Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Hà Giang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt mạnh, thiếu đất sản xuất và đất ở, thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, trình độ dân trí thấp và không đồng đều...
Mức thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, toàn tỉnh có 1.408 thôn đặc biệt khó khăn, vì vậy việc huy động sự tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp cho thực hiện Chương trình gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, không có sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có sức cạnh tranh lớn…
Năm 2010, khi mới bắt đầu triển khai thực hiện, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, toàn tỉnh có đến 80% lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thu nhập đầu người mới chỉ đạt 9,6 triệu đồng/năm; kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản còn thiếu; toàn tỉnh có 6 huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước, 134 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; bình quân chung toàn tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí/xã.
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chương trình cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, Tỉnh uỷ Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang đến năm 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là một trong năm chương trình trọng tâm của tỉnh và phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới;
Bên cạnh đó, Hà Giang cũng đã ban hành những cơ chế, chính sách có tính chất đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của Chương trình như: Kế hoạch đột phá thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới năm 2013 "Nhà sạch, vườn đẹp, làm đường giao thông"; Đề án Hỗ trợ xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn và Xây dựng NTM theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, giai đoạn 2017-2020 (Đề án 1 triệu tấn xi măng).
Những kế hoạch, đề án này khi thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực, thay đổi nhận thức người dân về chương trình nông thôn mới từ trong gia đình, ra xóm làng ... hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác tuyên truyền cũng được Hà Giang đặc biệt quan tâm, thực hiện kiên trì, bền bỉ đã tạo sự chuyển biến về tư duy, nhận thức của đại đa số người dân và cán bộ về xây dựng nông thôn mới; những khâu quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được nhân dân tham gia bàn thảo kỹ lưỡng, thống nhất cách làm tạo sự đồng thuận cao, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch với phương châm người dân là chủ thể của chương trình.
Từ đó, giúp người dân ngày càng hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, từng bước xác định được vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới và tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, xuất hiện nhiều tấm gương vì cộng đồng hiến đất, mở đường, đóng góp tiền của để xây dựng NTM.
Tính đến hết tháng 7/2019 toàn tỉnh đã thực hiện bê tông hóa được trên 2.200km đường trục thôn, liên thôn xóm, nội đồng, có 38/177 xã (21,5%) đạt tiêu chí giao thông; 142/177 xã (80,2%) đạt tiêu chí thủy lợi, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản suất của nhân dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,7 triệu đồng.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay Hà Giang đã có đã có 38/195 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn NTM, TP. Hà Giang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và không còn xã nào đạt dưới 7 tiêu chí.
Bộ mặt nông thôn đổi rõ rệt, khang trang, văn minh hơn; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét.
Những kinh nghiệm quý
Để có được những kết quả đáng ghi nhận trên, sau 10 năm thực hiện Hà Giang đã có được những kinh nghiệm cần thiết để duy trì kết quả đạt được của chương trình, đó là:
Cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại cơ sở phải có sự vào cuộc quyết liệt, tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo. Điều này có ý nghĩa quyết định đến sự thành công, tiến độ và kết quả thực hiện chương trình;
UBND tỉnh Hà Giang phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 45 xã đạt chuẩn NTM.
Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, phụ trách là nhân tố cực kỳ quan trọng để thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Do đó cần có cơ chế, chính sách về vị trí việc làm, tiền lương, phụ cấp hợp lý nhằm đảm bảo có được sự phụ vụ của đội ngũ cán bộ có năng lực tốt nhất, tâm huyết nhất, yên tâm gắn bó làm việc lâu dài. Đồng thời công tác đào tạo, nâng cao trình độ cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ theo từng cấp;
Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận độngthuyết phục để đội ngũ cán bộ đảng viên, và đặc biệt là các tầng lớp, nhân dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình;Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau"; tránh tư tưởng chủ quan nóng vội, chạy theo thành tích;
Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải đi đôi với đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Phải có bộ máy tổ chức chỉ đạo thực hiện Chương trình đủ năng lực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; Giải pháp tổ chức thực hiện phải cụ thể, quyết liệt theo phương thức hoàn thành dứt điểm nội dung, từng tiêu chí; tránh cách làm chung chung, nửa vời; đồng thời làm tốt công tác kiểm tra giám sát, kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, uốn nắn những sai sót lệch lạc trong quản lý, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân trong thực hiện chương trình;
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của chương trình nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang xác định tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phải kiên trì, thường xuyên, liên tục, bền bỉ; mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phục vụ cho nhân dân, là sự nghiệp của dân, do dân, do đó người dân phải thực sự là chủ thể.
Trong quá trình thực hiện phải có lộ trình, kế hoạch từng giai đoạn, thực hiện dứt điểm các nội dung tiêu chí theo kế hoạch đặt ra, lựa chọn các nội dung thực hiện phù hợp thời điểm, điều kiện thực tiễn ở địa phương, không chạy theo thành tích.