Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:28 PM (GMT+7)

Tắc nghẽn tín dụng, nguồn vốn FDI là "hy vọng" của nhà đầu tư bất động sản

2022-11-22 20:30:00

Việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ dòng vốn FDI được các chuyên gia đánh giá là khả thi bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam hiện vẫn rất lớn.

Nhiều nhà đầu tư bất động sản sẽ rút khỏi thị trường vì đói vốn

Thời gian qua, thị trường bất động sản khá trầm lắng, ảm đạm. Kể từ quý 3/2022, hầu hết các phân khúc thị trường dường như tê liệt khi dòng vốn lưu thông trên thị trường ngày càng khô hạn.

Doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh "đói vốn", phải chật vật xoay mình tìm cách duy trì sự tồn tại. Giao dịch suy giảm mạnh, thậm chí không có thanh khoản tại một số khu vực khiến thị trường trầm lắng.

Thêm vào đó, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần tăng lãi suất và tăng trần lãi suất tiền gửi. Trong lần điều chỉnh cuối ngày 24/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.

Tắc nghẽn tín dụng, nguồn vốn FDI là "hy vọng" của nhà đầu tư bất động sản - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh "đói vốn" vì thắt chặt tín dụng. Ảnh: H.T

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến hết quý 3/2022 đạt 10,5% rất gần mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng. Với kết quả này, hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ còn khoảng 3,5% cho quý cuối năm. Với hạn mức này, tín dụng sẽ tập trung ưu tiên mục đích cho và sản xuất - kinh doanh và các dịch vụ liên quan.

Các chuyên gia nhận xét Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, từ đó tăng trưởng một cách lành mạnh và bền vững hơn trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, tình trạng này giới hạn khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước của các doanh nghiệp bất động sản.

Các nhà đầu tư cũng như đơn vị phát triển bất động sản đang bị đẩy vào một giai đoạn đầy thách thức khi những kênh huy động vốn như phát hành trái phiếu, tín dụng, thị trường chứng khoán đều bị gián đoạn.

Ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam phân tích việc Chính phủ chủ động siết chặt các kênh huy động vốn như trái phiếu, tín dụng sẽ có những tác động ngắn hạn nhất định đến nhiều ngành nghề kinh doanh, sản xuất và dịch vụ trong nước; trong đó có bất động sản. Nhưng đổi lại, thời gian tới sẽ có một thị trường tài chính minh bạch, tăng uy tín trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng này lại được nhận định sẽ gây khó khăn "kép" cho ngành bất động sản bởi các kênh huy động vốn đều bị gián đoạn.

Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cho rằng bên cạnh vấn đề về nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều trở ngại cả về khách quan và chủ quan. Cụ thể như lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và chi phí xây dựng.

Tắc nghẽn tín dụng, nguồn vốn FDI là "hy vọng" của nhà đầu tư bất động sản - Ảnh 3.

Nhiều nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Ảnh: H.T

Cùng đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài trong việc triển khai dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án. Đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất. Đây là vướng mắc lớn nhất của thị trường và đã tồn đọng trong nhiều năm qua.

"Thời gian tới, nhiều nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Nếu đến năm 2023, Nhà nước không có chính sách nới lỏng room tín dụng thực sự, thị trường bất động sản sẽ có sự bán tháo, giá giảm… khi nhà đầu tư không thể "gồng" được nữa", ông Quang cho hay,

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu nhận định thị trường bất động sản hiện nay đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cụ thể như dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn...

Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA cho biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.

Điểm sáng của thị trường bất động sản dựa vào nguồn vốn FDI

Để đảm bảo ngành bất động sản duy trì tốc độ phục hồi ổn định cũng như nguồn cung ở các phân khúc để phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, ông Neil MacGregor cho rằng, việc huy động dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ là giải pháp khả thi cho các doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9, tổng FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, dù vốn đầu tư đăng ký mới giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, có 1.355 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 11,8% so với cùng kỳ); có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD (tăng 29,9% so với cùng kỳ)...

Tắc nghẽn tín dụng, nguồn vốn FDI là "hy vọng" của nhà đầu tư bất động sản - Ảnh 4.

Việc huy động dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ là giải pháp khả thi cho các doanh nghiệp. Ảnh: H.T

Theo ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam để đảm bảo ngành bất động sản duy trì tốc độ phục hồi ổn định cũng như nguồn cung ở các phân khúc, giải pháp huy động vốn "tiềm năng" cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

"Trong khi các kênh huy động vốn đều không khả thi, các doanh nghiệp nên tìm đến kênh vốn đầu tư nước ngoài như một giải pháp phù hợp. Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất - chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay", ông Neil MacGregor nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nên chủ động xây dựng và cải thiện hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn là giải pháp căn cơ hướng đến một chiến lược vốn tối ưu thay vì khi có nhu cầu huy động vốn mới thực hiện.



Hồng Trâm