Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:19 PM (GMT+7)
Tìm cách thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
2022-08-08 18:00:00
Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam đang là bài toán được các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý quan tâm. Đây là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục nghìn cơ sở dịch vụ sống dựa vào ngành du lịch.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm đạt 954.600 lượt người. Trong khi đó, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 là đón 5 triệu lượt khách quốc tế.
Đây là băn khoăn của các doanh nghiệp và địa phương tại Diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam diễn ra tại TP.HCM ngày 8/8. Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải thu hút khách quốc tế, phát triển toàn diện ngành du lịch Việt Nam sau Covid-19.
Khách quốc tế đến Việt Nam còn khiêm tốn
Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết gần đây, gặp một số đối tác, bạn bè đều nhận được câu hỏi du lịch tốt rồi phải không, hết khó rồi phải không bởi các kết quả khởi sắc của ngành gần đây được thông tin liên tục.
Ông cho biết thực tế, ngành du lịch chỉ mới đỡ hơn sau dịch nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thấy rõ khi du lịch nội địa bùng nổ dẫn đến khó khăn về nhân lực, quá tải hạ tầng. Trong khi đó, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn.
"Chúng tôi xác định ngành du lịch theo mô hình kiềng 3 chân, gồm nội địa, khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách Việt đi nước ngoài. Khi nào phục hồi cả ba thì du lịch mới mới phục hồi hoàn toàn", ông Tài nói.
Bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours, cho rằng để thu hút khách quốc tế, trước mắt cần giải quyết hai vấn đề là nhân lực du lịch và cơ sở hạ tầng du lịch, ngay khi phục vụ khách nội địa tăng đột biến đã thấy quá tải.
Bà Lan kể công ty của bà tổ chức cho đoàn khách MICE 600 người đến TP.HCM, lưu trú tại một khách sạn 5 sao nhưng phải tới 11h đêm mới có phòng cho khách. Nguyên nhân vì không phải hết phòng mà là không có người dọn phòng.
Tình trạng quá tải trong ngành du lịch cũng xảy ra tại nhiều địa phương. Vì vậy, đợt cao điểm hè, có lúc công ty không dám nhận khách vì không cung cấp được dịch vụ.
Bà Lan cho rằng có một thực trạng là ngành du lịch hiện nay chỉ tập trung vào một số điểm du lịch nhất định dẫn đến quá tải. Thay vì vậy, cần quảng bá, thu hút du khách để phát triển đồng đều hơn. Điều này đòi hỏi cần có sự liên kết của các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn.
Giải pháp nào thu hút khách quốc tế đến Việt Nam?
Về phía doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Travel Mart, kiến nghị cơ quan quản lý cần sớm trao đổi với cơ quan ngoại gia các nước, nhất là một số thị trường lớn lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… về mở cửa song phương, đón khách quốc tế.
Ông đề xuất cần có cơ chế về xúc tiến vùng, bởi thời gian qua, hoạt động liên kết diễn ra rầm rộ nhưng cơ chế trong việc xúc tiến du lịch vùng vẫn chưa được thuận lợi. Các địa phương vẫn có tâm lý xúc tiến cho du lịch trong tỉnh, thiếu sự liên kết thực sự.
Chủ tịch Travel Mart cho rằng từ Trung ương đến địa phương cần sớm các hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng như hoàn thiện các vướng mắc hiện nay, bởi lượt tìm kiếm du lịch Việt Nam tăng cao, đứng top đầu thế giới. Đây sẽ là cơ hội cho du lịch Việt Nam trở lại đường đua đón khách quốc tế.
Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo làm sao có thể đào tạo nhân lực trong ngành du lịch một cách nhanh hơn, bao gồm đào tạo mới, đào tạo lại, cập nhật bổ sung kiến thức để đáp ứng nhu cầu cấp bách của ngành du lịch hiện nay. Về lâu dài, mở rộng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác quốc tế.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải liên kết để phát triển. Sự liên kết này phải đi vào thực chất, trong đó, doanh nghiệp phải giữ vai trò kết nối, xây dựng trên mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch điểm đến, quy hoạch khu du lịch. Ở cấp Bộ, cấp quốc gia sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể để tạo điều kiện cho kết nối, thu hút đầu tư, cùng với đó rà soát lại chính sách hiện hành, xem ở đâu là điểm nghẽn để kiến nghị tháo gỡ.