Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 01:39 AM (GMT+7)
Tung chiêu "tặng tiền" cho cổ đông đi họp, đại hội bất thường của CII vẫn thất bại
2023-09-19 13:51:00
Đại hội bất thường của CII diễn ra sáng nay 19/9, đã thất bại khi cổ đông dự họp chỉ đạt tỷ lệ 31,2%, không đủ điều kiện để tiến hành. Dù CII đã công bố gửi quà tri ân bằng tiền nếu nhà đầu tư tham gia đại hội.
Sáng nay, 19/9, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ CII không thể tiến hành do tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ 31,2% cổ phần có quyền biểu quyết.
"Chiêu" tặng tiền cho cổ đông của CII không phải lần đầu được áp dụng. Trước đó, để khuyến khích nhà đầu tư tham gia ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, CII cũng đã công bố gửi quà tri ân bằng tiền (không nói số tiền cụ thể) nếu nhà đầu tư tham gia đại hội.
Dù vậy, cổ đông tham gia chỉ đại diện 46% tổng số cổ phần được quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn quy định nên không thể tiến hành.
Tại đại hội bất thường lần này, do lo ngại cổ đông không đến và không đủ tỷ lệ số cổ phần được quyền biểu quyết tham dự, bởi tính đến 5h ngày 15/9, số lượng cổ đông đăng ký tham dự họp vẫn chưa đạt trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết, CII đã gửi quà tri ân bằng tiền đến cổ đông tham dự trực tiếp hoặc ủy quyền (cho người khác hoặc cho Trưởng Ban kiểm soát) tham dự Đại hội.
Điểm khác biệt là nếu như lần trước cổ đông ủy quyền tham dự cho Ban Kiểm soát chỉ cần gửi thông tin số tài khoản và xác nhận việc ủy quyền qua tin nhắn điện thoại (SMS) thì lần này, cổ đông phải điền thông tin tài khoản vào mặt sau thư mời và chụp ảnh gửi về cho Ban tổ chức.
Được biết, CII tổ chức đại hội bất thường lần này nhằm thông qua tờ trình quan trọng là định hướng phát triển chiến lược của CII giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm cho phép CII bố trí ngân sách để đẩy mạnh việc nghiên cứu các dự án BOT và các dự án hạ tầng giao thông khác...
Cụ thể, giai đoạn 2024-2030, CII xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên. Định hướng trên được CII dựa trên hai cơ sở.
Thứ nhất, Chính phủ hiện đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 - 2025. Công ty đánh giá đây là động lực lớn thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP. Các dự án PPP khi kết nối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ tạo thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư PPP.
Thứ hai là Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội lớn về đầu tư hạ tầng. Trước đây, Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ban hành ngày 21/10/2017 chỉ được áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các tuyến đường mới. Do vậy, việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá khả năng hoàn vốn; và huy động vốn cho dự án.
Tuy nhiên, Nghị quyết 98 đã cho phép TP.HCM đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu, từ đó phần nào giải quyết được các khó khăn kể trên.
Cụ thể, có 6 dự án hạ tầng giao thông được CII dự kiến đầu tư với tổng mức đầu tư gần 75.000 tỷ đồng, trong đó dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 là dự án có mức đầu tư lớn nhất (22.000 tỷ đồng).
Theo CII, 6 dự án trên được Công ty lựa chọn dựa trên các tiêu chí: Dự án có thể giải quyết ách tác giao thông một cách tổng thể; dự án có thể kết nối với các dự án hiện hữu của CII; dự án đã có quy hoạch phát triển; và dự án có thể hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp BOT và người dân.
Bên cạnh lĩnh vực hạ tầng giao thông là truyền thống, CII còn muốn "lấn sân" sang lĩnh vực y tế theo 2 hướng hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.
VNG nộp hồ sơ IPO tại Mỹ: Hé lộ nhóm cổ đông Trung Quốc, Singapore
Hồ sơ của VNG Limited - doanh nghiệp mới nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) - đã hé lộ cơ cấu cổ đông. Nhóm cổ đông sáng lập người Việt dự kiến nắm giữ 51% quyền biểu quyết sau IPO, còn lại là doanh nghiệp, quỹ đầu tư ngoại đến từ Trung Quốc, Singapore.