Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 01:54 AM (GMT+7)
Cá dứa từ dân dã đến OCOP đi ra thế giới
2024-02-14 14:52:11
Từ một loài cá bản địa, có nhiều ở các khu rừng ngập mặn Cần Giờ, giờ đây cá dứa Cần Giờ đã trở thành đặc sản, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.
Cá dứa từ lâu đã được nhiều người biết đến là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở vùng bán đảo Cần Giờ, TP.HCM.
Sản vật nơi rừng ngập mặn
Ở đây có những khu rừng mắm, rừng sác, rừng dừa nước chuyển tiếp giữa cửa sông với biển là nơi lý tưởng để cá dứa trú ngụ và kiếm mồi. Khoảng 15 năm trở lại đây, tại các xã như: Lý Nhơn, Long Hòa, Cần Thạnh, An Thới Đông... đâu đâu cũng có người theo nghề câu, chế biến và kinh doanh khô cá dứa.
Gia đình ông Tám Long (xã Long Hòa) mưu sinh với nghề đánh bắt đã hơn 20 năm. Hồi trước, cá dứa nhiều ăn không hết, cho nên phải làm khô mặn biếu họ hàng ở xa vào dịp Tết. Chẳng biết có bí quyết gì mà khô do ông Tám Long làm rất ngon, du khách gần xa ăn đều mê tít.
Sau này, xóm giềng còn mang cá tươi đến nhờ ông làm khô để làm quà hoặc dành mùa biển động. Ông Tám kể, nghề câu cá dứa tốn nhiều công sức, vất vả nhưng thành quả lao động thì hên xui. Đi câu phải theo con nước, thường chia theo những ngày trong tháng như từ mùng 6 - 12 và 21 - 27 âm lịch (từ tháng 8 đến tháng Chạp), đây là thời điểm cá cắn câu nhiều nhất trong tháng. Vào mùa, trung bình mỗi ngày ông Tám câu được khoảng 10kg cá, bỏ túi vài triệu đồng.
"Nghe vậy ai cũng bảo thu nhập khủng nhưng đâu biết được công việc khó khăn thế nào. Chưa kể những lúc mưa bão, đối mặt với những hiểm nguy, không thể nói trước được điều gì", ông Tám cho hay.
Cá dứa tươi tự nhiên, lúc rộ mùa có giá từ 170 - 180 ngàn đồng/kg. Cá dứa loại 1, tại các nhà hàng đặc sản thì giá lên tới 290 - 300 ngàn đồng/kg. Để làm khô, 2kg cá tươi được 1kg cá khô một nắng và 2,5kg cá tươi mới được 1kg cá khô hai đến ba nắng. Do vậy, giá khô cá dứa ít nhất cũng phải từ 340 - 380 ngàn đồng/kg.
Con cá dân dã thay đổi cả vùng quê
Cá dứa tự nhiên ở Cần Giờ hiện nay rất hiếm, thịt cá ngon khó cưỡng, vị ngọt dai. Miếng ngon đồn xa, dần dần cá dứa Cần Giờ đã trở thành đặc sản với không chỉ du khách trong nước và cả quốc tế. Cũng vì lẽ đó, nhu cầu tiêu thụ cá dứa ngày một tăng cao, người dân Cần Giờ phải tìm cách thuần hóa loài cá này để nuôi, phục vụ người tiêu dùng.
Nói đến nuôi cá dứa ở thành công ở Cần Giờ, hầu như ai cũng biết ông Đặng Văn Út ở xã Lý Nhơn. Cách đây 25 năm, ông Út nhận đất rừng ngập mặn và bắt đầu triển khai nuôi tôm sú. Chỉ sau vài năm, ông mở rộng mô hình nuôi tôm và nhanh chóng trở thành "đại gia" ngành tôm ở Cần Giờ. Có duyên với nghề sông nước, nên khi huyện Cần Giờ triển khai nuôi cá dứa, ông Út liền hăng hái là một trong những người đầu tiên tham gia.
Theo ông Út, với cá dứa, quá trình thả giống cho đến thời gian thu hoạch là 15 tháng. Cá dứa nên bắt đầu thả khi bắt đầu mùa mưa, đến khi cá trưởng thành đã vào mùa nắng, độ mặn cao sẽ giúp hình dáng cá đẹp và chất lượng thịt cá ngon. Là đặc sản truyền thống của địa phương, đến nay sản phẩm cá dứa Cần Giờ đã có mặt ở nhiều nơi, trong đó có cả thị trường quốc tế như: Mỹ, Canada, châu Âu… Tại Cần Giờ đã có nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản phẩm cá dứa làm mặt hàng kinh doanh chính.
Đặc biệt là cá dứa một nắng giờ đây được đầu tư bao bì, đăng ký nhãn hiệu bài bản. TP.HCM cũng đã công nhận cá dứa một nắng Cần Giờ là sản phẩm OCOP (One Commune One Product: Mỗi xã một sản phẩm) - một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ một món ăn dân dã của vùng ngập mặn, giờ đây con cá dứa Cần Giờ đã khoác lên mình bộ áo mới, vươn ra tận bên kia bán cầu.
Cá dứa nổi tiếng nhất xưa nay là ở Cần Giờ (TP.HCM) và các cửa sông có rừng ngập mặn như Bồ Đề, Cửa Lớn (Cà Mau)… Năm 1988, KS Tống Minh Chánh (Công ty TNHH Minh Chánh, An Giang) sau nhiều năm nghiên cứu thử nghiệm đã sản xuất thành công giống cá dứa trong điều kiện nhân tạo. Mỗi năm, công ty này cung cấp cho thị trường hàng trăm triệu con giống cá dứa, hình thành nghề nuôi cá dứa thương phẩm ở Cần Giờ (TP.HCM) và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Cá cháy mùa xưa
Khi những ngọn gió chướng non từ phương Đông lao rao ngọn trở về châu thổ sông Hậu, nhìn các tán xoài ngà vàng những chùm bông dập dờn bao cánh ong, cánh bướm hút mật là tôi nghe lòng dậy lên niềm vui mới: niềm vui Tết nhứt.