Thứ Năm, ngày 16/01/2025 03:05 PM (GMT+7)
Bơm tiền giải cứu doanh nghiệp
2023-06-06 15:58:00
Phương án bơm tiền trước làn sóng “bán mình” của doanh nghiệp khi chật vật xoay xở để trả nợ và tồn tại.
“Hoạt động mua bán và sáp nhập ở mảng bất động sản nghỉ dưỡng dự kiến sôi động trong vài quý tới, sau khi đã chậm lại vào cuối năm ngoái”, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, dự báo. Thực tế, những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn, dẫn tới việc thị trường bất động sản đóng băng. Tình hình kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp đã phải bán tài sản để xoay xở.
Không chỉ bất động sản, khó khăn lan rộng ra nhiều lĩnh vực kinh tế khiến số doanh nghiệp phá sản hoặc bán mình gia tăng.
“Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhấn mạnh.
Ngân sách nhà nước giảm, nhập siêu lớn, lạm phát tăng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa giảm đáng kể hiệu lực. Đây là những yếu tố khiến làn sóng bán doanh nghiệp dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng.
Làn sóng lần này khác với làn sóng trước đây. Đó là thời điểm những thương hiệu như kem đánh răng P/S, Dạ Lan, Kinh Đô, Diana... bán cho các công ty nước ngoài ở tư thế chủ động. Các thương vụ M&A thời đó đều được đánh giá là “được giá”.
Còn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phải thốt lên là “đáng chua xót” khi một doanh nghiệp tốt nhưng vì những khó khăn trong ngắn hạn, buộc phải bán cơ ngơi, chuyển nhượng thương hiệu có tiếng trong nhiều năm.
Làn sóng này gây ra nhiều hệ lụy khi phải mất nhiều năm mới gây dựng được thế hệ doanh nghiệp nội địa có thực lực cạnh tranh. Đồng thời, sự suy yếu của doanh nghiệp Việt sẽ đẩy lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp nước ngoài. Dự báo từ nay đến cuối năm 2023 khó khăn, thách thức còn nhiều.
Vì vậy, trong các giải pháp quan trọng, Chính phủ nhấn mạnh sẽ tiếp tục xem xét hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn...
Tuy nhiên, hiện các ngân hàng đã sử dụng gần như tối đa nguồn huy động cho phép để cho vay (chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND chỉ vỏn vẹn 167.000 tỷ đồng); tỉ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1 bằng VND ở mức 101,45% (tức tiền ngân hàng cho vay cao hơn cả tiền huy động trên thị trường 1). Trong đó, vốn huy động của ngân hàng có tới 88% là ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn lớn.
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lãi vay lớn nhưng cũng không dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chưa kể, theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, “điều băn khoăn là hiện tại, thu nhập của doanh nghiệp đang giảm thấp, chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng”.
Ngân hàng Nhà nước lần thứ 3 giảm lãi suất điều hành với mức giảm 50 điểm cơ bản, hiệu lực từ ngày 25/5 đã tạo cơ sở để lãi vay tiếp tục giảm. Trong bối cảnh sức hấp thụ của nền kinh tế suy yếu, lãi suất cho vay phải giảm thêm mới có thể kích doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc hạ lãi suất điều hành cũng không có nhiều ý nghĩa nếu Ngân hàng Nhà nước không có giải pháp tăng cung tiền ra nền kinh tế.
Theo nhận định của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng cung tiền quá thấp, vòng quay của tiền chỉ còn 0,64 vòng/năm.
“Hạ lãi suất điều hành chỉ là hình thức, không có nhiều ý nghĩa. Muốn giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng cung tiền, phải bơm mạnh tiền ra nền kinh tế”, ông Nghĩa nói. Theo chuyên gia này, tăng cung tiền trong bối cảnh hiện nay là phải tăng cung tiền cơ sở, chứ không phải tiền gửi, thì lãi suất cho vay mới giảm được.
Mặc dù tăng cung tiền cơ sở là giải pháp hữu hiệu nhất để hạ lãi suất, song nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất thận trọng với lựa chọn này.
Chẳng hạn, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất chưa chắc chắn. Những tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ dự báo sẽ còn tác động lớn hơn và âm ỉ tới khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
IMF khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỉ giá, đồng thời đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản.
Theo Nhịp cầu Đầu tư