dd/mm/yyyy

Bước đột phá của du lịch Tam Đường

5 năm qua, trung bình mỗi năm, huyện Tam Đường (Lai Châu) đón chừng 100.000 lượt khách du lịch. Con số ấn tượng này là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của du lịch Tam Đường. Con số đó cũng cho thấy Tam Đường đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Điểm nhấn du lịch Tam Đường

Nằm cách khu du lịch Quốc gia Sa Pa chừng 18km, cầu kính rồng mây được xem là một trong những điểm nhấn của du lịch Tam Đường. Tọa lạc ở vị trí cổng trời, trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ, thuộc địa phận xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), cầu kính rồng mây tuy mới đi vào hoạt động, song đã sớm trở thành đích đến trong hành trình khám phá vẻ đẹp vùng Tây Bắc của du khách gần xa.

Bước đột phá của du lịch Tam Đường - Ảnh 1.

Cây cầu kính nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, trở thành điểm nhấn của du lịch Tam Đường.

Đến với cầu kính rồng mây, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ. Trải nghiệm đầu tiên phải kể đến, đó là thang máy lồng kính. Để lên đến cây cầu kính cao hơn 2000m so với mực nước biển, du khách chỉ việc bước vào thang máy lồng kính, nằm ngay chân núi. Hành trình này được mệnh danh là "đường lên thiên đỉnh". Đứng trong thang máy lồng kính trong suốt, du khách sẽ có cảm giác an toàn và thỏa thích ngắm nhìn cảnh sắc núi non hùng vĩ.

Bước ra khỏi thang máy lồng kính, du khách sẽ được "mục sở thị" cây cầu kính trong suốt, vươn ra khỏi vách núi. Hệ thống cầu kính dài hơn 500m, sẽ đem lại cho du khách trải nghiệm đáng nhớ. Từ trên cầu kính nhìn xuống, ắt hẳn du khách sẽ khó có thể kìm lòng trước cảnh quan kì vĩ nơi đây. 

Những vạt rừng xanh tốt, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ và cả những cung đường uốn lượn, những dãy núi nhấp nhô, bồng bềnh mây trắng... khiến du khách ngẩn ngơ quên cả lối về. Khu du lịch cầu kính rồng mây là một quần thể công trình du lịch ngắm cảnh, văn hóa, khu vui chơi mạo hiểm, mỗi ngày có đến cả nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Đa dạng loại hình du lịch

Tam Đường là huyện của ngõ của tỉnh Lai Châu, có quốc lộ 4D, quốc lộ 32 đi qua, giáp với thị xã Sa Pa - khu du lịch nổi tiếng của cả nước. Toàn huyện hiện có 14 xã, thị trấn với 133 bản, gồm 12 dân tộc cùng sinh sống với nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc còn được bảo tồn lưu giữ. Địa hình chủ yếu gồm các dãy núi cao, như: Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn và Ngũ Chỉ Sơn. 

Quá trình kiến tạo địa chất đã hình thành nhiều mạng lưới hang động lớn nhỏ trong lòng các dãy núi trên địa bàn huyện Tam Đường. Những tiềm năng, lợi thế đó đã và đang được huyện Tam Đường khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Cộng đồng, sinh thái, tâm linh và thể thao mạo hiểm.

Bước đột phá của du lịch Tam Đường - Ảnh 2.

Điểm du lịch cộng đồng bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đưởng) đã và đang được đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Những năm qua, ngoài chỉ đạo giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, huyện Tam Đường còn chú trọng đầu tư xây dựng các hạng mục, cải tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái tại các điểm: Nà Khương, Phiêng Tiên, Sì Thâu Chải, Bản Thẳm, Lao Chải 1, Đồi thông Tả Lèng. Đồng thời, mở nhiều cung đường mới khám phá rừng nguyên sinh, thác nước và hệ thống động thực vật tại bản Sì Thâu Chải, đỉnh Pu Ta Leng, đỉnh Tả Liên Sơn. Không chỉ dừng ở đó, huyện Tam Đường cũng đặc biệt quan tâm tới việc quảng bá, kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

Bước đột phá của du lịch Tam Đường - Ảnh 3.

Vài năm trở lại đây, huyện Tam Đường trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch của tỉnh Lai Châu.

Cùng với loại hình du lịch sinh thái thì du lịch thể thao mạo hiểm cũng được xem là một trong những thế mạnh của du lịch Tam Đường. Nói như ông Từ Hữu Hà – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, thì du lịch thể thao mao hiểm dù lượn được coi là "đặc sản" của du lịch Tam Đường. Nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, mức gió ổn định, bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) trở thành điểm cất cánh lý tưởng cho những du khách ưa du lịch mạo hiểm như dù lượn.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Từ Hữu Hà – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, cho biết: "Phát triển du lịch được Đảng bộ huyện Tam Đường xác định là một trong những chương trình trọng điểm. Huyện ủy đã ban hành Đề án phát triển dịch vụ du lịch huyện Tam Đường giai đoạn 2015 – 2020. Đây là cơ sở quan trọng để huyên thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. 

Để thúc đẩy du lịch phát triển, huyện Tam Đường đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Qua công tác tuyên truyền, người dân các xã, bản nhiệt tình hưởng ứng và chung tay, góp sức tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch. Điều này được thể hiện rõ bằng những việc làm cụ thể như: Đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan tạo không gian xanh - sạch - đẹp. Di dời chuồng trại gia súc ra xa khu nhà ở và làm công trình vệ sinh".

Bước đột phá của du lịch Tam Đường - Ảnh 4.

Huyện Tam Đường đã và đang phát triển mạnh các loại hình du lịch: Cộng đồng, sinh thái, mạo hiểm, văn hóa tâm linh...

Công tác tuyên truyền, giới thiệu các điểm, sản phẩm du lịch cũng được huyện triển khai thường xuyên bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Các di sản văn hóa truyền thống như: Lễ hội, nghề thủ công, dân ca - dân vũ - dân nhạc, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, nếp nhà, trang phục, đạo cụ, di tích lịch sử danh lam thắng cảnh... được bảo tồn và phát huy.

"Có thể khẳng định, 5 năm trở lại đây, du lịch Tam Đường đã có những đột phá mạnh mẽ. Đến nay, toàn huyện đã có 12 điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận. Lượng khách du lịch đến tham quan tăng nhanh theo các năm, tập trung tại các điểm: Cầu kính Rồng Mây, Khu du lịch sinh thái Ô Quý Hồ, cọn nước Nà Khương, bản Phiêng Tiên, bản Sì Thâu Chải, bản Lao Chải 1, Đồi thông Tả Lèng, Bản Thẳm... Năm 2015, huyện Tam Đường mới chỉ có hơn 10.000 lượt khách du lịch. Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện Tam Đường đã đón hơn 477.438 lượt khách đến tham quan, du lịch. Đây là con số biết nói, cho thấy sự phát triển vượt bậc của du lịch Tam Đường" – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường nhấn mạnh.

Thanh Ngân