Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 12:22 PM (GMT+7)
Vì sao lượng tiền gửi ngân hàng năm 2023 lên đến hơn 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất lịch sử?
2024-01-08 16:01:23
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, đây là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước sáng 8/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Điều này cho thấy thu nhập của người dân được cải thiện và niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển đất nước.
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất điều hành; quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong quý IV và cuối năm 2023. Đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết kết thúc năm 2023, ngành ngân hàng cơ bản đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối. Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất đã trở về mức trước dịch Covid-19.
Năm 2023, VND chỉ mất giá khoảng 2,9% và là một trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu giao nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng cho rằng ngành ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm. Phải thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn; coi trọng công tác thanh tra, giám sát. Hoạt động ngân hàng chấp nhận có rủi ro nhưng cần lưu ý các công cụ kiểm soát rủi ro.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt "5 quyết tâm" mà Chính phủ đã xác định trong năm 2023: khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thách thức; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật và quyết tâm cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.
Trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành ngân hàng: "Không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ. Không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng; không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng.
Phải làm sao phát triển hệ thống ngân hàng nhanh, toàn diện, bao trùm bền vững, góp phần quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đồng thời lưu ý Ngân hàng Nhà nước cần điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát.
Thủ tướng cũng hoan nghênh cơ quan điều hành tiền tệ đã có cơ chế mới đối với việc điều hành tín dụng năm, khi giao ngay toàn bộ 15% hạn mức tín dụng từ ngày 1/1 cho tất cả các ngân hàng. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; để người dân, doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng đúng và trúng hơn. Trong đó, tập trung vốn cho những lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, y tế giáo dục…
Cùng với đó, nhiệm vụ được nhấn mạnh là thực hiện hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp tiếp theo.
Bảo đảm kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh, Thủ tướng mong muốn các ngân hàng chia sẻ hơn nữa với người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy hơn nữa niềm tin của người dân và doanh nghiệp; để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi hơn.
Không để người dân gửi tiết kiệm mà ngân hàng giới thiệu sản phẩm khác
Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng người dân đến ngân hàng gửi tiền thì nhân viên ngân hàng lại giới thiệu những kênh đầu tư có lãi suất, lợi nhuận cao hơn nhưng nhiều rủi ro.
Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.
Tags:
Tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, tiến tới chấm dứt "tín dụng đen"
Cùng với giảm lãi suất cho vay, Chính phủ yêu cầu phải có giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen".