Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:30 PM (GMT+7)
Vé máy bay "căng như dây đàn" sau Tết
2024-02-23 08:26:58
Dù đã qua cao điểm Tết Âm lịch, giá vé máy bay từ các tỉnh phía Bắc đi TP.HCM vẫn ở mức cao, thậm chí một số chặng ghi nhận hết chỗ, hành khách phải bay nối chuyến.
Nhằm đảm bảo nhu cầu, nhiều chuyến bay rỗng từ TP.HCM đến các thành phố trên cả nước để chở khách ở chiều ngược lại. Điển hình vào ngày 18/2, có tới hơn 100 chuyến bay rỗng từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Vào thời điểm này, lượng khách từ TP.HCM đi các địa phương khác ít hơn nhiều so với lượng khách từ nhiều nơi trên cả nước quay lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Đến ngày 22/2, dù nhiều công ty, trường học đã bắt đầu vào guồng hoạt động, số lượng vé máy bay cho hành khách vẫn có giá bán đắt đỏ.
Theo khảo sát chặng Hà Nội - TP.HCM vào ngày 23/2, hãng hàng không Vietnam Airlines báo một số chuyến bay đêm và sáng hết vé phổ thông. Đối với những chuyến bay còn trống chỗ, giá vé hầu hết trên 3,5 triệu đồng. Dù vé máy bay của Bamboo Airways và Vietjet Air còn, nhưng giá vé cũng ở mức từ 3,4 triệu đồng. Ở chặng bay bay này, giá vé chỉ giảm khi bước sang tháng 3.
Trong khi đó, chặng Hải Phòng - TP.HCM chủ yếu có các chuyến bay do Vietjet Air khai thác còn ghế. Trong ngày 23/2, chỉ có 1 chuyến bay do Bamboo Airways cung cấp. Hành khách có thể lựa chọn việc bay nối chuyến với giá lên tới gần 6 triệu đồng.
Tình hình căng thẳng đang diễn ra ở chặng bay Chu Lai (Quảng Nam) - TP.HCM khi vé máy bay hết rất nhanh. Vào ngày 23/2, chặng bay này hết sạch các chuyến bay thẳng, hành khách chỉ có thể nối chuyến với số tiền hơn 5,8 triệu đồng. Việc khan hiếm chuyến bay thẳng sẽ kéo dài tới ngày 27/2. Đến ngày 28, chặng bay này mới bắt đầu có nhiều hơn 3 chuyến bay thẳng, chủ yếu do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác.
Các hãng giảm tần suất khai thác trở thành nguyên nhân dẫn tới khan hiếm vé máy bay dù đã qua thời cao điểm di chuyển của người dân. Từ ngày 14-19/2, Vietnam Airlines có thời điểm khai thác 481 chuyến/ngày. Tuy nhiên, đến ngày 20/2, chỉ còn 401 chuyến/ngày với 81 tàu bay phục vụ. Cũng từ ngày 14-19/2, hãng Vietjet Air khai thác từ 455 - 468 chuyến/ngày nhưng đã giảm còn 364 chuyến/ngày vào ngày 20-2.
Nguyên nhân đến từ việc một số hãng phải tạm dừng kiểm tra khắc phục động cơ. Theo thông báo của Cục Hàng không Việt Nam , có tổng cộng 44 máy bay Airbus A321 Neo của các hãng hàng không trong nước được áp dụng đối với lệnh triệu hồi động cơ của nhà chế tạo Pratt & Whitney (Mỹ) nhằm bảo đảm an toàn. Vietnam Airlines có 20 máy bay và Vietjet Air có 24 máy bay.
Nhóm 8 máy bay đã dừng bay để tháo động cơ gửi đi cơ sở bảo dưỡng thuộc đội máy bay của Vietnam Airlines. Có 8-9 máy bay của mỗi hãng "nằm đất" để tháo động cơ đi sửa chữa và con số máy bay phải dừng hoạt động tiếp tục gia tăng.
Ngày 21/2, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines yêu cầu báo cáo công tác bán vé máy bay dịp tết Nguyên đán 2024.
Văn bản do Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm ký yêu cầu các hãng hàng không báo cáo việc bán vé theo quy định của Thông tư 17/2019 chậm nhất vào ngày 26/2.
Theo Tiền phong
Nhiều người "xuất ngoại" dịp Tết vì vé máy bay nội địa đắt đỏ
Giá vé máy bay nội địa Tết đang ở mức cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Chính vì thế, nhiều người quyết định chuyển hướng đi du lịch nước ngoài để tận hưởng kỳ nghỉ Tết.