Chàng trai Mông và khát vọng gieo tương lai trên thung lũng mây Hang Kia
11/07/2025 12:29 GMT +7
Bỏ lại sau lưng những cơ hội nơi phố thị, Giàng A La (SN 1996), dân tộc Mông, xóm Pà Khôm, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình (cũ) nay là xóm Pà Khôm, xã Pà Cò, tỉnh Phú Thọ - đã chọn một con đường không ít chông gai, là trở về quê hương để khởi nghiệp bằng du lịch cộng đồng. Từ đôi bàn tay trắng và một lần thất bại, A La đã và đang từng ngày viết nên câu chuyện truyền cảm hứng về một thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, biến tình yêu bản làng thành động lực phát triển bền vững, lan tỏa bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
- Phú Thọ: Nhiều “uẩn khúc” trong cấp đổi sổ đỏ cho người bỏ ruộng suốt 27 năm và đã chuyển khẩu
- Vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tập trung, người miền núi Phú Thọ nâng cao thu nhập
Từ giấc mơ dang dở đến lối đi riêng mang tên A La Homestay
Nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp của vùng Tây Bắc, thung lũng Hang Kia - Pà Cò từ lâu đã được mệnh danh là “thiên đường săn mây” huyền ảo. Chính tại nơi đây, trên mảnh đất xóm Pà Khôm còn nhiều gian khó, chàng trai Giàng A La đã lớn lên cùng những áng mây trắng bồng bềnh và nuôi trong mình một giấc mơ lớn: làm giàu trên chính quê hương mình.
Không giống nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn con đường ly hương để tìm kiếm cơ hội, A La sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc đã quyết định quay về. Anh mang trong mình kiến thức được học và một trái tim đầy nhiệt huyết, mong muốn đánh thức tiềm năng du lịch còn đang ngủ yên của bản làng.

“Quê mình đẹp thế này, văn hóa đặc sắc như vậy, tại sao lại không thể phát triển du lịch, tại sao bà con mình cứ mãi nghèo khó?” - câu hỏi đó cứ day dứt trong tâm trí chàng trai trẻ.
Nghĩ là làm, A La cùng một số anh em tâm huyết bắt tay xây dựng mô hình Hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch - nông nghiệp Hang Kia. Đó là những bước đi đầu tiên, đầy bỡ ngỡ nhưng cũng chan chứa hy vọng. Tuy nhiên, thực tế không bằng phẳng như giấc mơ. Mô hình HTX non trẻ nhanh chóng gặp phải vô vàn vướng mắc.
“Khó khăn lớn nhất không phải là vốn, mà là sự kết nối và đồng bộ trong tư duy”, A La trầm ngâm nhớ lại. “Các thành viên trong HTX chưa thực sự thấu hiểu nhau. Bà con trong bản quen với lối làm ăn nhỏ lẻ, tự do, khi đưa vào một khuôn khổ pháp lý với những quy định về thuế, chính sách, sổ sách… thì lại lúng túng. Khoảng cách về nhận thức đã khiến chúng tôi không thể đi cùng nhau một con đường dài. HTX phải giải thể, đó là một thất bại, một bài học kinh nghiệm đầu đời”.

Cú vấp ngã không làm A La nản chí. Ngược lại, nó giúp anh nhận ra con đường phù hợp hơn với thực tại của địa phương. Anh quyết định làm lại từ đầu, nhưng lần này là với một quy mô nhỏ gọn, linh hoạt hơn: mô hình hộ kinh doanh cá thể mang tên A La Homestay. Đây không chỉ là một cái tên, mà là cả một thương hiệu cá nhân, một lời cam kết về chất lượng và trải nghiệm mà anh muốn mang đến cho du khách.
A La Homestay không đơn thuần là một nơi lưu trú. Anh xây dựng nó thành một trung tâm trải nghiệm văn hóa Mông đích thực. Với các tour trọn gói, du khách không chỉ đến để săn mây hay ngắm cảnh, mà còn được sống, được thở trong không khí văn hóa bản địa.
Từ việc tự tay vẽ những hoa văn sáp ong tinh xảo lên tấm vải lanh, cùng bà con giã bánh dày trong tiếng chày nhịp nhàng, hay trải nghiệm một ngày làm nông dân thu hái mận, đào, rau sạch… tất cả đều được A La khéo léo lồng ghép để tạo nên một hành trình đáng nhớ.
“Không làm du lịch một mình”
Một trong những triết lý kinh doanh sâu sắc nhất của Giàng A La là “không thể phát triển du lịch cộng đồng một mình”. Anh hiểu rằng, để đi xa và bền vững, lợi ích phải được sẻ chia. Hồn cốt của du lịch cộng đồng chính là cộng đồng.
“Nếu chỉ mình tôi giàu lên, còn bà con xung quanh vẫn nghèo khó thì đó là thất bại. Mình phải mang lại lợi ích cho bà con, tạo ra công ăn việc làm cho họ, thì họ mới tin tưởng và sẵn sàng đồng hành cùng mình”, A La chia sẻ.

