- cà phê Sơn La. Mấy năm liên tiếp, do khí hậu khắc nghiệt, thiệt  hại về sương muối, rồi lại hạn hán gây mất trắng cả vốn đầu tư và công sức, nên cuộc sống gia đình ông lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tưởng như cùng đường: Vay tiền ngân hàng để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do thiên tai bị mất trắng, làm gia đình ông không có khả năng trả khoản nợ lớn đã vay ngân hàng, ông bị quy vào tội lừa đảo và phải đi cải tạo lao động 5 năm.

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 2.

Ông Chất và bà Thân (vợ ông) bên luống cam giống của Mỹ.

Nhìn về phía vợ đang giặt quần áo ngoài sân, ông nói: "Khoảng thời gian 2004-2009 là quãng thời gian buồn nhất của gia đình tôi. Trong thời gian này, một mặt do không có người làm, mặt khác để thêm tiền lo cho sinh hoạt cả gia đình khi tôi không có nhà, vợ tôi đã cho các gia đình khác thuê bớt đất, chỉ giữ lại 5,9 ha.Tôi còn rất may mắn, khi có người vợ luôn tần tảo thay tôi gánh vác gia đình trong thời gian tôi vắng nhà".

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 3.

Khu vườn ươm cây giống các loại của ông Chất.

 Theo ông tâm sự: Năm 2009 sau khi mãn hạn cải tạo lao động, trở về nhà, thương vợ con, ông lao vào làm đủ mọi việc (làm vườn, chăn nuôi, đi khám chữa bệnh cho bà con…) để bù đắp tình cảm và làm kinh tế cho gia. Nhưng cuộc sống khó khăn vẫn luôn đeo bám gia đình ông.

 Bản lĩnh không chịu khuất phục bởi hoàn cảnh của một cựu chiến binh đã từng lăn lộn trên chiến trường, kề cận giữa cái sống và cái chết ở chiến trường trỗi dậy. Ông trăn trở, mày mò thông tin qua sách, báo, đồng đội cũ, người quen… với mục tiêu học hỏi kinh nghiệm cải tạo đất dốc, đất bạc mầu, trồng cây gì mà đầu tư ít nhất, chịu rủi ro về khí hậu thấp nhất mà đem lại hiệu quả kinh tế ổn định… 

Thế rồi, tháng 10/2013, ông quyết tâm vác ba lô, cùng hai con trai lên đường đi tìm lối thoát cho kinh tế gia đình. Các nơi ba bố con ông đã lặn lội đi đến, có đủ từ miền xuôi đến miền ngược, trong nước và cả ngoài nước, như: Đồng Văn (Hà Giang), Chi Lăng (Lạng Sơn), Quỳ Hợp (Nghệ An), Văn Giang (Hưng Yên)… Nậm Bạc (tỉnh Luông Pha Băng – nước Cộng hòa DC nhân dân Lào) để học hỏi.

Nhớ lại quãng thời gian cực nhọc, giọng trầm ngâm, ông nói : "Không có tiền để thuê lao động, cả ngày bố con tôi lăn lộn trên nương với đất, phân bón và cây giống. Tôi luôn động viên bản thân và gia đình, phải thật cố gắng hết sức, đất sẽ không phụ công người, trời sẽ hiểu thấu lòng người…Mồ hôi công sức, nước mắt và cả những giọt máu của tôi đã không ít lần rơi xuống bên những gốc cam. Quyết tâm đó của tôi đã làm cho vợ con xót thương, đồng cam cộng khổ, cùng tôi chịu đựng vất vả, khó khăn theo hướng đi tôi đã chọn".

Sau hơn 2 tháng đi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình kinh tế trang trại ở các nơi, ông cùng các con trở về. Tháng 4/2014, ông mạnh dạn đầu tư 14 triệu đồng để mua phân bón cải tạo đất và mua 120 cây cam giống cam V2 về trồng đợt đầu thử nghiệm trên diện tích hơn 2000m2 đất dốc trước đây đã trồng cà phê và mận hậu. Theo ông cho biết, giống cam V2 là loại cây có múi được ông nghiên cứu tìm hiểu rất kỹ, giống này có đặc điểm là thích nghi với phạm vi sinh thái rộng, dễ phù hợp với điều kiện khí hậu nhiều miền khác nhau.

Trong câu chuyện, ông cho biết, năm 2015, ông tiếp tục đầu tư 60 triệu đồng mua 1500 cây cam giống 36, cam đường canh, bưởi da xanh và phân bón để trồng thế vào 3 ha diện tích đã trồng mận hậu và cà phê  nhằm mở rộng diện tích trồng cam, bưởi.

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 4.

Niềm vui bên những trái cam trong vụ mùa bội thu 2019 của bố con ông Chất.

