Chem chép là gọi theo tiếng địa phương, đây là loại hải sản 2 mảnh như nghêu, hến, sò, vỏ cứng, nhiều hoa văn, kích cỡ trung bình bằng ngón chân cái. Chem chép được xếp vào nhóm hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, vị ngọt, phù hợp để chế biến thành nhiều món ăn ngon, phong phú đa dạng.
Ít đất sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân sống bằng nghề bắt con chem chép ở Đầm Dơi, Cà Mau. Đặc biệt, ở ấp Phú Quý, xã Thanh Tùng có khu vực tập trung hàng chục hộ dân chuyên làm nghề. Hàng ngày, bà con chạy vỏ lãi dọc theo các con sông, hay những vạt rừng ven biển để đào bắt chem chép.
Chị Nguyễn Thị Bé một hộ dân hành nghề chia sẻ kinh nghiệm: "Hang chem chép nó giống như hình số 8 vậy. Đào xuống một khúc thì lấy cái móc, móc nó lên. Móc lên thì lẫn sình, về thì lắc rửa sạch đi mới bán".
Chem chép sống trong hang dưới tán rừng ngập mặn. Hang của chúng thường sâu khoảng 30 cm. Người dân chuyên làm nghề dùng dao bầu đào xuống gần tới vị trí chem chép nằm, sau đó, dùng một cái móc được làm bằng sắt kéo lên khá dễ dàng. Tuy sản lượng chem chép đã suy giảm khá nhiều nhưng đối với những người có nhiều năm kinh nghiệm vẫn có thể bắt được trên dưới 10kg chem chép mỗi ngày.
Anh Phạm Tự Em, người dân vừa đi bắt chem chép vừa thu mua lại của người dân làm nghề cho biết: "Người dân đi bắt theo con nước. Hiện nay chem chép ít hơn trước chứ không nhiều như xưa nữa. Cũng nhằm tháng có giá để bắt, có giá thì được 40.000 – 50.000 đồng/kg. Có ngày thì kiếm được 200.000 – 300.000 đồng, hơn trăm cũng có. Tôi gắn bó với nghề cũng mời mấy năm nay, mỗi tháng bà con cũng kiếm được 7 – 8 triệu đồng".
Những người dân làm nghề ở địa phương cũng rất trách nhiệm với nghề. Họ chỉ bắt những con chem chép đạt kích cỡ khoảng từ 30 - 50 con/ký. Còn những con nhỏ sẽ được thả lại để khai thác sau. Tuy vậy sản lượng vẫn bị suy giảm nhưng người dân làm nghề vẫn sống khỏe nhờ giá chem chép đang khá cao.