Thứ Năm, ngày 16/01/2025 04:02 PM (GMT+7)

Người Cần Giờ tất bật làm du lịch cộng đồng

2023-09-02 15:00:00

Từng một thời khốc liệt trong chiến tranh chống Mỹ, nổi tiếng với địa danh rừng Sác, bây giờ huyện Cần Giờ (TP.HCM) còn được nhiều người biết đến với làng nghề du lịch cộng đồng độc đáo ở ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) do chính tay những nông dân chân chất làm nên.

Nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở ấp đảo Thiềng Liềng (đảo Thiềng Liềng) , TP.HCM đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại đây. Sau 1 năm triển khai, tại ấp đảo Thiềng Liềng đã hình thành một làng nghề du lịch cộng đồng dù còn non trẻ nhưng hứa hẹn ăn nên làm ra.

Hình thành làng nghề du lịch trên đảo Thiềng Liềng

Người Cần Giờ tất bật làm du lịch cộng đồng - Ảnh 1.

Du khách tham gia trải nghiệm làm muối trên ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: T.Đ

Chị Mười Giạ biến cái sân nhà có hàng cây siro đang trổ bông trắng muốt thành nơi tiếp khách. Chị đặt những bộ bàn ghế đan bằng mây tre làm không gian để khách nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức loại nước mát làm từ trái si rô do chính tay chị chế biến.

Ấp Thiềng Liềng là ấp đảo nằm cách trung tâm xã Thạnh An khoảng 7km. Hiện ấp đảo có hơn 200 hộ với khoảng 1.000 dân. Người dân ở ấp đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề làm muối, đánh bắt thủy hải sản và nuôi hàu.

Theo anh Năm Đổi (Nguyễn Văn Đổi) - nông dân đang làm du lịch cộng đồng tại ấp đảo cho biết, hiện ở ấp đảo này có hơn chục hộ làm du lịch cộng đồng. Trước nhà mỗi hộ này đều có gắn bảng hiệu để du khách nhận diện, như "Hộ Mười Giạ - homestay và nước mát", "Hộ Tư Huỳnh - tài tử đàn sến", "Hộ Út Kiều - thức uống xứ biển"…

Tại nhà anh Năm Đổi cũng gắn bảng hiệu "Hộ Năm Đổi - ẩm thực đồng muối". Theo anh Năm Đổi, ngay sau khi chính quyền công bố ra mắt mô hình du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng, anh "chộp" thời cơ xắn tay lên làm.

Tại hộ anh Năm Đổi, ngoài tổ chức cho du khách ăn uống các đặc sản đồng quê, còn có hoạt động vui chơi, đàn ca tài tử... với giá bình dân. Riêng hoạt động trải nghiệm làm muối thì du khách tham gia… vô tư, vì anh Năm Đổi có khoảng 10ha làm muối, "đi rụng cả chân, làm rụng cả tay".

Anh Năm Đổi thổ lộ, từ khi nhà mở dịch vụ du lịch cộng đồng, anh đón khá nhiều đoàn khách du lịch trong, ngoài thành phố đến tham quan, trải nghiệm. Thậm chí có cả những đoàn khách nước ngoài. Về thu nhập, anh Năm Đổi thổ lộ: "Đủ sống".

Cách nhà anh Năm Đổi không xa là nhà chị Mười Giạ, trước nhà treo biển "Hộ Mười Giạ - homestay và nước mát".

Chị Mười Giạ cho biết, lâu nay nhà chị tham gia làm du lịch cộng đồng. Chị Mười Giạ biến cái sân nhà có hàng cây siro đang trổ bông trắng muốt thành nơi tiếp khách.

Chị đặt những bộ bàn ghế đan bằng mây tre làm không gian để khách nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức loại nước mát làm từ trái si rô do chính tay chị chế biến. Hiện, chị Mười Giạ chủ yếu cho thuê phòng để khách lưu trú, với 5 phòng ngủ cho khách.

Tăng cường dạy nghề du lịch cho nông dân làm du lịch trên đảo 

Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng Nguyễn Thị Bạch Tuyết chia sẻ, mô hình du lịch cộng đồng đang thay đổi nhịp sống của ấp đảo, vốn trước đây rất vắng vẻ nhưng giờ sôi động, nhộn nhịp - nhất là những ngày cuối tuần, lễ, tết khi khách du lịch tấp nập kéo ra ấp đảo.

Cũng theo chị Tuyết, lâu nay phụ nữ ở ấp đảo này chỉ biết làm muối, giờ chị em phải cố gắng tự học để làm du lịch, phục vụ khách. Hiện, HTX đang mở các lớp đào tạo kiến thức liên quan đến du lịch cộng đồng để hỗ trợ xã viên, nông dân địa phương làm du lịch.

Vừa qua, để phát triển du lịch nông thôn, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, TP.HCM đã ban hành Đề án "Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025".

Theo đó, thành phố sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông nghiệp du lịch cho hội viên, nông dân, thành viên của tổ hợp tác, HTX, các trang trại nông nghiệp. Theo đề án, dự kiến sẽ tổ chức 30 lớp/năm, mỗi lớp khoảng 40 học viên.

Theo Dân Việt

Trần Đáng