Chăn nuôi bò sinh sản: Hướng đi mới trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở xã Ngọc Lý

Phương Vy

01/07/2025 16:35 GMT +7

Từ một con bò giống được hỗ trợ, những hộ nghèo ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh) đang dần viết lại câu chuyện đời mình bằng chính sự cần cù và khát vọng thoát nghèo. Một mô hình nhỏ nhưng mở ra hy vọng lớn.

Từ con bò đầu tiên đến ...cánh cửa mở ra hy vọng

Giữa khu vườn vắng lặng sau nhà, bà Hoàng Thị Khiêm, 65 tuổi, khẽ đưa tay vuốt lưng con bò cái đang thong thả nhai cỏ. Ánh mắt bà ánh lên vẻ yên tâm, thứ mà trước kia, khi còn trong danh sách hộ nghèo, bà chưa từng nghĩ mình có thể cảm nhận được.

Các cơ quan, đoàn thể xã Ngọc Lý tặng bò giống cho một hộ nghèo trên địa bàn xã. Ảnh: MX

“Tôi cứ tưởng cả đời mình sẽ sống lay lắt với mấy sào ruộng và đồng tiền trợ cấp”, bà Khiêm trải lòng, giọng vẫn còn ngỡ ngàng. Chồng mất sớm, con cái đi làm ăn xa, một mình bà lụi hụi với luống rau, đám lúa và mái nhà cấp bốn dột nát. “Nuôi bò ư? Trước đây tôi không dám mơ vì lấy đâu ra tiền mà mua”.

Cần luật hóa chính sách giảm nghèo để có khung pháp lý ổn định

Thế rồi vào giữa năm 2023, bước ngoặt đến như một món quà bất ngờ. Bà được chọn là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: Chăn nuôi bò sinh sản” do xã Ngọc Lý triển khai. Một con bò cái lai Sind được trao tận tay bà, không chỉ là vật nuôi, mà là tài sản quý giá mở đầu cho hành trình mới.

“Ngày đầu nhận bò, tôi vui đến mất ngủ. Chuồng bò được xã hỗ trợ hướng dẫn làm lại, có cỏ voi để trồng, có người tập huấn tận nơi. Mỗi sáng tôi dậy sớm cắt cỏ, dọn chuồng, thấy mình có việc để làm, có niềm vui để chờ”, bà nói, tay vẫn miết nhẹ trên lưng con vật như đang cảm ơn cuộc đời.

Ở một góc khác của xã, ông Nguyễn Văn Lương, 52 tuổi, cũng có chung tâm trạng. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng không có việc làm ổn định, thu nhập trông chờ vào mùa vụ. “Khi nhận con bò, tôi lo mình không biết cách nuôi. Nhưng cán bộ thú y xuống tận nhà chỉ dẫn. Bò giờ khỏe mạnh, ăn tốt, sắp tới phối giống là tôi có bê để gây đàn rồi”, ông Lương cười rạng rỡ.

Bò của dự án trao tặng, được gia đình hộ nghèo ở xã Ngọc Lý chăm sóc kỹ càng nên phát triển tốt. Ảnh: Phương Vy

Ngọc Lý là xã trung du với hơn 80% diện tích là đất nông nghiệp. Một số hộ dân chỉ có nghề chính là sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật canh tác cũ kỹ khiến những hộ nghèo, cận nghèo quanh năm vất vả mà cái nghèo vẫn bám riết. UBND xã đã từng nhiều lần tìm hướng sinh kế mới nhưng phải đến năm 2023, với quyết tâm chuyển từ “hỗ trợ manh mún” sang “trao công cụ thoát nghèo”, mô hình chăn nuôi bò sinh sản mới được khởi động.

Dự án bước đầu triển khai cho 13 hộ với tổng kinh phí hơn 595 triệu đồng – trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 330 triệu, phần còn lại là vốn đối ứng từ người dân. Mỗi hộ nhận một con bò giống cùng gói hỗ trợ bao gồm giống cỏ voi, chế phẩm sinh học, thuốc thú y và tập huấn kỹ thuật.

Từ mô hình thí điểm, năm 2024 dự án được mở rộng ra 9 thôn, cấp thêm 18 con bò với tổng kinh phí hơn 654 triệu đồng. Người dân không chỉ góp tiền mà còn đóng góp công sức, thức ăn và cùng nhau giám sát tiến độ thực hiện.

