Thứ Năm, ngày 16/01/2025 06:54 PM (GMT+7)

Thị trường khách sạn tại TP.HCM chưa thể phục hồi, vì sao?

2023-10-17 13:47:00

Thị trường khách sạn tại TP.HCM sau thời gian dài "đóng băng" vì ảnh hưởng dịch bệnh đến nay vẫn chưa thể "sáng đèn" hoàn toàn.

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, quý III/2023, nguồn cung thị trường khách sạn TP.HCM ổn định với 15.641 phòng từ 109 khách sạn. Tuy nhiên, công suất phòng đạt 58%, giảm nhẹ 2% theo quý. Giá phòng trung bình đạt 1,9 triệu đồng/phòng/đêm, không thay đổi so với quý trước.

Trong đó, khách sạn 4 và 5 sao có công suất giảm tới 4%, phản ánh mùa thấp điểm tại TP.HCM (mùa cao điểm du lịch thường diễn ra vào quý I và quý IV), ảnh hưởng đến thị trường khách sạn.

Bên cạnh đó, sự lệ thuộc vào tệp khách công tác và khách MICE (khách liên quan các hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện...) đã làm chậm tốc độ phục hồi trong quý III.

Lượng du khách quốc tế vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch vẫn đang là trở ngại lớn khiến thị trường khách sạn tại TP.HCM chưa thể phá băng phục hồi.

TP.HCM: Khách du lịch "hẩm hỉu" thị trường khách sạn chưa thể nhanh phục hồi - Ảnh 1.

Khách quốc tế chưa phục hồi ảnh hưởng đến thị trường khách sạn tại TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Tình hình kém lạc quan khiến nhiều chủ khách sạn tại TP.HCM lâm vào cảnh lao đao. Như Dân Việt đã đưa tin, chủ một loạt khách sạn trên đất vàng TP.HCM như khách sạn Novotel Saigon Centre, khách sạn Palace Saigon, khách sạn Bông Sen Sài Gòn… đang lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Các khách sạn lớn này đều nằm ở các vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm như đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng. Ngoài ra, nhiều khách sạn lớn nhỏ khác trên nhiều khu vực tại TP.HCM cũng chưa thể hoạt động hết công suất. Một số đầu tư phải chuyển đổi công năng tòa nhà sang văn phòng cho thuê nhằm "cứu vớt" hoạt động kinh doanh.

Thời gian qua, các chủ đầu tư đang tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng dự án của mình để duy trì sự cạnh tranh khi 100% số phòng đã đóng cửa đang được cải tạo và dự kiến sẽ mở cửa trở lại trong thời gian sắp tới.

Các chuyên gia đánh giá, nguồn cung tương lai của phân khúc này bị giới hạn do áp lực nguồn cung trên toàn quốc và tình hình phục hồi chậm. Dù có sự tăng trưởng theo năm, lượng khách quốc tế đến TP.HCM chỉ đạt 57% so với 9 tháng đầu năm 2019, thấp hơn mức toàn quốc là 70%.

TP.HCM: Khách du lịch "hẩm hỉu" thị trường khách sạn chưa thể nhanh phục hồi - Ảnh 3.

Thị trường khách sạn được dự báo đến năm sau mới khôi phục. Ảnh: Gia Linh

Ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam đánh giá, mùa thấp điểm của các hoạt động MICE đã đặt ra thách thức cho thị trường khách sạn tại TP.HCM - thị trường chủ yếu phụ thuộc vào khách công tác. Lượng du khách quốc tế vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch. Phân khúc khách sạn được dự đoán đến năm sau mới bằng mức trước dịch.

Nhận định về triển vọng thị trường, các chuyên gia cho rằng sự trở lại của khách Trung Quốc là cơ hội cho thị trường khách sạn thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài ra, từ tháng 8, Việt Nam cho phép công dân từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ đăng ký e-visa, đồng thời, gia hạn thời gian lưu trú lên tối đa 90 ngày với nhiều lần nhập cảnh, Savills đánh giá đây sẽ là động lực chính để thúc đẩy quá trình phục hồi của thị trường này.

Gia Linh
Chủ khách sạn Bông Sen, Novotel Saigon lỗ nặng, mỗi ngày lỗ cả tỷ đồng

Chủ khách sạn Bông Sen, Novotel Saigon lỗ nặng, mỗi ngày lỗ cả tỷ đồng

Trung bình mỗi ngày, chủ 2 khách sạn Novotel Saigon, Bông Sen Sài Gòn lỗ hơn cả tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.