Thứ Năm, ngày 16/01/2025 09:10 PM (GMT+7)

VASEP kiến nghị loạt bất cập liên quan đến dự thảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm

2023-10-01 10:14:36

VASEP cho biết dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vẫn còn một số nội dung quy định chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi ý kiến đến Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến hàng loạt vấn đề còn "bất cập" của dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

VASEP kiến nghị loạt "bất cập" liên quan đến dự thảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa - Ảnh 1.

Chế biến tôm tại FimexVN. Ảnh: FimexVN

Đối tượng áp dụng chưa phù hợp

Theo VASEP, Khoản 1 Điều 2 của Dự thảo quy định đối tượng áp dụng là "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa". Tuy nhiên, điều này không phù hợp với một số đối tượng.

Thứ nhất, không phù hợp đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc nguyên liệu sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu hoặc sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp. Bởi, theo quy định hiện hành của Việt Nam, ngay cả nhãn hàng hóa của nhà sản xuất xuất khẩu cũng cần tuân theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.

Lộ trình áp dụng chưa phù hợp?

"Dự thảo không có quy định về thời hạn chuyển tiếp để cơ sở, người dân đáp ứng các yêu cầu mới. Như vậy, tất cả các cơ sở, người dân đang tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh đều sẽ phải áp dụng ngay các quy định này khi Thông tư có hiệu lực.

Đây là một trở ngại rất lớn khi nhiều cơ sở đang áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng với các trang thiết bị rất phức tạp hay sử dụng công nghệ cao (sử dụng phần mềm, sử dụng thiết bị RFID, NFC,...) và để chuyển đổi nhằm đáp ứng được các yêu cầu mới của Dự thảo thì cần nhiều thời gian, thậm chí cả kinh phí đầu tư.

Đề nghị bổ sung thời hạn chuyển tiếp cho các cơ sở và người dân là từ 2 – 3 năm" - VASEP, kiến nghị.

Thêm vào đó, theo thông lệ quốc tế, các quốc gia đều đã có quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại quốc gia mình như các quy định về ghi nhãn, chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,... Mục tiêu của các luật này đều để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng xâm nhập vào thị trường trong nước nhưng không áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu (không tiêu thụ nội địa) để khuyến khích và tạo điều kiện cho xuất khẩu.

Ngoài ra, về thực tiễn áp dụng, khi doanh nghiệp phải thực hiện cả quy định của nước nhập khẩu và quy định của nước xuất khẩu sẽ khiến cho doanh nghiệp tăng gấp đôi khối lượng công việc, nguồn nhân lực cũng phải tăng gấp đôi để đáp ứng.

Điều này dẫn đến tăng chi phí và thời gian thực thi cho doanh nghiệp. Từ đó sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, không phù hợp với các đối tượng có đặc điểm toàn chuỗi thấp (các cơ sở, trang trại, hợp tác xã, cá nhân sản xuất quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình,...).

Theo VASEP, quy định như Dự thảo chỉ phù hợp với các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô sản xuất lớn, tính đồng nhất của sản phẩm cao. Đối với các đối tượng sản xuất có đặc điểm đồng nhất toàn chuỗi thấp như các cơ sở, trang trại, hợp tác xã, cá nhân sản xuất quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình,..., sẽ khó áp dụng.

VASEP kiến nghị loạt "bất cập" liên quan đến dự thảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa - Ảnh 3.

Chế biến cá tại Aquatex Bentre. Ảnh: Aquatex Bentre.

"Do đó, VASEP đề nghị bỏ đối tượng "Hàng hóa xuất khẩu hoặc nguyên liệu để sản xuất, gia công hàng hóa XK hoặc sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp" và "Hàng hóa có đặc điểm toàn chuỗi thấp (các cơ sở, trang trại, cá nhân sản xuất quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình,...)" ra khỏi Đối tượng áp dụng tại Điều 2 của Dự thảo", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP kiến nghị.

Quy định về truy xuất nguồn gốc tại Dự thảo chưa phù hợp

Theo VASEP, quy định của Dự thảo hiện cũng đang mâu thuẫn chồng chéo với các quy định hiện hành về truy xuất nguồn gốc của Việt Nam.

Cụ thể, hiện tại Bộ NNPTNT và Bộ Y tế đều đã ban hành các Thông tư về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của 2 Bộ (Thông tư số 17/2021/TTBNNPTNT ngày 20/12/2021 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT và Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế).

VASEP kiến nghị loạt bất cập liên quan đến dự thảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm - Ảnh 4.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe

Tuy nhiên, các quy định về truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên có rất nhiều điểm không đồng nhất với các quy định của Dự thảo.

Chẳng hạn như quy định về thông tin phải lưu trữ cho mục đích truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên không hoàn toàn giống quy định về thông tin truy xuất nguồn gốc phải lưu trữ của Dự thảo; cách thức thực hiện truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên là theo lô hàng trong khi Dự thảo quy định các thông tin lưu trữ theo công đoạn.

Ngoài ra, thời gian lưu trữ thông tin về truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư là từ 6 tháng đến 2 năm tại cơ sở còn Dự thảo không quy định thời gian lưu trữ thông tin nhưng yêu cầu kết nối thông tin lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia,...

"Điều này gây khó khăn cho việc tuân thủ của các đối tượng nằm trong phạm vi áp dụng của 2 Thông tư trên (vì các đối tượng này cũng thuộc đối tượng áp dụng của Dự thảo). Do đó, VASEP đề nghị loại trừ các đối tượng áp dụng thuộc 2 Thông tư trên ra khỏi đối tượng áp dụng của Dự thảo", ông Hòe nêu.

VASEP cũng cho rằng quy định về kết nối thông tin lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia chưa rõ ràng.

Hiện tại Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia chưa có và cũng chưa có bất kỳ Văn bản pháp quy nào quy định các vấn đề liên quan đến Cổng này. Trong khi đó, các quy định của Dự thảo về kết nối thông tin của doanh nghiệp, người dân lên Cổng còn chung chung, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các đối tượng thực thi.

"Có rất nhiều thông tin nhạy cảm/thông tin bí mật của cơ sở được yêu cầu phải gửi lên Cổng như thông tin về quy trình công nghệ/các công đoạn trong sản xuất sản phẩm, thời gian sản xuất của từng sản phẩm trong lô hàng,.. là không hợp lý", Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe nêu.

Quốc Hải
Cảnh giác với bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Cảnh giác với bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.