"Năm 2016, sau 2 năm kể từ lúc đặt gốc cam đầu tiên xuống đất trồng thử nghiệm, là lúc tôi được hái quả cam bói đầu tiên trong vườn, tôi vui lắm. Vừa hái quả, vừa rơi nước mắt"- Ông Chất nói.

Ánh mắt lấp lánh niềm vui, tiếp tục dòng tâm sự, ông chia sẻ: "Chỉ sau 2 năm, 120 cây cam đầu tiên đã cho tôi thấy tương lai khi chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng cam. Tôi  mạnh dạn đầu tư tiếp 240 triệu mua phân, mua cây cam, bưởi giống để trồng hết 1,7 ha đang trồng mận hậu còn lại, đồng thời làm hệ thống tưới ẩm cho 100% diện tích đã trồng cam, bưởi. Năm 2017, tôi nghĩ trời đất đã nhìn thấu và thương xót nỗi vất vả, quyết tâm của gia đình tôi rồi. Với 500 triệu đồng thu được từ bán sản lượng hơn 30 tấn quả bói từ diện tích 3ha trồng lần 2 vào năm 2015, trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi thu lãi 300 triệu đồng. Số tiền này tôi dùng đầu tư vào phân bón, chuồng trại nuôi bò sinh sản nhốt chuồng để chủ động nguồn phân bón hữu cơ và mua tư liệu tái sản xuất". 

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 5.

Đàn bò sinh sản nuôi nhốt của nhà ông Chất.

Nhận thấy việc trồng cam, tương lai sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, ít bị rủi ro bởi thời tiết, từ năm 2015 đến nay, ông Hoàng Văn Chất đã đem kinh nghiệm chia sẻ cho người thân, họ hàng và những gia đình trong bản với mong muốn việc chuyển đổi sang cây trồng cây cam, bưởi có thể sẽ giúp họ thoát được cái nghèo đói giống như ông trước đây. Có nhiều gia đình đã đến học hỏi và được ông chỉ cho cách làm.

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 6.

Ông Chất còn cho kỹ thuật viên đến hướng dẫn kỹ thuật trồng giống cam mới tại vườn nhà các hộ nông dân.

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 7.

Ông Chất (mặc áo sơ mi trắng) đang hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách dùng phân bón sinh học chăm sóc cây cam cho người dân tại xã Phiêng Pằn.

Được biết, trong những năm qua, gia đình ông đã tạo điều kiện cho gần 40 hộ (trên tổng số hơn 360 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn được HTX Trường Tiến tạo điều kiện cho vay tư liệu sản xuất không lấy lãi) bằng cây giống, chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn cho hội viên nông dân…. Gia đình ông đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 4 người; việc làm  mùa vụ cho 25 người, với mức tiền công 5 triệu đồng/người/tháng. Vợ chồng ông là những thành viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động, xây dựng các tổ chức hội tại địa phương  (Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội nông dân, Hội Phụ nữ…). Đồng thời, tích cực ủng hộ phong trào xây dựng đường giao nông thông nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 8.

Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho sản quả cam, quả bưởi của HTX Trường Tiến do ông Chất làm chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX.

Năm 2019, tổng thu nhập của 20 hộ gia đình thành viên HTX đạt 13,2 tỷ, thu được từ việc bán các sản phẩm an toàn, như: Cam, bưởi, rau, nấm các loại và  dịch vụ cung cấp giống cây, phân bón sinh học. Riêng gia đình ông có thu 1,9 tỷ đồng.

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 9.

Bản"Xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn" do Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Sơn La cấp cho quả cam và quả bưởi của HTX Trường Tiến

Hiện nay sản phẩm của gia đình ông và của HTX đã được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cấp giấy chứng nhận xác nhận là sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của tỉnh cho hệ thống các cơ sở kinh doanh như: Hệ thống siêu thị Vinmart; Siêu thị Big C tại thành phố Hà Nội; các cửa hàng  đăng ký kinh doanh rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố Sơn La...

Trong những năm qua, gia đình ông đón tiếp hàng trăm đoàn từ các địa phương trong tỉnh, trong nước và quốc tế tham quan đến học hỏi kinh nghiệm.

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI THOÁT NGHÈO VÀ TINH THẦN TƯƠNG THÂN CỦA LÃO NÔNG TRỒNG CAM Ở SƠN LA - Ảnh 10.

Ông Chất (ngoài cùng bên trái) đang chia sẻ kinh nghiệm với đoàn tham quan của nước Bạn Lào sang thăm mô hình của gia đình ông.

Chia tay tôi, ông nói : "Trong những năm tới, cá nhân tôi và HTX sẽ tiếp tục đầu tư thâm canh cao, mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các sản phẩm an toàn như: Cam, bưởi, rau xanh, nấm các loại…, để góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động , giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình và HTX, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, tiếp tục  gắn chặt tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp".

Tống Huyền