dd/mm/yyyy

Từ lão nông gàn dở đến biệt danh "vua lúa hữu cơ" ở Bình Thuận

Từ việc tách riêng ra sản xuất "khác người", đến nay lão nông Nguyễn Anh Đức đã và đang khiến mọi người thán phục bởi biệt tài sản xuất lúa hữu cơ độc đáo ở Bình Thuận. Nhiều năm nay, ông Đức thường được mọi người ở địa phương gọi là "vua lúa hữu cơ".
Từ lão nông gàn dở đến biệt danh "vua lúa hữu cơ" - Ảnh 1.

Đến nay, ông Đức đang hướng dẫn, hỗ trợ bà con ở địa phương sản xuất, đưa ra thị trường gần 100 tấn gạo hữu cơ/năm.

Chi hội trưởng đam mê lúa hữu cơ

Ngày 11/10 vừa qua, lần đầu ra Thủ đô dự lễ vinh danh "Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc", ông Nguyễn Anh Đức - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 3, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) cảm thấy rất vinh dự và tự hào.

"Nhiều năm làm công tác Hội và cống hiến sức mình cho bà con hội viên, tôi chưa từng nghĩ sẽ được vinh danh như ngày hôm nay, tôi thực sự rất tự hào và cảm thấy được động viên để tiếp tục công việc của mình", ông Đức vui vẻ nói.

Sáng ngày 11/10, ông Đức đã tranh thủ đến thật sớm để thăm quan và trải nghiệm các gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản đặc sản vùng miền ở buổi lễ. "Lần này ra Thủ đô, tôi thấy được mở rộng tầm mắt, được thấy các sản phẩm nông sản nổi tiếng của cả nước. Đây là cơ hội để tôi trải nghiệm, học tập các kiến thức, kinh nghiệm hay về áp dụng vào tiếp tục sản xuất gạo hữu cơ", ông Đức chia sẻ.

Hiện, gia đình ông Đức đang phối hợp với các 4 nông dân giỏi ở quê nhà kiên trì sản xuất gạo hữu cơ, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 100 tấn. "Làm gạo hữu cơ rất khó khăn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực để làm lợi cho cộng đồng, cho người tiêu dùng trong nước và dần dần hướng đến xuất khẩu", ông Đức tiết lộ hướng đi của đơn vị mình trong tương lai.

Kể về công việc làm ăn của mình, ông Đức cho biết, 40 năm trước do cuộc sống khó khăn nên gia đình ông rời mảnh đất TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tìm về huyện Tánh Linh để làm kinh tế.

Thời điểm này vùng đất xã Đức Bình, Tánh Linh vẫn làm việc theo hợp tác xã bao cấp tính ngày đầy công. Mỗi ngày mỗi người trong gia đình ông ra ruộng làm việc và sau đó được trả công bằng lúa.

Mãi đến sau những năm 80, hợp tác xã bao cấp giải tán thì gia đình ông bắt đầu được cấp đất ruộng để trồng lúa, nhưng nhà nhiều miệng ăn, chỉ được cấp 3 sào ruộng nên mãi vẫn không dư giả.

Tuy nhiên nhiều năm sau đó, cả nhà chịu khó nên gia đình ông Đức dần dần mua thêm được ruộng và rẫy. Sau khoảng 30 năm gắn bó với ruộng đồng, gia cảnh nhà ông vẫn không khấm khá hơn còn sức khoẻ ngày càng đi xuống.

Lúc này cả nhà ông cũng cảm nhận là ruộng lúa không còn cho năng suất cao, lúa gạo ăn không còn ngon như trước nên bắt đầu cố gắng tìm tòi phương án mới để cải thiện.

"Trong thời gian này tôi đã quyết định chuyển sang trồng lúa hữu cơ sau một thời gian tìm tòi học hỏi các mô hình trồng lúa hữu cơ ở các tỉnh, thành phố. Từ năm 2016 ông bắt đầu thí điểm trồng lúa hữu cơ trên diện tích khoảng 7 sào.

Nhưng vì mới bắt đầu, chưa am hiểu về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, kinh nghiệm trồng lúa hữu cơ nên suốt một năm trời ông bị thất bại. Lúa lên không đều, hạt gạo chưa đủ thơm ngon như ông mong muốn, còn năng suất rất tệ hại. Nhiều người biết chuyện bảo tôi "dở hơi, gàn dở", làm lúa hữu cơ làm gì cho cực, đã thế lại chẳng được mấy hạt thóc", ông Đức nhớ lại.

Thời điểm này, ông áp dụng tất cả những kiến thức vào trồng lúa hữu cơ, đồng thời đặt mua các chế phẩm sinh học, sản phẩm phân hữu cơ vi sinh,… từ nước ngoài để sử dụng trồng lúa hữu cơ. Ông quyết chí phải làm thành công. "Tôi nhận thức rằng, khi làm lúa hữu cơ là con đường đi đúng đắn và là xu thế của thời đại. Khi sản xuất hữu cơ, nông dân khỏe mà người ăn hạt gạo hữu cơ cũng khỏe hơn", "vua lúa hữu cơ" nói.

