dd/mm/yyyy

Bí quyết thu lãi nửa tỷ mỗi năm của anh nông dân dân tộc Jrai, trồng toàn cây "hot"

Anh Kpă Meo nông dân dân tộc Jrai ở làng Tung (xã Ia O, huyện Chư Prông, Gia Lai) là tấm gương làm giàu được người dân địa phương ngưỡng mộ, học hỏi.

Sinh năm 1984 trong gia đình nghèo khó, nhưng Kpă Meo đã kiên trì biến vùng đồi tạp thành khu vườn trồng những loại cây ăn quả có giá trị như mít, sầu riêng. Hiện nay khu vườn đem lại lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Bí quyết thu lãi nửa tỷ mỗi năm của anh nông dân dân tộc Jrai, trồng toàn cây "hot" - Ảnh 1.

Anh Kpă Meo đã chuyển hướng trồng những cây ăn quá có giá trị kinh tế cao như mít, sầu riêng... thu lợi nhuận nửa tỷ đồng mỗi năm

Luôn nỗ lực để làm giàu từ ruộng vườn

Anh Kpă Meo cho biết, năm 2003, anh lập gia đình và khởi nghiệp với 2ha đất cha mẹ cho, để trồng các loại hoa màu và trồng cà phê. Đến năm 2007, nhận thấy cây cao su mang lại giá trị cao, anh đầu tư 150 triệu để trồng thêm 4ha cao su. Năm 2009, anh mở rộng thêm 3ha cao su. Số tiền này anh vay dân làng và ngân hàng. Đến nay, qua thời gian phát triển và mở rộng anh đã có 7ha cao su và 1ha cà phê. Những năm cao su được giá, anh đã trả được hết nợ ngân hàng và dân làng.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây vì cao su rớt giá nên nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Anh Meo lại nhiều đêm thức trắng để tìm hướng đi mới cho gia đình. Nhận thấy nhiều địa phương đã áp dụng mô hình cây ăn trái và mang lại hiệu quả cao, năm 2015, anh bàn với vợ mua thêm 4ha đất để trồng các loại cây như mít thái, nhãn, chuối, bơ, sầu riêng… trồng xen canh với nhau.

“Lúc đầu chuyển hướng qua trồng cây ăn trái tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Vì chưa có kinh nghiệm nên không tránh khỏi việc cây ăn trái bị sâu, côn trùng phá hoại. Việc nhận biết cây bị nhiễm bệnh là 1 khâu rất khó khăn”, anh Kpă Meo chia sẻ.

Bí quyết thu lãi nửa tỷ mỗi năm của anh nông dân dân tộc Jrai, trồng toàn cây "hot" - Ảnh 2.

Các đoàn viên thanh niên trong xã tới thăm và học hỏi kinh nghiệm trồng mít thái của anh Kpă Meo

Vườn cây ăn trái rộng 4 ha của gia đình anh Kpă Meo, một nửa trồng mít, một nửa trồng sầu riêng. Với cây mít, Kpa Meo đã rất lành nghề khi anh đã ngăn chặn được bệnh xơ đen và năng suất mỗi cây đạt từ 100 - 120kg/1 vụ. Với giá bán từ 9.000 - 13.000 đồng/kg, Kpă Meo có lãi từ 300 - 400 triệu đồng tiền mít mỗi năm. Còn với 70 cây sầu riêng giống Ri6, Kpă Meo dự tính năm nay sẽ thu được trên dưới 3 tấn quả, sau khi trừ chi phí chăm sóc, lợi nhuận thu về được khoảng 100 triệu đồng.

Anh Kpă Meo chia sẻ: “Lúc đầu chuyển hướng qua trồng cây ăn trái tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Vì chưa có kinh nghiệm nên không tránh khỏi việc cây ăn trái bị sâu, côn trùng phá hoại. Việc nhận biết cây bị nhiễm bệnh là 1 khâu rất khó khăn. Cũng tìm hiểu thông tin qua sách, nghe đài, học hỏi những hộ dân đã trồng thành công nên vườn cây ăn trái cũng dần dần ổn định và cho gia đình thu nhập cao. Thành công từ gia đình bước đầu thì sau này mình cũng hỗ trợ cho bà con trong làng, đoàn viên thanh niên trong làng về kỹ thuật trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình".

Tấm gương làm giàu để bà con học hỏi và áp dụng

Đi tiên phong và sớm gặt hái thành công, Kpă Meo rất nhiệt tình hỗ trợ dân làng trong chuyển đổi cây trồng. Hộ anh Kpă Luynh nhờ học theo anh Kpă Meo mà đã trồng được 3 sào mít, ổi xen canh với nhau để phát triển kinh tế gia đình.

Thấy Kpă Meo trồng mít thái thành công mình cũng học hỏi kinh nghiệm thì được Kpă Meo chỉ bảo, cách làm đất ra sao, phân bón như thế nào, chăm sóc như thế nào để mít đạt năng suất tốt nhất. Mong muốn sẽ có nhiều bà con như mình được giúp đỡ để phát triển kinh tế hộ gia đình” - Kpă Luynh bày tỏ.

Không chỉ là tấm gương vượt khó làm giàu Kpa Meo còn là điển hình ở xã Ia O huyện Chư Prông về tinh thần học tập.

Bí quyết thu lãi nửa tỷ mỗi năm của anh nông dân dân tộc Jrai, trồng toàn cây "hot" - Ảnh 3.

Năm nay, anh Kpă Meo có thêm nguồn thu từ sầu riêng dự kiến thu lãi khoảng 100 triệu đồng

Sinh năm 1984, trong một gia đình nghèo, phải nghỉ học từ năm lớp 9, nhưng sau khi lập gia đình riêng và khởi nghiệp thành công, Kpa Meo đã theo học các lớp bổ túc để nâng cao trình độ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và được kết nạp vào Đảng. Sau đó, anh được bầu nhiều chức vụ như: Phó Bí thư, Bí thư Đoàn xã Ia O và hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã.

Theo chị Siu Nhi, Phó Bí thư Đoàn xã Ia O, với bề dày thực tế trong lao động, học tập và công tác, Kpă Meo rất được các bạn trẻ ở các buôn làng tin theo. Anh cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm của mình, động viên mọi người cùng vươn lên làm giàu.

Chị Siu Nhi cho biết: “Tại các buổi họp Ban Chấp hành Đoàn xã hay chi đoàn, đồng chí Kpă Meo thường hướng dẫn cho đoàn viên thanh niên về kỹ thuật trồng trọt, cách lựa chọn cây giống, làm đất trước khi trồng. Nhiều đoàn viên thanh niên cũng chọn vườn cây của nhà Kpă Meo để tham quan, học hỏi, từ đó có thêm ý chí, khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân”.

Còn theo ông Ngô Văn Trường, chủ tịch UBND xã Ia O, là người nói được và làm giỏi, anh Kpa Meo đang phát huy tốt vai trò của mình trên cương vị công tác mới- chủ tịch UBMTTQ xã Ia O, tích cực động viên bà con chuyên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, không nghe lời kẻ xấu xúi giục gây mất đoàn kết trong cộng đồng.

Những nỗ lực và sự sáng tạo của anh Kpă Meo trong phát triển kinh tế vườn được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đây là hướng đi hiệu quả nhằm khai thác lợi thế địa phương. Trang trại trồng cây ăn trái của anh trở thành mô hình điểm không những bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, mà một số hộ người kinh cũng cần phải học hỏi để có định hướng trong vấn đề phát triển kinh tế.

Bình Nguyên