“Chúng tôi không kỳ vọng phép màu. Điều xã hướng đến là sự thay đổi có nền móng, từ nhận thức đến hành động. Con bò chỉ là bước khởi đầu cho cả một hành trình tự lực”, ông Vũ Ngọc Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý, nói trong buổi họp tổ cộng đồng.

Trụ sở UBND xã Ngọc Lý được xây dựng khang trang đạt chuẩn Nông Thôn mới. Ảnh: TT

Chuyển biến từ tư duy sản xuất đến cộng đồng cùng tiến

Sau hơn một năm triển khai, đã có 31 hộ dân ở 12 thôn được nhận hỗ trợ. Trong số đó có cả hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và hộ có người khuyết tật. Nhiều hộ chăm sóc bò tốt, đến nay đã chuẩn bị cho chu kỳ phối giống đầu tiên, dự kiến sẽ có khoảng 30 con bê ra đời vào cuối năm 2025, đầu năm 2026.

Một con bê giống bán ra thị trường có giá khoảng 20–22 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ có thể thu về khoảng 13–15 triệu đồng/lứa, con số không nhỏ đối với những gia đình vốn chỉ trông vào vài vụ lúa với thu nhập vài ba triệu đồng mỗi mùa.

Nhưng thành quả lớn hơn là sự thay đổi trong tư duy sản xuất. Người dân không còn làm theo kiểu “được đâu hay đó” mà học cách tính toán, lên kế hoạch, chăm sóc vật nuôi một cách khoa học. Họ bắt đầu làm quen với khái niệm lợi nhuận, đầu tư, tái đầu tư. Một số hộ còn tận dụng phân bò để làm phân hữu cơ, cải tạo đất, giảm chi phí đầu vào.

Không chỉ là một mô hình sinh kế, dự án còn thiết kế cơ chế nhân văn: mỗi hộ sau 2 năm sẽ hoàn trả lại 5% giá trị con giống, tương đương gần 1 triệu đồng để góp vào Quỹ sinh kế cộng đồng. Khoản tiền nhỏ ấy sẽ được xoay vòng, giúp các hộ nghèo khác tiếp tục nhận hỗ trợ, tạo nên chuỗi liên kết phát triển bền vững.

“Từ chỗ chỉ biết làm ruộng, người dân giờ đã bắt đầu tính chuyện nuôi bò lâu dài, sinh sản, rồi gây đàn. Có hộ còn hỏi xã về cách làm thủ tục vay vốn mở rộng mô hình. Sự chủ động ấy cho thấy hiệu quả vượt ra ngoài con số”, ông Khanh khẳng định.

Trụ sở UBND xã Ngọc Lý nhìn từ trên cao. Ảnh: TT

Thay đổi từ bên trong nhưng vẫn cần thêm niềm tin và sự kiên trì

Dẫu mô hình đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực, nhưng hành trình thoát nghèo chưa bao giờ là dễ dàng. Một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, chưa chăm sóc bò đúng kỹ thuật, thậm chí lơ là việc dọn chuồng, cắt cỏ. Việc hoàn trả vốn cho Quỹ sinh kế cũng gặp vướng mắc ở những hộ có thu nhập quá thấp.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò của tổ cộng đồng trong việc giám sát, kèm cặp. Chính những người dân trong thôn sẽ là người nhắc nhau, hỗ trợ nhau để giữ vững hiệu quả lâu dài,” ông Khanh nói thêm.

Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng với sự cam kết từ chính quyền và tinh thần cầu thị, ham học hỏi từ người dân, Ngọc Lý đang viết tiếp một chương mới trong câu chuyện giảm nghèo. Và tất cả bắt đầu từ… một con bò giống.

Một con bò không chỉ là vật nuôi – mà là điểm tựa để người dân thoát nghèo bằng đôi tay và ý chí của mình. Nếu các địa phương khác cũng dám nghĩ, làm chặt chẽ và kiên trì như Ngọc Lý, mô hình chăn nuôi bò sinh sản hoàn toàn có thể trở thành một hướng đi bền vững, thực chất trong hành trình giảm nghèo.