Nhờ vào những cải tiến mới cũng như những bài học rút ra sau những lần thất bại thì cuối cùng đến khoảng giữa năm 2017 ông Đức bắt đầu tạo được kỳ tích với lúa hữu cơ. Đến tháng 8/2017 ông quyết định thành lập Hợp tác xã Đức Bình với 10 thành viên chuyên trồng lúa hữu cơ.

Ông Nguyễn Anh Đức nói rằng trồng lúa hữu cơ để có được hạt gạo chất lượng, an toàn và giá bán cao, tốn rất nhiều công sức chăm sóc. Bởi lý do này, nên ngay tại HTX Đức Bình đã có vài thành viên bỏ cuộc. Những thành viên còn lại của HTX với quyết tâm sản xuất gạo sạch, làm ra hạt gạo hữu cơ vẫn đang miệt mài tuân thủ nghiêm ngặt khâu chăm bón.

Sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường

Sau đó hợp tác xã do ông gầy dựng cũng đã xây dựng được sản phẩm gạo hữu cơ mang thương hiệu "Gạo Đức Lan".

Và đến nay sau 3 năm có mặt trên thị trường thì gạo hữu cơ Đức Lan đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Bình Thuận tin tưởng. Sản phẩm gạo hữu cơ của HTX hiện làm ra vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng và tại nhiều thời điểm gạo hữu cơ được người tiêu dùng săn lùng ráo riết.

Đức Lan có 3 loại sản phẩm gạo sạch với giá giao động từ 17 triệu – 33 triệu đồng/tấn. So với các loại gạo ngoài thị trường, gạo hữu cơ tuy có giá bán cao hơn nhưng vẫn thu hút nhiều người mua.

Hiện tại, HTX có 9 thành viên là nông dân ở địa phương cùng "dồn điền" đưa gần 20ha vào sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất, lai tạo 5 loại lúa giống trong và ngoài tỉnh Bình Thuận do HTX đảm trách, đưa vào gieo sạ trên cánh đồng của các thành viên.

Từ lão nông gàn dở đến biệt danh "vua lúa hữu cơ" - Ảnh 2.

Ông Đức dùng chế phẩm sinh học và thuốc trừ sâu sinh học để chăm sóc lúa.

"Chỉ dùng phân hữu cơ từ nguồn phân chuồng chăn nuôi heo, bò trong các hộ thành viên hoặc mua thêm bên ngoài về tập kết ủ hoai mục, rồi đưa vào bón theo từng thời gian thích hợp cho cây lúa đang sinh trưởng làm đòng, ngậm hạt. Cùng với đó, HTX của tôi cũng cung cấp thêm phân bón hữu cơ vi sinh (Bio Japan, Bio Long An) cho thành viên bón lót. Cả hai nguồn phân hữu cơ và vi sinh được chia đều bón 5 lần cho đến khi lúa chín.

Nhờ chăm bón theo cách trên, cây lúa phát triển chậm (không như phân hóa học lúa phát triển nhanh), nhưng kết tinh hạt chắc, căng đầy, cho những hạt thóc vàng ruộm, chế biến gạo trắng như sữa, phảng phất mùi thơm.

Gạo hữu cơ nấu cơm dẻo, thơm ngon để được thời gian lâu trong ngày. Chính vì vậy, người tiêu dùng không chỉ trong xã Đức Bình mà cả huyện Tánh Linh và các địa phương lân cận của tỉnh Bình Thuận đều ưa thích gạo Đức Lan.

Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất 2 vụ lúa hữu cơ với sản lượng từ 70 - 80 tấn/năm. Hiện tại, sản lượng gạo hữu cơ cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và các tỉnh lân cận", chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 3, xã Đức Bình tiết lộ.

Theo ông Đức, nếu ai thật sự có làm nông mới biết được các loại thuốc bảo vệ thực vật hoá học, phân bón hoá học, thuốc trừ cỏ nó rất đáng sợ. Nó bào mòn cả ruộng đất, rút hết chất dinh dưỡng đồng thời ảnh hưởng đến sức khoẻ của nông dân như chúng tôi. Tôi đã thấy mình tìm được hướng đi đúng đắn...

Từ lão nông gàn dở đến biệt danh "vua lúa hữu cơ" - Ảnh 3.

Hiện sản phẩm hữu cơ của ông Đức đang được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thàn trong cả nước tin tưởng đặt mua.

 "Nhờ sản xuất theo quy trình hữu cơ nên sản phẩm của tôi có chất lượng tốt, được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành đón nhận, đặt mua nhiều. Hiện nay gạo hữu cơ Đức Lan không đủ cung ứng ra thị trường vì nhu cầu quá cao", ông Đức khẳng định.

Cũng theo ông Đức, vừa qua sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Đức Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận "Gạo Đức Lan" nằm trong thương hiệu, chỉ dẫn địa lý "Gạo Tánh Linh" đã có sẵn logo… .

"Sắp tới, HTX huy động thành viên mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ; đồng thời đề xuất Ngân hàng NNPTNT huyện Tánh Linh cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch; cải tiến mẫu mã từ bao đóng gói gạo hữu cơ bằng nilon sang bao giấy thân thiện với môi trường; đưa sản phẩm gạo hữu cơ vào tiêu thụ tại TP HCM và nhiều tỉnh thành khác...", "vua lúa hữu cơ" chia sẻ.


Hải Đăng - Nguyễn Nhâm