Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:03 PM (GMT+7)

Trái cây triệu USD của Tiền Giang đổ về TP.HCM

2023-08-29 18:17:00

Sầu riêng, dừa, thanh long, xoài cát Hòa Lộc… Tiền Giang đang có mặt tại TP.HCM để giới thiệu tới người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ, cơ quan ngoại giao các nước. Địa phương đang đẩy mạnh đưa trái cây, các loại nông sản đặc trưng ra thị trường, kỳ vọng lập kỳ tích xuất khẩu.

Nhiều loại trái cây triệu USD của tỉnh Tiền Giang như sầu riêng, dừa, bưởi, thanh long… đang có mặt tại TP.HCM trong chương trình “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang” tới người dân, du khách và doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, nhà đầu tư.

Đây là những loại trái cây có giá trị kinh tế cao, mang về cho Tiền Giang hàng triệu USD xuất khẩu hàng năm. 

Đáng chú ý, mới đây, sầu riêng, dừa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Hoa Kỳ càng khiến hai loại trái cây này trở nên giá trị và nhiều tiềm năng.

Trái cây triệu USD của Tiền Giang đổ về TP.HCM, mong lập kỳ tích xuất khẩu - Ảnh 1.

Sầu riêng Cai Lậy - đặc sản của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Phúc Minh

Đại diện Công ty TNHH Trái cây Thủy, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết kể từ khi Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam, sản lượng công ty thu mua xuất sang Trung Quốc giai đoạn vừa qua tăng mạnh, giá tốt.

Theo ông Thoại - đại diện doanh nghiệp này, sầu riêng đang có giá bán tốt, vì vậy, nông dân “thủ phủ” sầu riêng Tiền Giang rất phấn khởi. Ông cũng đánh giá nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đối với trái sầu riêng rất lớn. Đây là cơ hội để sầu riêng Việt chinh phục thế giới, làm ăn bài bản, xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt 876 triệu USD, tăng tới 832 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, lên đến 835 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu sầu riêng.

Với đà này, nhiều khả năng, sầu riêng Việt Nam sẽ lập kỳ tích xuất khẩu vượt 1 tỷ USD trong năm 2023, năm đầu tiên thực hiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Với dừa, sau khi có thông tin dừa sọ Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, giá dừa đã có dấu hiệu nhích tăng. Đứng sau “thủ phủ” dừa Bến Tre, vùng trồng dừa của Tiền Giang hiện có quy mô 35.000 ha. 

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết với các tín hiệu vui, giá dừa tại vườn chỉ cần lên 6.000 đồng/trái là người nông dân và địa phương đã hồ hởi.

Trái cây triệu USD của Tiền Giang đổ về TP.HCM, mong lập kỳ tích xuất khẩu - Ảnh 3.

Thanh long là mặt hàng xuất khẩu nông sản có kim ngạch chỉ đứng sau sầu riêng nửa đầu năm nay. Ảnh: Phúc Minh

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết ngành dừa trong thời gian vừa qua có sự phát triển khá thần tốc. Cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa trên 700 triệu USD. Tuy nhiên, theo bà, với việc Trung Quốc và Hoa Kỳ mở cửa cho trái dừa Việt Nam, khoảng cuối năm 2024, đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dừa có thể lên đến 1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, cho biết Tiền Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 80.000 ha và sản lượng hàng năm trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. 

Một số loại trái cây đặc sản của địa phương hiện này là xoài cát Hòa Lộc, bưởi, sầu riêng Cai Lậy, ví sữa Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo… 

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; tỉnh hiện có diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên 15.000 ha, sản lượng khai thác trên 360.000 tấn mỗi năm. 

PHÚC MINH
'Cò' đất chuyển hướng sang môi giới sầu riêng ở Tây Nguyên

"Cò" đất chuyển hướng sang môi giới sầu riêng ở Tây Nguyên

Sầu riêng ở Đắk Nông và Đắk Lắk đang được thu mua với mức giá cao. Trong khi tỉnh Đắk Nông đang vào cuối vụ, chủ yếu thu hoạch sầu riêng Ri 6 thì tại tỉnh Đắk Lắk, các nhà vườn mới bắt đầu vào vụ thu hoạch chính.