Thứ Năm, ngày 16/01/2025 05:48 PM (GMT+7)

Các nhà xuất khẩu Ấn Độ dự đoán chính phủ sớm bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo

2023-08-11 08:00:00

Theo các nhà xuất khẩu lớn của Ấn Độ, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati có thể sớm được dỡ bỏ do những lo ngại về mùa màng thất bát

Theo các nhà xuất khẩu lớn của Ấn Độ, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati có thể sớm được dỡ bỏ do những lo ngại về mùa màng thất bát đã giảm bớt. Trong khi đó, giá gạo ở châu Á tăng lên cao nhất trong gần 15 năm ở châu Á do thị trường lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn nữa trên toàn cầu khi thời tiết khô hạn đe dọa sản lượng ở Thái Lan và sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati.

Thái Lan không dừng xuất khẩu gạo để tận dụng cơ hội giá cao Những nước bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Các nhà xuất khẩu Ấn Độ dự đoán chính phủ sớm bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Một kho gạo ở một chợ bán sỉ ở thành phố Navi Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

“Cho đến nay, lượng mưa trong mùa mưa đầy đủ và diện tích lúa gieo sạ đã vượt qua mức của năm ngoái. Chính phủ có thể sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng”, Anil Kumar Mittal, Chủ tịch kiêm CEO của Khushi Ram Behari Lal Limited, công ty xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ và là nhà xay xát gạo lớn nhất thế giới, nói với tờ Financial Express hôm 9-8.

Ông cho biết, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã yêu cầu Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu gạo trắng vì điều này đã dẫn đến sự gia tăng giá gạo toàn cầu.

Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho biết sau khi bắt đầu thu mua lúa, chính phủ có thể đánh giá tình hình nguồn cung vào tháng 12 và xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu. Ông nói thêm rằng, do lệnh cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam và Thái Lan đã tăng giá bán gạo.

Ông Mittal cho biết, giá gạo trong nước đã tăng 15% trong bốn tháng qua, nhưng giá có thể giảm sau khi vụ thu hoạch bắt đầu vào tháng 9 và tháng 10.

Tính đến ngày 1-8, Tổng công ty lương thực Ấn Độ (FCI) có lượng gạo dự trữ là 37,64 triệu tấn, bao gồm 13,01 triệu tấn nhận được từ các công ty xay xát. Con số này cao hơn nhiều so với mức dự trữ thông thường 10,25 triệu tấn vào thời điểm tháng 10 hàng năm.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trong một nỗ lực kiềm chế lạm phát lương thực trong nước, một vấn đề có thể ảnh hưởng đến tâm lý cử tri trước các cuộc bầu cử quan trọng bao gồm cuộc tổng tuyển cử toàn cầu vào năm tới.

Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất kể từ năm 2012. Tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm 100% đồng thời áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo phi basmati nhằm cải thiện nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, trong niên vụ 2022-2023, Ấn Độ xuất khẩu kỷ lục 22,34 triệu tấn gạo sang hơn 140 quốc gia.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo có giá thấp nhất và dự kiến vẫn giữ ngôi vị nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong niên vụ năm 2023-2024.

Trao đổi với Reuters hôm 8-8, Mohini Mohan Mishra, Tổng thư ký Hiệp hội Nông dân Ấn Độ (BKS), cảnh báo sản lượng trồng lúa ở Ấn Độ có thể giảm 5% do quyết định cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati của New Delhi làm giảm thu nhập của nông dân và khuyến khích họ chuyển sang trồng các loại cây khác.

“Lệnh cấm xuất khẩu gạo được công bố ngay giữa vụ gieo trồng hiện tại. Đó là lý do tại sao quyết định này đã gửi một tín hiệu sai lầm đến nông dân”, ông nói.

Mishra cho biết chính phủ cần phải bồi thường cho nông dân bằng cách mua số lượng lớn lúa thu hoạch vụ mới với giá cao hơn.

Hồi tháng 6, Ấn Độ đã tăng giá mua lúa loại thường của vụ mới từ nông dân thêm 7% lên 2.183 rupee (26,45 đô la)/100 kg.

Hàng năm, chính phủ Ấn Độ tăng giá mua hỗ trợ tối thiểu các mặt hàng chủ lực như gạo và lúa mì để xây dựng kho dự trữ phục vụ chương trình phúc lợi lương thực lớn nhất thế giới. Chương trình này phát ngũ cốc miễn phí cho người nghèo.

Nông dân Ấn Độ, những người thường trồng lúa vào các tháng mưa,  tháng 6 và tháng 7, sẽ bắt đầu thu hoạch vụ mùa vào tháng 10.

Khi vụ thu hoạch lúa bắt đầu đến, Tổng công ty lương thực Ấn Độ sẽ bắt đầu mua lúa từ nông dân với giá hỗ trợ tối thiểu.

Trong một diễn biến khác, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm, được xem là tiêu chuẩn châu Á, tăng lên 648 đô la/tấn, đắt nhất kể từ tháng 10-2008, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) công bố hôm 9-8. Giá gạo trắng Thái Lan đã tăng gần 50% trong năm qua.

Gạo là thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của hàng tỉ người dân ở châu Á và châu Phi. Giá gạo đắt đỏ có thể gây thêm áp lực lạm phát và tăng hóa đơn nhập khẩu cho các nước nhập khẩu.

Mối đe dọa mới nhất đối với nguồn cung gạo đến từ Thái Lan, nhà xuất khẩu lớn thứ hai. Giới chức trách Thái Lan khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước tưới tiêu hơn khi nước này chuẩn bị ứng phó các điều kiện khô hạn hơn do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino.

Lượng mưa tích lũy ở khu vực trồng trọt lúa chính ở miền trung Thái Lan thấp hơn 40% so với bình thường. Động thái khuyến khích hạn chế trồng lúa là để tiết kiệm nước cho các hộ gia đình. Chính phủ Thái Lan trước đó yêu cầu nông dân chỉ trồng một vụ lúa trong năm nay. Đợt El Niño trong niên vụ 2015-2016 đã làm giảm diện tích trồng lúa của Thái Lan khiến sản lượng lúa hàng năm của nước này giảm 16%.

Giá gạo tăng làm trầm trọng thêm căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và nguồn cung ngũ cốc từ khu vực Biển Đen giảm sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mì, bắp và các mặt hàng nông sản qua khu vực biển này.

Theo KTSG Online

Chánh Tài

Tags: