Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:44 PM (GMT+7)
TP.HCM: Nhiều vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại
2023-07-30 13:00:00
Cục Quản lý Thị trường TP.HCM nhận định việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng khiến rất khó xác định đối tượng vi phạm.
Cục Quản lý Thị trường TP.HCM vừa có báo cáo về kiểm soát thị trường trong tháng 7-2023 với 9.032 vụ chuyên ngành và liên ngành, trong đó có 438 vụ vi phạm.
Quản lý Thị trường TP.HCM đã kiểm tra 5 vụ vi phạm về thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới, tạm giữ 9 bao thuốc lá điếu và 846 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện, tinh dầu.
Về hàng lậu, Quản lý Thị trường TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 92 trường hợp vi phạm, tạm giữ 146.185 đơn vị sản phẩm như: dụng cụ làm đẹp, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, hàng gia dụng, văn phòng phẩm, vải, giày dép…
Cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 120 trường hợp vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 125.704 đơn vị sản phẩm.
Cục Quản lý Thị trường TP.HCM cũng kiểm tra, xử lý 124 trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 19.358 đơn vị sản phẩm. Những sản phẩm này giả, nhái các nhãn hiệu Rolex, Patek Phillippe, Hermes, Burberry, Dior, Apple, Honda, Adidas, Nike, Chanel, Versace, Giorgio Armani, Louis Vuitton, Apple, Levi’s, Glucerna, MLB…
Về thực phẩm, Quản lý Thị trường TP.HCM đã kiểm tra 40 vụ, trong đó có 36 vụ vi phạm; tạm giữ 29.289 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đối với mặt hàng đường cát, trong tháng 7, Quản lý Thị trường TP.HCM đã kiểm tra 5 vụ vi phạm, tạm giữ 14,1 tấn đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Về lĩnh vực mỹ phẩm, Quản lý Thị trường TP.HCM kiểm tra xử lý 35 vụ vi phạm, tạm giữ 20.523 đơn vị sản phẩm; về dược phẩm, kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm, tạm giữ 26.279 đơn vị sản phẩm tân dược; về thực phẩm chức năng, kiểm tra, xử lý 4 vụ vi phạm, tạm giữ 4.980 đơn vị sản phẩm.
Theo Cục Quản lý Thị trường TP.HCM, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... hoạt động trên nền tảng di động hiện rất phức tạp. Với việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng, rất khó xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý.
Tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại không có dấu hiệu thuyên giảm. Nguồn hàng hóa đưa vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam nhiều hơn.