Thứ Bảy, ngày 22/02/2025 08:44 PM (GMT+7)
Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc soán ngôi thương mại điện tử của Alibaba nhờ Temu
23/08/2024 09:30 GMT +7
Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu từng đứng đầu danh sách tải nhiều nhất trên các chợ ứng dụng ở Mỹ. Nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo ra mắt ứng dụng mua sắm giảm giá Temu tại Mỹ vào tháng 9/2022 nhưng đã giúp một người mới 44 tuổi trở thành giàu nhất Trung Quốc.
Những năm trước đây, Alibaba là cái tên đình đám nhất về thương mại điện tử từ Trung Quốc. Giờ đây, Colin Zheng Huang (tức Hoàng Tranh) mới 44 tuổi -- sinh năm 1980 -- mới là ngôi sao mới. Tháng 8 năm nay, tỷ phú công nghệ này trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Ảnh bìa một video nói về niềm vui mua sắm với Temu (thương mại điện tử) của YouTuber người Mỹ có tên tài khoản là Little Bit of Calm and Crazy
Hiện nay, tài sản của Huang trị giá 50,8 tỷ USD tính đến 22/8, xếp thứ 23 thế giới và hạng 3 châu Á, theo trang Bloomberg Billionaires Index chuyên theo dõi tài sản các tỷ phú thế giới. Tài sản của Huang đã tăng mạnh nhờ Pinduoduo và Temu (thuộc tập đoàn PDD Holdings do Huang sáng lập) đang kinh doanh "hốt bạc".
Huang có cha mẹ là công nhân nhà máy ở ngoại ô Hàng Châu, một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba do Jack Ma sáng lập. Sau đó, Ma đã trở thành tỷ phú thế giới nhờ thương mại điện tử.
Năm 2004, Colin Huang tốt nghiệp thạc sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin (Mỹ) và nhận công việc toàn thời gian đầu tiên tại Google, là kỹ sư phần mềm, sau đó trở thành Giám đốc sản phẩm. Vào thời điểm đó, Google chuẩn bị thâm nhập thị trường Trung Quốc và Colin Huang trở thành thành viên chủ chốt trong nhóm tiên phong của Google.

"Ông trùm" mới trong thương mại điện tử: Colin Zheng Huang. Ảnh tư liệu
Làm việc cho Google tại Trung Quốc một thời gian, Huang xin thôi vào năm 2007 và thành lập trang thương mại điện tử Oukou, chuyên bán các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại di động và đồ gia dụng. Ba năm sau, anh bán liên doanh này trước khi thành lập công ty thứ hai, Leqi. Công ty này giúp các thương hiệu nước ngoài tiếp thị cửa hàng trực tuyến của họ trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Tmall và JD.com.
Năm 2015, trong bối cảnh ngành thương mại điện tử do Alibaba và JD.com thống trị, Huang vẫn quyết định ra mắt trang Pinduoduo với niềm tin rằng có thể đạt được thành công bằng cách áp dụng trò chơi mua sắm trực tuyến. Theo báo Bloomberg của Mỹ, nguyên kỹ sư của Google đã huy động được 8 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư vào năm 2015 và thêm khoảng 100 triệu USD vào năm 2016.
Khi lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Pinduoduo tại Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2022, PDD Holdings của Huang bắt đầu tìm cơ hội tăng trưởng ở nước ngoài thông qua Temu, là nền tảng thương mại điện tử do Huang lập ra ở Mỹ tháng 9/2022.
Theo số liệu của công ty ECDB từ Hong Kong chuyên về dữ liệu thương mại điện tử, lượt tải xuống ứng dụng Temu đã tăng vùn vụt: 440.000 lượt vào tháng đầu ra mắt năm 2022 và tăng đều đặn đến nay, đạt 41,3 triệu lượt vào tháng 3/2024. Lượt truy cập vào website Temu còn cao hơn đáng kể, trên 200 triệu hàng tháng giữa năm ngoái. Tháng 3/2024 sàn Temu thu hút 479 triệu lượt.
Tổng doanh số giao dịch trên sàn (GMV) cũng tăng trưởng theo cấp số nhân. Vào 2022, GMV chỉ mới 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB. Dự báo GMV của Temu đạt 29,5 tỷ USD năm nay và 41 tỷ USD vào năm 2025.

Công ty ECDB (Hong Kong) phân tích về Temu. Ảnh chụp màn hình ECDB
Temu đến Mỹ rất đúng thời điểm: mùa mua sắm cuối năm 2022. Chỉ trong quý 4-/022, app này đã có 13 triệu lượt tải ở Mỹ, hơn gấp đôi nền tảng Shein. Cả hai ứng dụng mua sắm này đều kết nối người mê mua hàng qua mạng ở Mỹ trực tiếp với các nhà sản xuất và bán hàng ở Trung Quốc, từ đó có giá rẻ vì không phải qua trung gian.
Trong bối cảnh TikTok bị Mỹ soi, cả Temu và Shein đều có những động thái đề phòng.
Với chuỗi cung ứng chính từ tỉnh Quảng Đông rất đông dân, Shein đã đổi công ty mẹ từ một công ty đăng ký ở Hong Kong thành một pháp nhân thành lập ở Singapore với tên Roadget Business Pte. Ltd.) vào năm 2021.
Trong khi đó, Temu đặt trụ sở ở thành phố Boston, bang Massachusetts. Chuyện làm ăn ở Mỹ của Temu do một công ty khác đóng ở bang Delaware phụ trách.
Temu là phiên bản quốc tế của nền tảng anh em Pinduoduo từ quê nhà Trung Quốc, Huang để cho Temu thừa hưởng chiến lược phát triển của Pinduoduo. Đặc điểm nổi bật nhất là giá thấp nhưng Temu cho chiết khấu cao hơn cả Shein, với các ưu đãi đẩy giá sản phẩm có khi xuống chỉ còn một cent.
Không chỉ là giá rẻ, Temu còn cung cấp dịch vụ miễn phí vận chuyển và trả hàng. Temu thực hiện điều này miễn phí nhờ có mạng lưới nhà cung cấp và đối tác vận chuyển rộng khắp của PDD Holdings, tập đoàn do Huang lèo lái.
Điều gì khiến nhà đầu tư ngoại e dè thị trường bất động sản Trung Quốc?
Cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã làm nhiều nhà đầu tư quốc tế e ngại, trong đó có các công ty Mỹ. Thị trường bất động sản suy thoái cũng làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng Trung Quốc.