Chính từ suy nghĩ này, A La Homestay đã trở thành một điểm tựa sinh kế cho nhiều người dân Pà Khôm. Dù quy mô chưa lớn, mỗi tháng đón khoảng 20-30 lượt khách, mang về doanh thu dao động 30-40 triệu đồng, nhưng A La vẫn cố gắng tạo việc làm ổn định. Anh thuê 3 nhân sự thời vụ, hỗ trợ mức 250.000 đồng/ngày – một con số không nhỏ so với mặt bằng thu nhập tại địa phương.
Quan trọng hơn, anh xây dựng một mạng lưới cộng tác viên rộng khắp trong xóm bản. Mỗi khi có đoàn khách, đội văn nghệ quần chúng lại được mời đến biểu diễn, những người lái xe ôm lành nghề trở thành hướng dẫn viên không chuyên đưa khách len lỏi qua từng con dốc, những người phụ nữ khéo tay cung cấp các sản phẩm thổ cẩm, nông sản sạch. Dòng tiền từ du khách không chảy vào một túi, mà được lan tỏa, thấm vào đời sống của từng nếp nhà.
Hoạt động du lịch vẫn còn mang tính mùa vụ, có những tháng cao điểm, có những lúc vắng khách. Nhưng A La vẫn kiên trì gồng gánh, duy trì chi trả để “giữ người, giữ nghề”. Anh tin rằng, sự đầu tư vào con người và cộng đồng hôm nay chính là nền tảng vững chắc nhất cho sự phát triển mai sau.
Gieo tương lai trên thung lũng mây
Từng là một cán bộ Đoàn năng nổ, Giàng A La luôn biết cách gắn kết hoạt động kinh doanh với trách nhiệm xã hội. Anh thường xuyên đứng ra tổ chức các chương trình thiện nguyện, kêu gọi du khách cùng chung tay trồng rừng, tặng quà cho trẻ em nghèo.

Những hoạt động ý nghĩa đó không chỉ giúp đỡ cộng đồng mà còn tạo ra một hình ảnh đẹp, một giá trị nhân văn cho A La Homestay, thu hút những du khách có trách nhiệm.
Sự chân thành và tinh thần cống hiến của anh đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân và cả chính quyền địa phương.
Ông Vàng A Váu - Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò, nhận xét: "Giàng A La là một thanh niên tiêu biểu của xã, có tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm. Dù gặp nhiều khó khăn khi khởi nghiệp, anh vẫn kiên trì tìm hướng đi riêng và không ngừng kết nối cộng đồng.
Điều đáng quý nhất là A La không làm du lịch chỉ vì lợi ích cá nhân, mà luôn nỗ lực tạo sinh kế cho bà con, lan tỏa giá trị văn hóa và gìn giữ bản sắc dân tộc. Mô hình của A La là một điểm sáng, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để du lịch cộng đồng tại Pà Cò có thể phát triển bền vững".
Từ đôi bàn tay trắng, Giàng A La đã biến một góc núi rừng hoang sơ thành điểm đến hấp dẫn. Từ một ước mơ nhỏ bé của cá nhân, anh đang gieo lên cả một tương lai cho cộng đồng người Mông ở Pà Cò, thắp lên hy vọng về một cuộc sống ấm no hơn ngay trên mảnh đất cha ông.
Nhìn những đoàn khách quốc tế thích thú học cách nhuộm chàm, những em nhỏ thành thị lần đầu được nếm vị ngọt của quả mận vừa hái trên cây, hay nụ cười rạng rỡ của những người dân bản địa khi có thêm thu nhập, mới thấy hết giá trị mà mô hình của Giàng A La mang lại.
Câu chuyện của anh là minh chứng sống động cho một thế hệ trẻ vùng cao đang dần thức tỉnh. Họ không còn mặc cảm, tự ti, mà đã biết biến những giá trị văn hóa độc đáo, những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của quê hương thành tài sản, thành con đường khởi nghiệp.
Từ thung lũng mây ấy, một làn gió mới đang thổi, mang theo khát vọng ở lại, cống hiến và xây dựng tương lai ngay tại nơi mình sinh ra. Và Giàng A La, chính là một trong những người tiên phong gieo những hạt mầm hy vọng đầu tiên trên hành trình đầy tự hào đó.
Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình: Tạo đòn bẩy, tiếp sức cho nông dân làm giàu và xây dựng nông thôn mới
Bằng những hoạt động đổi mới, thiết thực, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã và đang khẳng định vai trò là “bà đỡ”, là chỗ dựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh cho hội viên nông dân vươn lên làm giàu, chung tay xây dựng quê hương ngày càng văn minh, hiện đại.
Sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, làng này ở Phú Thọ là quê hương một Trạng nguyên
Là một trong số gần 50 vị Trạng nguyên của nước ta, Vũ Duệ sinh ra trong một gia đình làm nghề nông ở làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây, nay là xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Trạng nguyên họ Vũ thi đỗ Trạng nguyên năm 22 tuổi, năm 1490, tức năm thứ 21 đời Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông nhà Hậu Lê.