dd/mm/yyyy

Bản lên "phố" nhờ trồng mận hậu

Sau nhiều năm kiên trì trồng mận hậu, cuộc sống của người dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) đã bước sang trang mới. Bản trên bản dưới ấm no, sung túc.

Cách đây hai thập kỷ, muốn vào các bản Thái ở trong núi thuộc xã Chiềng Cọ quả là gian nan. Con đường đất đá, dốc treo leo, mỗi lần vào tới bản chẳng khác nào một cuộc hành xác. Giao thông đi lại khó khăn, nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Hình ảnh những ngôi nhà sàn lợp lá cọ ủ dột trong mưa khiến ai cũng phải chạnh lòng. Bẵng đi hơn chục năm, nay tôi mới có dịp trở lại, các bản nơi đây đã thay da đổi thịt từng ngày. Đường bê tông đã vào tới tận bản. Sự no đủ và giàu có đã hiển hiện trên từng nếp nhà. Sự đói nghèo và lạc hậu đã bị đẩy lùi. Trong bản Thái còn xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú nhờ trồng mận hậu.

Bản lên "phố" nhờ trồng mận hậu - Ảnh 1.

Vào mùa mận hậu chín, khắp bản trên, bản dưới, bà con nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La tất bật thu hoạch. Ảnh: Thuần Việt.

Bản lên "phố" nhờ trồng mận hậu 

Từ tuyến đường tránh thành phố Sơn La vào bản Ót Lọi, Ót Luông, bản Dầu, xã Chiềng Cọ không còn cảnh heo hút nữa. Con đường bê tông rộng rãi uốn lượn theo sườn núi đá cao sừng sững. Xe cộ ngược xuôi. Giữa mùa thu hoạch mận nên xe tải nối nhau vào bản "ăn" hàng. Bà con nơi đây không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt gánh mận vượt hàng chục cây số đường rừng đi bán như những năm trước đây nữa. Họ chỉ việc chở hàng ra các điểm tập kết ở đầu bản đã có tư thương đón lấy hàng. 

Bản lên "phố" nhờ trồng mận hậu - Ảnh 2.

Cây mận hậu đã bén duyên với người dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Vinh.

Từng "quây" – sọt mận hậu đầy ăm ắp, tươi rói được đóng thùng rồi chở về xuôi. Hàng hóa được luân chuyển là động lực giúp bà con nơi đây thay đổi tư duy sản xuất. Thay vì sản xuất tự cung, tự cấp như những năm trước, họ đã biết tận dụng lợi thế quê hương để trồng các loại cây dễ bán như mận, cà phê, xoài...

Đang là mùa thu hoạch mận nên bản trên, bản dưới tấp nập người ra, người vào. Bà con nông dân đi hái mận trên đồi từ sáng sớm. Thương lái chuẩn bị xe cộ, thùng xốp, thùng giấy đợi sẵn điểm tập kết. Ông Cà Văn Định, người dân ở bản Ót Lọi cũng đã mạnh dạn sắm xe ô tô để buôn mận. Nhà ông cũng trồng mận được 20 năm có lẻ. 

Ban đầu ông cũng chỉ đứng ra cân mận của bà con rồi giao cho tư thương ở dưới xuôi. Mấy năm gần đây, việc liên lạc và đường xá đi lại dễ dàng nên ông đã chủ động sắm xe tải để đổ hàng về chợ đầu mối. "Mùa mận chỉ kéo dài hơn một tháng nên mình phải làm tranh thủ. Mỗi vụ tôi mua được khoảng 50-60 tấn mận. Vừa giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, mình cũng được trả một phần công xứng đáng. Mận Chiềng Cọ thơm ngon có tiếng, nên rất dễ bán".

Bản lên "phố" nhờ trồng mận hậu - Ảnh 3.

Giờ đây tư thương đã vào tới tận bản "ăn" hàng. Bà con nông dân không phải vất vả gánh từng cân mận vượt hàng chục ki lô mét đường rừng ra thành phố bán Mận nữa. Ảnh: Sùng Thiên Long.

Tại trung tâm bản Ót Lọi mỗi ngày có cả hàng chục xe tải đến ăn hàng. Xe nào cũng xếp đầy ăm ắp. Chứng kiến việc giao thương tấp nập này có lẽ người nông dân nơi đây là mừng nhất. Mấy bản ở sâu trong khe núi, hộ nào cũng có từ 2 đến 3ha đất. Bao năm họ trồng rong rềng, ngô, sắn… nhưng cuộc sống vẫn khó khăn đủ đường. Từ khi mạnh dạn chuyển sang trồng mận hậu, mận ghép vào cây mơ đã giúp bà con sang trang mới.

Dọc hai bên đường vào bản Ót Luông là những vườn mận xanh mướt, sai trĩu quả nối nhau kéo dài tận chân núi. Nhà nhà đang khẩn trương thu hoạch mận. Người nông dân bao năm vất vả phải dùng đôi vai đưa từng cân mận ra tận thành phố mới bán được. Đi cả nửa ngày đường mới được một chuyến. Nay họ đã dùng xe máy để chở mận. Tiếng nói, tiếng cười của người dân trong mùa thu hoạch như một lần nữa khẳng định, cuộc sống của người dân nơi đây ngày một khá giả hơn. 

Bản lên "phố" nhờ trồng mận hậu - Ảnh 4.

Đường vào bản đã được bê tông hóa. Những ngôi nhà sàn bề thế, lợp mái ngói đỏ tươi như khẳng định sự quyết tâm xây dựng thành công chương trình nông thôn mới của chính quyền và nhân dân nơi đây. Ảnh: Thuần Việt.

Gia đình chị Quàng Thị Lý ở bản Ót Luông cũng trồng cả mấy trăm gốc mận. Từ đầu vụ đến giờ, chị đã thu được 3 tấn mận. Đầu vụ giá mận bán được 25.000đ/1kg, 2 tuần trở lại đây giá mận xuống 14.000đ/1kg. Tính ra, cây mận vẫn mang lại cho người trồng cả trăm triệu đồng một vụ. Chị Lý không giấu được niềm vui: "Trước đây, chưa bao giờ gia đình tôi nghĩ có ngày thu được cả trăm triệu một vụ. Có tiền các cháu được đi học, cuộc sống của gia đình đỡ vất vả. Sang năm, gia đình tôi sẽ xây nhà mới".

Thay đổi tư duy sản xuất đưa cây mận hậu thành cây trồng chủ lực 

Đến các bản ở xã Chiềng Cọ giờ đây nhiều người nhầm tưởng là khu phố nào đó của thị thành. Những ngôi nhà sàn bề thế khi xưa đã được thay thế bằng ngôi nhà xây cao mấy tầng, lợp mái gói đỏ tươi. Một sự thay đổi chóng vánh mà ngay cả người bản địa nơi đây cũng thấy quá nhanh. Đứng từ trên dốc cao nhìn xuống, số nhà xây cao tầng như biệt thự ngày một chiếm ưu thế. Gặp ông Trưởng bản Ót Luông hỏi về điều này, ông không lấy làm bất ngờ: "Nhiều bà con trong bản đã xây được những ngôi nhà tiền tỷ. Sự đổi thay đó đều đến từ sự thay đổi tư duy trong sản xuất mà ra".

Bản lên "phố" nhờ trồng mận hậu - Ảnh 5.

Cây mận hậu đã giúp nhiều gia đình ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đổi đời. Mỗi năm cho thu hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Bao đời nay bà con nơi đây gắn bó với rừng với đồng ruộng. Họ vất vả bao phen cũng chỉ mong đổi lại được 3 bữa cơm no. Hành trình đó kéo dài suốt nhiều thập kỷ, họ loay hoay với cây ngô, cây lúa. Cách đây khoảng 20 năm, khi đó chính quyền đã vận động bà con chuyển đất nương sang trồng cây mận hậu, cà phê, trám... Khi đó, nhiều người còn chưa tin những cây trồng này có thể mang lại hiệu quả. Bởi lẽ trồng cây công nghiệp phải mất vài năm mới cho thu hoạch. Hơn nữa, sản phẩm làm ra mà không bán được, người nông dân biết sống bằng gì.

Những băn khoăn đó không phải là không có cơ sở, bởi lẽ ở đất Tây Bắc đã từng trải qua nhiều phong trào trồng cây nọ, cây kia. Sau mỗi mùa trôi qua, cái mà bà con nhận được là những mùa quả "đắng" sản phẩm làm ra bán rẻ như cho. Tuy nhiên trong cuộc chuyển đổi lần này, bà con đã tìm được giống cây phù hợp với thổ dưỡng của địa phương. Hơn nữa trước khi làm bà con được tập huấn kỹ thuật hoặc đi thăm những mô hình sản xuất đã thành công. Thế là từ đây cây mận... bắt đầu bén rễ ở nơi đây.

Bản lên "phố" nhờ trồng mận hậu - Ảnh 6.

Cây mận hậu đã giúp bà con người Thái ở xã Chiềng Cọ xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Ảnh: Thuần Việt.

Bẵng đi vài năm, việc giao thương giữa các vùng đã được thông thoáng hơn. Nhu cầu tiêu thụ đặc sản nơi bản cao tăng lên nhanh chóng. Từ việc chỉ có vài hộ tham gia trồng, đến nay nhà nào ở xã Chiềng Cọ cũng trồng mận. Riêng cây mận hậu, 2 năm trở lại đây giá tăng tăng lên, nhờ vậy mà nhiều nhà mua được xe máy, xây được nhà tầng. Theo thống kê của UBND xã Chiềng Cọ, đến nay trên địa bàn xã diện tích mận hậu gần 400 ha.

Theo ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La: "xã đã vận động nhân dân đa dạng hóa các mô hình kinh tế, không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã Chiềng Cọ còn tích cực làm tốt công tác hỗ trợ nông dân cả về giống vật tư, vốn vay lẫn chuyển giao kỹ thuật đến từng nhóm hộ; khuyến khích nông dân tham gia vào các tổ hợp tác...".

Nguyễn Vinh - Thuần Việt