Thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu
Ông Tùng cho biết: "Dù là cường quốc về sản xuất và xuất khẩu gạo của thế giới nhưng sản phẩm chế biến sâu (vốn là tiền đề để đạt chứng nhận OCOP - chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") từ ngành lúa gạo cũng chỉ dừng lại ở các loại sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản như: Nàng thơm Chợ Đào hay ST25, tức là thiếu vắng những sản phẩm chế biến sâu từ gạo".
Ông Tùng cho rằng, trong khi Việt Nam thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu từ gạo thì các quốc gia khác đã tạo ra rất nhiều sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.
"Sản phẩm từ gạo như nước uống từ gạo, xà bông, son môi…, đã được Thái Lan sản xuất, bày bán rất nhiều. Đi tới chỗ tham quan cánh đồng lúa gạo của Thái Lan họ chỉ bán một ít gạo thôi nhưng có đến khoảng 30 sản phẩm kèm theo được sản xuất từ gạo" - ông Tùng cho biết.
"Sản phẩm từ gạo như nước uống từ gạo, xà bông, son môi…, đã được Thái Lan sản xuất, bày bán rất nhiều. Đi tới chỗ tham quan cánh đồng lúa gạo của Thái Lan họ chỉ bán một ít gạo thôi nhưng có đến khoảng 30 sản phẩm kèm theo được sản xuất từ gạo".
Ông Lê Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Trồng trọt
TS Võ Hồng Tú - Trưởng Bộ môn Kinh tế Xã hội nông thôn, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nhận định, trong thời gian qua, hầu hết các tổ chức kinh tế tham gia OCOP thiếu kinh nghiệm kinh doanh, quy mô sản xuất còn nhỏ, vốn ít, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài ra, còn thiếu kiến thức về quản lý điều hành hoạt động tổ chức sản xuất; năng lực lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Chưa dừng lại ở đó, theo TS Tú, nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chưa có địa điểm tổ chức sản xuất tập trung, đặc biệt là các cơ sở chế biến, nhiều đơn vị kết hợp giữa nơi sản xuất và nhà ở, điều kiện tiêu chuẩn về nhà xưởng còn hạn chế, chưa đạt các tiêu chuẩn về chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP, ISO,...
"Việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến chậm được triển khai, dẫn đến một số đơn vị sản xuất không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, một số bao bì và nhãn mác của sản phẩm dự kiến chuẩn hóa OCOP còn hạn chế và chưa đẹp mắt cũng như thiếu tính thuận tiện" - ông Tú nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần V cho biết, Chương trình OCOP là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai, nhận thức của cả cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ, việc xác định một số sản phẩm OCOP và ngành hàng lúa gạo Việt Nam để chuẩn hóa vẫn chưa xuất phát từ chính nhu cầu của các chủ thể, kết quả mỗi địa phương khác nhau và chưa đạt được kỳ vọng.
Nâng chất, đa dạng hóa sản phẩm gạo
Ông Trần Thế Như Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mekong Cần Thơ cho rằng, Chương trình OCOP nếu phát triển đúng sẽ đóng góp rất quan trọng vào phát triển GDP của các địa phương, giải quyết chuỗi liên kết sản phẩm không riêng ngành hàng lúa gạo mà còn ở các ngành nông nghiệp khác, giúp giải quyết việc làm ở địa phương, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm…
Trước bối cảnh hội nhập, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, theo ông Hiệp, một mặt đòi hỏi chất lượng sản phẩm cũng phải được nâng lên thì cần đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước.
"Nếu thực hiện đúng và tốt sẽ góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân"- ông Hiệp nhấn mạnh.
Ngoài ông Hiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.
Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.
Đối với các sản phẩm OCOP liên quan đến ngành hàng lúa gạo, có ý kiến cho rằng, cần chú trọng đa dạng hóa sản phẩm từ gạo, xây dựng thương hiệu gắn với các câu chuyện về hành trình xây dựng và phát triển sản phẩm để nâng giá trị, ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới…