Ấn Độ bãi bỏ thuế xuất khẩu gạo đồ để thúc đẩy xuất khẩu
Ngày 22/10/2024, Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ, nhằm giải quyết tình trạng hàng tồn kho tăng vọt và chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu sau đợt mưa gió mùa lớn. Động thái này diễn ra sau khi chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống 10% vào tháng trước để khuyến khích xuất khẩu.
Ngoài gạo đồ, lệnh mới cũng bãi bỏ thuế xuất khẩu 10% đối với gạo lứt xay xát và thóc gạo. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung gạo từ Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Trước đó, vào tháng trước, Chính phủ Ấn Độ cũng đã cho phép xuất khẩu trở lại gạo trắng (không phải basmati), với giá sàn được đặt ra là 490 USD/tấn.
Theo các quan chức địa phương, Ấn Độ gia tăng xuất khẩu gạo có thể làm tăng nguồn cung trên thị trường quốc tế và kéo giá gạo xuống, buộc các nước xuất khẩu lớn khác như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam phải giảm giá để cạnh tranh.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 23/10, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang neo ở mức 534 USD/tấn, cao nhất trên thị trường châu Á.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan quay đầu giảm 7 USD/tấn sau khi tăng vào tuần trước, xuống còn 511 USD/tấn.
Sản phẩm cùng loại của Pakistan cũng giảm 5 USD/tấn, xuống chỉ còn 476 USD/tấn, mức thấp nhất trên thị trường.
Còn tại Ấn Độ, nhà cung cấp hàng đầu thế giới đang chào bán gạo trắng 5% tấm ở mức 488 USD/tấn, ổn định so với phiên giao dịch trước.
9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của ta tăng 8,4% về lượng, tăng 23% về kim ngạch và tăng 13,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 3,9% về lượng, nhưng tăng nhẹ 0,11% kim ngạch so với tháng 8/2024 và giá tăng 4,1%, đạt 818.355 tấn, tương đương 510,39 triệu USD, giá trung bình 623,7 USD/tấn.
Trong tháng 9/2024 gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines đạt 416.766 tấn, tương đương 262,32 triệu USD, giá 629,4 USD/tấn, giảm 16,2% về lượng, giảm 11% kim ngạch nhưng tăng 6,3% về giá so với tháng 8/2024.
Sau đó là thị trường Indonesia đạt 119.220 tấn, tương đương 67,26 triệu USD, giá 564 USD/tấn, giảm 11,8% về lượng, giảm 11,6% kim ngạch nhưng tăng 0,3% về giá; tiếp đến thị trường Malaysia đạt 44.079 tấn, tương đương 26,13 triệu USD, giá 592,9 USD/tấn, giảm 17% về lượng, giảm 17,7% kim ngạch và giảm 0,8% về giá so với tháng 8/2024.
Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt gần 6,96 triệu tấn, tương đương trên 4,35 tỷ USD, giá trung bình 625,6 USD/tấn, tăng 8,4% về lượng, tăng 23% về kim ngạch và tăng 13,4% về giá so với 9 tháng năm 2023.
Philippines đứng đầu, đạt gần 3,22 triệu tấn, tương đương gần 1,98 tỷ USD, giá 613,4 USD/tấn, tăng 32% về lượng, tăng 53,3% về kim ngạch và tăng 16,2% về giá so với 9 tháng năm 2023. Indonesia đứng thứ 2, đạt 1,03 triệu tấn, tương đương 624,76 triệu USD, giá 604,7 USD/tấn, tăng 16,8% về lượng, tăng 35% kim ngạch và tăng 15,6% về giá. Malaysia đứng thứ 3 với 626.951 tấn, tương đương 372,07 triệu USD, giá trung bình 593,5 USD/tấn, tăng mạnh 96,7% về lượng, tăng 131,2% kim ngạch và tăng 17,6% về giá so với 9 tháng năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm rất mạnh. 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo của ta sang Trung Quốc đạt 241.000 tấn, giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 23/10 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm với mặt hàng gạo. Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam vẫn ổn định trong khi Thái Lan và Pakistan lại giảm nhẹ.
Cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, giá lúa hôm nay ghi nhận không có điều chỉnh so với ngày hôm qua, IR 50404 giá ở mức 6.800 - 7.000 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 ở mức giá 7.800 - 8.000 đồng/kg, Lúa OM 5451 ở mức 7.200 - 7.400 đồng/kg; Lúa OM 18 có giá 7.500 - 7.800 đồng/kg; OM 380 dao động 7.200 - 7.300 đồng/kg; Lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại các địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp giao dịch cầm chừng, lượng về ít, vắng người mua. Tại An Giang nhiều kho mua chậm, lượng về ít, giá giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, thị trường nếp không có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Nếp Long An IR 4625 (khô) 9.600 - 9.800 đồng/kg ổn định so với ngày hôm qua. Nếp Long An 3 tháng (khô) 9.800 - 10.000 đồng/kg đi ngang so với ngày hôm qua.
Trên thị trường gạo, giá gạo ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu xuống mức 10.500 - 10.700 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 xuống mức 12.600 - 12.800 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.950 - 9.600 đồng/kg. Hiện, giá tấm OM 5451 ở mức 9.500 - 9.600 đồng/kg ổn định so với ngày hôm qua; giá cám khô ở mức 5.900 - 6.050 đồng/kg đi ngang so với ngày hôm qua.
Tại các chợ lẻ, giá gạo ghi nhận có sự điều chỉnh với các mặt hàng gạo lẻ. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg; giá gạo trắng thông dụng hôm nay điều chỉnh tăng 500 đồng/kg, ở mức 17.500 đồng/kg. Tuy nhiên, giá gạo thường tiếp tục ấn định trong khoảng 15.000 - 17.000 đồng/kg, gạo thơm 17.000 - 23.000 đồng/kg. Gạo Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 21.500 đồng/kg; gạo tẻ thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 23.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.
Xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đây.
Dẫn số liệu từ Báo cáo Triển vọng lúa gạo tháng 10/2024 do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho biết, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2025 do nguồn cung tăng.
Ngày 28/9, ngay sau khi Chính phủ Ấn Độ đã đình chỉ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với gạo xay xát không phải gạo basmati (non-basmati milled rice) kéo dài hơn 14 tháng, và 1 ngày sau khi giảm thuế xuất khẩu gạo lứt và gạo đồ (parboiled and brown rice) từ 20% xuống còn 10%, thì USDA dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 của Ấn Độ được điều chỉnh tăng 3 triệu tấn lên 21 triệu tấn, trong khi dự báo xuất khẩu gạo cho Brazil, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam được hạ thấp hơn trước.
Dự báo nhập khẩu năm 2025 được nâng lên đối với một số quốc gia do giá dự kiến thấp hơn và nguồn cung xuất khẩu lớn hơn, trong đó Trung Quốc, Nepal và Philippines được dự báo có mức tăng lớn nhất. Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường phi Basmati, mở ra một thời kỳ với nguồn cung dồi dào và giá cả phải chăng hơn cho người tiêu dùng toàn cầu. Việc thị trường gạo trở lại thị trường được kỳ vọng sẽ giúp ổn định giá gạo toàn cầu, mang lại lợi ích cho các nước nhập khẩu.
Cũng theo Báo cáo của USDA, sản lượng gạo toàn cầu trong mùa vụ 2024-2025 dự kiến đạt mức kỷ lục 530,4 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Ấn Độ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này, cùng với các quốc gia khác như Ai Cập, Guyana, Nhật Bản và Venezuela. Philippines là ngoại lệ duy nhất với dự báo sản lượng giảm.
Đối với thị trường gạo Mỹ, dự báo sản lượng gạo của Mỹ trong mùa vụ 2024-2025 được điều chỉnh tăng nhẹ lên 219,8 triệu tạ Mỹ (1 tạ Mỹ bằng 100 pound, tương đương khoảng 45,36kg), mức cao nhất kể từ mùa vụ 2020-2021.
Nhập khẩu gạo của nước này dự kiến đạt kỷ lục 46,5 triệu tạ Mỹ. Tổng xuất khẩu gạo dự kiến đạt 101 triệu tạ Mỹ, cao hơn 3% so với một năm trước và là mức cao nhất kể từ mùa vụ 2016-2017.
Báo cáo của USDA đã vẽ ra một bức tranh lạc quan cho toàn cầu trong năm 2025. Nguồn cung dồi dào hơn, giá cả cạnh tranh hơn và nhu cầu ổn định được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường gạo toàn cầu.