Thứ Năm, ngày 16/01/2025 12:01 PM (GMT+7)
Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn: Đóng góp GDP không chỉ dựa mỗi vào sản xuất, ngân hàng, bất động sản
2023-04-04 08:25:00
"Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp sa thải lao động. Nhưng cứ nhìn vào đó mà chê trách sẽ tạo dây chuyền cộng hưởng ghê gớm lắm", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Đóng góp GDP cho một quốc gia không chỉ dựa mỗi vào sản xuất, ngân hàng, bất động sản mà còn nhiều nhóm ngành như công nghiệp, ngoại hối, kiều hối, du lịch, thương mại… Vì vậy, với các doanh nghiệp khó khăn, đừng nản, hãy củng cố để họ tiếp tục vực dậy. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần bù phần thụt lùi bằng cách tập trung vào những mảng khác như du lịch, công nghiệp…
Hiện tại, đã đến lúc chúng ta cần có kế hoạch đường dài và chính sách đột phá. Trồng cây ăn trái muốn có quả ngọt, nhanh nhất chu kỳ mất vài năm - ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân trí, xung quanh câu chuyện đầu tàu kinh tế TP.HCM đang gặp phải vô vàn khó khăn.
"100 triệu khách ở sân bay quốc tế Long Thành, lấy đâu ra?"
-Thời điểm kinh tế TP.HCM đang vô vàn khó khăn như hiện nay ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cuộc sống của ông thế nào?
- TP.HCM ước tính sẽ đón 20 triệu khách du lịch - trong buổi tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TPHCM" - tôi đã đề xuất như thế. Khi ấy, ít ai tin lời Johnathan Hạnh Nguyễn. Thậm chí có người còn lên tiếng: Ông Hạnh Nguyễn nói không có cơ sở. Giờ 3 triệu khách chưa có, lấy đâu ra 20 triệu.
Nhưng bạn biết không, tôi tin với sự quyết tâm hiện nay của Chính phủ, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong đó có Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), chúng ta sẽ thực hiện được. Nếu nhận được sự ủng hộ của các cấp, tôi cam kết sẽ đóng góp hết mình để đón ít nhất 20 triệu khách du lịch, đảm bảo đúng quy mô của sân bay Long Thành, sự mở rộng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài trong thời gian sắp tới.
Điều gì khiến ông tin có thể đưa 20 triệu khách quốc tế vào Việt Nam trong bối cảnh khó khăn như hiện nay?
- Đúng là hiện tại chúng ta chưa thể đưa 20 triệu khách quốc tế vào Việt Nam ngay, con số tôi trình bày là câu chuyện của tương lai, sau 3 - 5 năm nữa. Nhưng nếu bây giờ chúng ta không bắt tay vào việc chuẩn bị, sau 5 năm nữa làm sao có kết quả?
Theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2026 sân bay quốc tế Long Thành sẽ xây dựng xong, giai đoạn 1 sẽ đón 25 triệu khách, giai đoạn 2 tăng gấp đôi, giai đoạn 3 là 75 triệu và tăng tiếp lên 100 triệu khách. Như vậy, nếu đúng với lộ trình xây dựng sân bay Long Thành, sự mở rộng T3 sân bay Tân Sơn Nhất, T3 sân bay Nội Bài và đồng bộ tất cả sân bay trên toàn quốc… Việt Nam hoàn toàn có thể đón 100 triệu khách nước ngoài vào năm 2045.
Chính phủ làm điều gì cũng tính khả thi, thế nhưng nếu chúng ta không giải bài toán ngay từ bây giờ, chuẩn bị trước các dịch vụ đáp ứng, tạo điều kiện thu hút khách du lịch, thì đến lúc xây sân bay Long Thành xong lấy đâu ra khách?
Các cơ quan nhà nước, cùng doanh nghiệp cần có kế hoạch đầu tư trung tâm tài chính, mở dịch vụ cao cấp, casino, trung tâm thương mại bán hàng giảm giá, khu mua sắm hàng miễn thuế tại thành phố lớn… Đó là điều kiện, lý do để trong tương lai chúng ta thu hút du khách, níu chân họ ở lại lâu hơn.
6 năm qua, tôi đã tham gia nghiên cứu 45 đề án góp phần phát triển kinh tế du lịch Việt Nam, và khi tất cả thành hình, tôi xin khẳng định, bản thân có thể đưa vào mỗi năm hơn 20 triệu khách.
Bài toán kinh tế được giải suốt 6 năm
-TP.HCM đang trong giai đoạn suy giảm kinh tế, tăng trưởng thấp chưa từng có trong hàng chục năm trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp sa thải, phá sản… Liệu đề án phát triển trung tâm tài chính thế giới tại Việt Nam như ông nói có bất hợp lý?
- Không làm bây giờ thì ta khó lòng thành công như mong đợi!
Đúng là thực tế chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn vô vàn doanh nghiệp sa thải lao động, bất động sản phá sản, tăng trưởng TP.HCM chỉ đạt 0,7% trong quý I/2023 … Nhưng cứ nhìn vào đó mà chê trách sẽ tạo dây chuyền cộng hưởng ghê gớm lắm.
Đóng góp GDP cho một quốc gia không chỉ dựa mỗi vào sản xuất, ngân hàng, bất động sản mà còn nhiều nhóm ngành như công nghiệp, ngoại hối, kiều hối, du lịch, thương mại… Vì vậy, với các doanh nghiệp khó khăn, đừng nản, hãy củng cố để họ tiếp tục vực dậy. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần bù phần thụt lùi bằng cách tập trung vào những mảng khác như du lịch, công nghiệp…
Hiện tại, đã đến lúc chúng ta cần có kế hoạch đường dài và chính sách đột phá. Trồng cây ăn trái muốn có quả ngọt, nhanh nhất chu kỳ mất vài năm.
-Con đường chuẩn bị ấy đã được ông thực hiện như thế nào?
- Năm 2016, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Obama, tôi đã tổ chức đoàn các nhà đầu tư trung tâm tài chính Hoa Kỳ gặp chính thức Thủ tướng. Và ngày 28/7/2021, tôi nhận được thư từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam 10 tỷ USD để xây dựng trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, và trung tâm tài chính thế giới tại TP.HCM.
Phía Mỹ cũng hứa là sẽ đưa Disneyland, Universal Studio vào 2 thành phố lớn nhất cả nước. Đó là lý do chính khiến liên doanh các nhà đầu tư của chúng tôi đồng ý cho tôi ký biên bản ghi nhớ với Đà Nẵng và TP.HCM, nhằm hỗ trợ đề án cơ chế chính sách thành lập trung tâm tài chính Việt Nam.
Trên thực tế, chúng ta muốn sử dụng đồng tiền thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo cơ chế chính sách đề xuất của nhà đầu tư. Vì vậy, suốt 6 năm vừa qua, tôi đã mời rất nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cùng họp bàn, chuẩn bị kế hoạch để trình đề án lên Chính phủ.
Tất cả là tấm lòng của Johnathan Hạnh Nguyễn và các nhà tỷ phú bạn tôi, đối tác Mỹ đã cam kết sẽ giúp Việt Nam thực hiện hóa giấc mơ đó.
Chúng tôi cũng biết việc triển khai làm cơ chế chính sách về trung tâm tài chính phải qua rất nhiều khâu và mất rất nhiều công sức, thời gian…
-Kết quả đến nay ra sao, thưa ông?
- Ngày 22/3/2022, tại "Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế xã hội TP.HCM đến năm 2030", tôi tiếp tục trình bày cụ thể hơn về các đề án cho TP.HCM. Ngay sau đó, các lãnh đạo thành phố đã có văn bản ghi nhận và mong sẽ tiếp tục được tôi đồng hành để thực hiện các đề án. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, tôi thấy được sự quan tâm của các vị lãnh đạo TP.HCM.
Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều vị lãnh đạo cũng thấy tầm quan trọng của việc xây dựng trung tâm tài chính. Tháng 12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đề cập với việc xúc tiến TP.HCM sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một đô thị lớn, trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ của châu Á.
Tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ về việc thí điểm vượt quy định, đặc biệt tại TP.HCM. Như vậy lãnh đạo của chúng ta đều đã quyết tâm.
Thay vì xem mọi thứ là khó khăn, tôi gọi đây là giai đoạn đột phá. Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều tư duy đổi mới, nhanh nhẹn ứng biến, thông minh, linh hoạt, khoa học - của tất cả lãnh đạo nhằm giúp cho TP.HCM bức tốc.
Thế nhưng, bao giờ cũng vậy, muốn bay cao, bay xa thì chúng ta cần phải lùi lại xíu để lấy đà và bứt phá.
Mối duyên nợ đặc biệt với TPHCM
Điều gì khiến ông gắn bó với TP.HCM, sẵn sàng trút hết tâm sức, tiền bạc, ngay cả trong những giai đoạn gian khó nhất như hiện nay?
- Tôi và TP.HCM đã cùng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lắm!
Bạn biết không? Năm 1985 khi tôi mới trở về, đất nước chúng ta còn nghèo lắm. Nhiều thứ bị ngăn sông cấm chợ, đi ăn phải có tem phiếu, xăng đổ đúng quy định… Những nhu cầu thiết yếu của con người bỗng chốc trở nên quý hiếm.
Khi ấy, trên chuyến bay đến TP.HCM, tôi nhìn xuống thấy những mái nhà tôn đã gỉ sét, lòng tôi chỉ ước có thể biến nó thành những mái tôn đỏ tươi, những tòa nhà cao tầng.
Vì vậy, ngay trong thời gian ngắn, 1 trong 12 dự án đầu tiên tôi đưa về Việt Nam là ưu tiên sản xuất nhà máy sơn, để TP.HCM không còn những mái nhà gỉ sét nữa. Rồi đến năm 1986, tôi bắt đầu xuất nhập khẩu hàng hóa, hỗ trợ TP.HCM làm kiều hối, ngoại hối…
Tất cả những thứ tôi đã và đang đeo đuổi không phải để xưng tên, mà tôi chỉ muốn mình trở thành một viên gạch lót đường vững chắc, để từ đó thành phố có thể xây dựng nên công trình đột phá, trở thành một thành phố có đẳng cấp và thứ hạng cao trên bản đồ thế giới.
- Mối duyên nợ đặc biệt với TP.HCM này đã bắt đầu trong ông từ lúc nào?
- Năm 1984, tôi đang là thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors thì nhận được một cuộc điện thoại từ Văn phòng đại diện của Việt Nam tại Liên hợp quốc với câu hỏi tôi có muốn trở về Việt Nam không.
Sau Tết năm 1984, tôi ra Hà Nội theo lời mời của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Tại đây, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị: Giúp Việt Nam mở đường bay! Tôi hiểu rằng, đây là một sứ mệnh đặc biệt và vô cùng quan trọng để giúp Việt Nam bắt đầu mở cửa để hội nhập với thế giới.
Lúc đó, Cục Hàng không cũng đề xuất phải mở đường bay từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đi Manila (Philippines), bởi tất cả cửa ngõ đều bị Mỹ cấm vận.
Điều này có nghĩa ngay từ ban đầu, đất nước chọn tôi và chính TP.HCM đã cho tôi cơ hội thực hiện sứ mệnh đặc biệt của Chính phủ.
