Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:52 PM (GMT+7)

TP.HCM: Hàng trăm doanh nghiệp dệt may kết nối giao thương, xúc tiến thương mại đầu năm

2024-02-28 17:40:20

Hơn 500 gian hàng quy tụ tại Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam. Sự kiện được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế.

Ngày 28/2, Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam - VIATT 2024 đã khai mạc tại TP.HCM. Theo đó, hơn 500 gian hàng quy tụ tại sự kiện.

Đây là triển lãm thương mại quốc tế mang tầm khu vực tại Việt Nam trong lĩnh vực chuyên ngành về sợi, vải và phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, công nghệ dệt và máy khâu do Bộ Công thương chủ trì giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

TP.HCM: Hàng trăm doanh nghiệp dệt may kết nối giao thương, xúc tiến thương mại đầu năm- Ảnh 1.

Hàng trăm gian hàng dệt may quy tụ tại triển lãm VIATT 2024. Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)

Sau hơn 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng lên gần 6 lần. Bên cạnh đó, ngành dệt may hiện sử dụng hơn 2 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỷ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 xuất khẩu dệt may đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Mặc dù vậy, điểm nổi bật của ngành dệt may trong năm qua là bứt phá về thị trường. Ngoài thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đáng kể hàng dệt may sang Canada, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ…

Năm 2024 thị trường dệt may đã có tín hiệu khởi sắc so với năm 2023. Tính đến ngày 15/02/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023). Ngành dệt may phấn đấu trong năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may tìm kiếm khách hàng, thị trường, trong năm 2024, Bộ Công thương đã và đang phối hợp với các Hiệp hội của ngành dệt may trong việc xây dựng kế hoạch phát triển bền vững ngành dệt may - da giày. Trong đó sẽ có đề xuất các chính sách để giúp các doanh nghiệp dệt may để chuyển đổi sản xuất sang mô hình xanh và bền vững.

VIATT 2024 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu. Từ đó, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Được biết, VIATT 2024 sẽ diễn ra đến ngày 1/3.

Gia Linh
TP.HCM đồng loạt triển khai các giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI

TP.HCM đồng loạt triển khai các giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI

TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong năm 2023. Duy trì đà phát triển trên, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị triển khai đồng loạt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp.