Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:59 PM (GMT+7)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%

2023-03-11 08:19:00

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2023 ước đạt 481,8 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.


Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%  - Ảnh 1.

Theo công bố của Tổng Cục thống kê, tính chung 02 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, ước đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 2, thị trường hàng hóa kém sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm so với tháng trước do nhiều mặt hàng đã được mua sắm nhiều trong giai đoạn trước Tết, đồng thời, do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thu nhập không ổn định. Thị trường chủ yếu sôi động với các hoạt động phục vụ các lễ hội sau Tết Nguyên đán.

Nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều so với tháng trước do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết. Thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào, giá giảm nhiều so với trong Tết. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng, khí hóa lỏng có xu hướng tăng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2 đạt 481.832 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước, trong đó doanh thu của hầu hết các nhóm hàng đều giảm: Bán lẻ hàng hóa giảm 6,7%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 3,2%, du lịch giảm 20,3%; dịch vụ khác giảm 2,6%.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2 tăng 13%, trong đó tăng cao nhất là nhóm du lịch (tăng 94,7%), tiếp đến là nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống (tăng 27,3%), dịch vụ khác (tăng 18,7%) do trong tháng 2 có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tại các địa phương, nhu cầu tham quan, du lịch kết hợp du lịch tâm linh khá cao; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%.

Tính chung 02 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, ước đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa ước tăng 10,1%; Nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh với mức tăng tương ứng 124,4% và 31,6% do nhu cầu hồi phục sau ảnh hưởng của đại dich Covid-19; Dịch vụ khác tăng 16,2%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới,  Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường. 


Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chính chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá.

Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có thể gặp nhiều thách thức. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng cản trở đối với sự hồi phục kinh tế.

Theo Công thương

Gia Hân