Sau 9 tháng ròng rã thực hiện sứ mệnh được giao, ngày 9/9/1985, chuyến bay đầu tiên TP.HCM - Manila - TP.HCM đã đánh dấu sự mở cửa của Việt Nam. Cả chuyến bay có 31 quan chức hàng không Việt Nam và phóng viên báo chí. Đó là chuyến bay quốc tế đầu tiên của Vietnam Airlines đến một nước không nằm trong hệ thống XHCN.
TP.HCM ghi nhận công sức của tôi khi mở đường bay ra thế giới, đóng góp cho sự giao thương tăng trưởng kinh tế. Còn chính tôi cũng nợ TP.HCM vì thành phố đã cho tôi giấy phép kinh doanh, tạo điều kiện cho tập đoàn của tôi làm ăn đúng pháp luật và công nhận sự đóng góp của chúng tôi qua việc trao tặng và đề xuất trao tặng hơn 100 bằng khen, huy chương và huân chương.
Sau khi mở được đường bay, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mời tôi ra Hà Nội. Trước khi ra về, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh đã nắm tay và dặn tôi đúng hai điều: "Thứ nhất, làm ăn ở Việt Nam con phải kiên nhẫn, kiên trì. Thứ hai, con phải làm đúng pháp luật đúng quy định của nhà nước thì Đảng, Chính phủ và nhân dân sẽ luôn luôn bảo vệ con…".
Bạn biết sao không? Bác sợ tôi thiếu kiên nhẫn giữa lúc Việt Nam còn khó khăn, không trụ vững mà "bỏ của chạy lấy người", bỏ đường bay giữa lúc tất cả đang cần sự quyết tâm. Bởi thời điểm ấy, chỉ có phương cách mở cửa ra thế giới, phá thế cấm vận thì Việt Nam mới giao thương phát triển kinh tế…
Ba năm sau đó, tôi cũng hỗ trợ Việt Nam có được Hiệp định Hàng không với Philippines. Để duy trì đường bay không có khách hàng và hàng hóa lúc bấy giờ, tôi đã thua lỗ 5 triệu USD trên tổng số 20 triệu USD vốn liếng. Chưa kể luật pháp lúc đó nhiều thứ còn lờ mờ lắm, nay đúng mai sai, kinh tế khó khăn, đâu đó vẫn còn sự nghi kỵ với Việt Kiều về nước… Với bao nhiêu vấn đề nhức đầu và áp lực tâm lý như thế, ai mà chịu được.
Nhưng lúc nào tôi cũng dặn với lòng mình: "Thôi! đừng nản. Vì cái tâm mình làm kinh doanh không trái pháp luật, không chăm chăm kiếm lãi mà còn vì sự cống hiến, nên phải kiên nhẫn và chắc chắn các lãnh đạo sẽ nhận ra!"
Tâm nguyện ở tuổi 73
Và cuối cùng, ở tuổi 73 này, ông còn tâm nguyện gì nữa cho TP.HCM?
- Vợ tôi hôm nào cũng càu nhàu bắt tôi tập thể dục. Cứ sáng hoặc trưa, tôi phải đi bộ dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ hơn 30 phút.
Giờ đây tôi đã sắp sửa bước qua tuổi 73 rồi, đâu còn lo nghĩ kiếm thêm tiền, thêm sự giàu có. Nhưng trong tôi vẫn còn nguyên cái tâm nguyện từ thời trẻ ngay giây phút đầu tiên về Việt Nam, là luôn muốn đóng góp công sức mình cho Tổ quốc, cho thành phố này!
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo Dân trí
Tags:
"Vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn: Khách quốc tế tới Việt Nam không có chỗ tiêu tiền
“Vua hàng hiệu” Hạnh Nguyễn cho biết khách quốc tế tới Việt Nam không có địa điểm mua sắm phù hợp để tiêu tiền. Ông khẳng định mình đủ sức làm các trung tâm mua sắm hàng hiệu miễn thuế như Thái Lan, Singapore để thu hút khách quốc tế và chi tiêu nhiều tiền tại Việt Nam.