Vậy làm thế nào để tái đàn hiệu quả, những điều kiện kỹ thuật chuồng trại khi tái đàn ra sao?. Để giải đáp những thắc mắc này của các chủ trang trại, Trang Trại Việt số này triển khai chuyên đề về tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi.
Đó là lời khuyên của nhiều chuyên gia, chủ trang trại chăn nuôi có kinh nghiệm khi thấy nhiều nông hộ đã tính đến chuyện tái đàn lợn khi dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến vô cùng phức tạp.
3 – 6 tháng tới: Đừng tính chuyện tái đàn
Vừa thiệt hại hơn 2 tỷ đồng do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) quét qua trang trại nhưng từ nay đến cuối năm 2019, anh Nguyễn Đăng Cường – Giám đốc Công ty TNHH Lucavi (Bắc Ninh) vẫn chưa tính đến chuyện tái đàn lợn dù anh dự đoán, đến cuối năm giá thịt heo sẽ tăng do nguồn cung thiếu hụt.
“Dịch tả lợn châu Phi quét qua, trang trại của tôi buộc phải tiêu hủy 338 con lợn, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng, hiện trong chuồng chỉ còn 2 con sống sót. Dù vậy, tôi chưa tính đến chuyện tái đàn trong thời gian tới” – anh Cường nói.
Theo anh Cường, trong thời gian từ 3 – 6 tháng tới, người chăn nuôi đừng tính đến chuyện tái đàn bởi virus vẫn tồn lưu trong môi trường, hiện đang bước vào mùa mưa virus càng có điều kiện phát tán, chỉ cần tái đàn dịch sẽ lại bùng phát.
“Trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, các biện pháp an toàn sinh học chưa được thực hiện nghiêm túc thì người dân không nên vội vàng vì những hố chôn lợn đang là một ổ bệnh khổng lồ, chỉ cần có cơ hội là phát tán” – anh Cường nói thêm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các con vật khác chờ dịch đi qua, không nên nôn nóng tái đàn thời điểm này.
"Đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh DTLCP), sau 30 ngày không phát sinh dịch mới được tái đàn. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm" - ông Sơn nhấn mạnh.
Tự ý tái đàn, lợn nhiễm bệnh sẽ không được hỗ trợ
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quản lý việc tái đàn lợn trong thời gian diễn ra bệnh DTLCP.
Theo đó, các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh DTLCP (thôn, xã), sau 30 ngày không phát sinh dịch mới được tái đàn. Khi tái đàn phải đảm bảo yêu cầu: Lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, phải xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc được giám sát bệnh định kỳ theo quy định. Lợn vận chuyển từ các tỉnh ngoài phải có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh, phải có xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP. Khi nhập lợn về phải nhốt riêng đàn lợn mới mua 5 - 7 ngày để theo dõi. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm.
Trong khi đó, Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các địa phương giám sát nghiêm túc việc tái đàn lợn của người dân dù toàn tỉnh đã có khoảng 30 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện công bố hết dịch, nhưng chưa nên tái đàn do vẫn đang nằm trong vùng bị dịch uy hiếp. Chính vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh quy định, nếu các hộ dân ở đây tự ý tái đàn mà xảy ra dịch sẽ không được nhận tiền hỗ trợ.
Các cơ sở chăn nuôi được phép tái đàn phải tuân thủ theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và văn bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly để bảo đảm không ủ bệnh và ngăn chặn dịch bệnh mới lây lan. Định kỳ phun thuốc sát trùng quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất mỗi tuần/lần khi không có dịch bệnh. Phải sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển; vệ sinh máng ăn, máng uống hằng ngày.