Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:52 PM (GMT+7)

Tín hiệu từ Fed "nhấn ga" cho chứng khoán thế giới

2024-03-21 22:25:32

Thị trường chứng khoán châu Á và nhiều nơi khác trên thế giới tăng mạnh mẽ hôm nay 21/3 nhờ những tín hiệu tích cực về giảm lãi suất từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp vừa diễn ra.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch hôm nay với mức tăng 812 điểm (2.03%) lên 40,815.66 điểm, cao hơn kỷ lục cũ trong ngày 4/3. Những cổ phiếu mạnh như Hitachi và Mitsui & Co. tăng hơn 4%.

Tín hiệu từ Fed "nhấn ga" cho chứng khoán thế giới  - Ảnh 1.

Nụ cười xuất hiện tại sàn chứng khoán New York (Mỹ) trong phiên 20/3. Ảnh: Reuters

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng vọt lên mức đóng cửa cao kỷ lục ở 2,754.86 điểm, theo kênh CNBC (Mỹ). Qua đêm, chứng khoán Mỹ tăng kịch trần. Chỉ số Dow Jones tăng thêm 400 điểm, tương đương 1,03%. S&P 500 tăng 0,89% để lần đầu tiên vượt qua mốc 5.200 điểm; chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,25%.

Yusuke Sakai, chuyên viên cấp cao tại T&D Asset Management, nói với báo Nikkei Asia của Nhật vào hôm nay: "Tuần trước, các hợp đồng tương lai đã dẫn dắt đà giảm vì giới đầu tư kỳ vọng đồng Yên tăng giá và chứng khoán suy giảm sau cuộc họp chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, nhà đầu tư mới đã gia nhập thị trường trong đợt giảm tuần trước”.

Trong 3 ngày giao dịch vừa qua, chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 2,000 điểm, cho thấy nhà đầu tư ngắn hạn đã trở lại thị trường. Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng làm màu xanh "hy vọng" tràn ngập lục địa già, theo các báo quốc tế.

Fed phát tín hiệu "bồ câu": 3 lần cắt lãi suất

Đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu diễn ra sau cuộc họp chính sách của hai ngân hàng trung ương quan trọng trên thế giới là Fed từ Mỹ và BoJ -- Ngân hàng trung ương Nhật Bản. 

FOMC, cơ quan làm chính sách của Fed, vừa quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng vẫn dự báo có 3 đợt hạ lãi suất trong năm nay. Trước cuộc họp đêm qua của Fed, giới đầu tư quốc tế sợ rằng các quan chức Fed sẽ giảm bớt số lần hạ lãi suất trong năm nay và có thể hạ lãi suất trễ hơn dự báo của thị trường.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, cho biết áp lực giá cả vẫn còn lớn, nhưng “vẫn chưa thể làm thay đổi câu chuyện về lạm phát. Dù lạm phát đang hạ nhiệt dần nhưng đường đi vẫn còn chông gai”.

Ông cho biết tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 là cao nhưng không quá như tháng 1/2024, là tháng mà Chủ tịch mô tả là cao đến "khủng khiếp”.

“Có lý do để nghĩ rằng số liệu lạm phát của những tháng đầu năm bị tác động của hiệu ứng mùa vụ”, ông nói. “Con số tháng 2 không cao đến mức khủng khiếp”.

Giới đầu tư quốc tế kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ cuối tháng 6/2024. Trong bối cảnh này, BoJ của Nhật vừa chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, kết thúc nhiều năm chỉ biết lãi suất âm.

Theo các nhà phân tích, dù đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản sau 17 năm, nhưng vẫn giữ lãi suất ở mức 0 do phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh. BoJ phải cực kỳ thận trọng trong bất kỳ quyết định tăng chi phí cho vay. BoJ sẽ áp dụng mức phí 0,1% đối với một số tổ chức tài chính dự trữ vượt mức gửi tại BoJ.

Tường Nguyên (tổng hợp)
UOB dự báo tiền đồng có thể phục hồi nhẹ nhờ Fed

UOB dự báo tiền đồng có thể phục hồi nhẹ nhờ Fed

Việc đồng USD sẽ giảm giá trước đợt cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 6/2024 sẽ mang lại sự phục hồi nhẹ cho tiền đồng của Việt Nam, theo dự báo mới nhất của ngân hàng UOB Singapore.