dd/mm/yyyy

Sơn La với chiến dịch Điện Biên Phủ

Năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước quyết toàn thắng trong chiến dịch lịch sử này. Trong đó, Sơn La được xác định là hậu phương trực tiếp và là tiền phương từ hướng Nam của mặt trận Điện Biên Phủ.

Mở đường tiếp tế chiến dịch Điện Biên Phủ

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng quân ủy Trung ương, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La cùng với cả nước đã thi đua chuẩn bị nhân vật lực và phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Căn cứ yêu cầu của Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương và khả năng của địa phương, tỉnh Sơn La được Khu ủy Tây Bắc giao mức huy động 2.545 tấn gạo, 60 tấn thịt, 5 tạ mỡ, 12.000 dân công. Phối hợp chống địch phá hoại, bảo đảm giao thông - đường 13 từ chân đèo Lũng Lô (Yên Bái) đến Mai Sơn (trong đó có trọng điểm Ngã ba Cò Nòi thuộc huyện Mai Sơn) với chiều dài 179 km và đường 41 từ giáp Hòa Bình đến Tuần Giáo, dài 271 km.

Mặc dù mới được giải phóng, còn nhiều khó khăn chồng chất, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị phục vụ chiến dịch, động viên nhân vật lực trong toàn tỉnh, góp phần tích cực vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã khẩn trương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân các dân tộc đẩy mạnh khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội trọng tâm là tăng gia sản xuất, tiến hành cứu đói, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng nhằm bồi dưỡng sức dân, tăng thêm khả năng đóng góp cho tiền tuyến.

Cựu chiến binh Lê Công Bỉnh, sinh năm 1930, 68 năm tuổi Đảng, người từng tham giam gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cho biết: Thời điểm đó, Tỉnh ủy Sơn La đã chủ trương giải phóng đến đâu thì tạm chia ruộng công, ruộng của Việt gian đã bỏ chạy cho nhân dân đến đấy. Những chủ trương, biện pháp đúng đắn đã động viên, khích lệ phong trào cách mạng, làm biến đổi sâu sắc chế độ xã hội và con người Sơn La, góp phần quan trọng ổn định chính trị, củng cố an ninh trật tự, động viên được toàn thể nhân dân tích cực sản xuất, chuẩn bị phục vụ cho trận quyết chiến chiến lược với kẻ thù ở Điện Biên Phủ.

Sơn La với chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Ngã ba Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hôm nay, nơi từng là vị trí giao thông chiến lược chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cùng với tập trung khôi phục sản xuất, chấp hành chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngay từ tháng 11/1953, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã triển khai kế hoạch chuẩn bị phục vụ cho chiến cuộc Đông xuân 1953 - 1954 trên từng lĩnh vực, trong đó nhiệm vụ bảo vệ vùng mới giải phóng, trọng tâm là phối hợp tổ chức truy quét tiêu diệt các cụm phỉ ở các địa bàn thuộc vùng sông Mã, Mường La, Thuận Châu, nhằm củng cố vững chắc hậu phương, phục vụ chiến dịch.

Sơn La đã tập trung triển khai chỉ thị đặc biệt của Khu ủy Tây Bắc về công tác tiễu phỉ, Đảng bộ Sơn La đã tích cực chỉ đạo kế hoạch tiễu trừ phỉ làm trong sạch địa bàn. Đến tháng 11/1953, hầu hết các cụm phỉ, ổ phỉ từ Mường Lầm (Sông Mã) đến Thuận Châu (vùng tả ngạn sông Đà) đã giải quyết xong. Đường 41 qua Sơn La lên Lai Châu an ninh trật tự xã hội được bảo đảm. Ta bắt, diệt và gọi hàng hơn 2.400 tên phỉ, thu trên 1.000 khẩu súng các loại, bắt sống nhiều tên trùm phỉ gian ác, trong đó có cả chỉ huy phỉ là quan hai Pháp.

Thời điểm này, đồng bào các dân tộc càng tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, hăng hái tham gia đóng góp cho kháng chiến giành toàn thắng. Đồng thời với việc chỉ đạo tiễu phỉ, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Sơn La đã khẩn trương tham gia phối hợp triển khai "chiến dịch mở đường" để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tỉnh Sơn La đã tăng cường lãnh đạo và điều động những cán bộ có năng lực, nhiệt tình phụ trách công tác chỉ đạo, huy động nhân công tham gia tu sửa đường, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm cho xe ô-tô vận chuyển vũ khí, quân nhu phục vụ chiến đấu. Tỉnh Sơn La được giao nhiệm vụ bảo đảm tuyến đường 13 từ phía Đông tỉnh Yên Bái đến Cò Nòi (Mai Sơn) và đường 41 từ địa bàn Mộc Châu lên Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (cũ). Đây là đoạn đường khó khăn, có nhiều đèo, núi đá, cầu ngầm qua suối, có bến phà Tạ Khoa, các trạm, cụm kho dọc đường, đặc biệt điểm nối giữa đường 13 và đường 41 tại ngã ba Cò Nòi - là toạ độ lửa, một trọng điểm bắn phá của địch.

Để bảo đảm kế hoạch, tỉnh Sơn La đã giao chỉ tiêu từng đoạn và số lượng dân công cho các huyện phụ trách. Toàn tỉnh đã huy động hơn 2 triệu ngày công. Lực lượng dân công thường xuyên trên mặt đường gần 2 vạn người. Nam, nữ thanh niên các dân tộc trong tỉnh với ý chí cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn đã không quản thời tiết nắng, mưa, vượt đèo cao, suối sâu, bất chấp mọi sự đe dọa của đạn bom, máy bay bắn phá, bằng các dụng cụ thô sơ ngày đêm có mặt trên đường để thực hiện nhiệm vụ.

Riêng bến phà Tạ Khoa thường xuyên bị máy bay oanh tạc, có đợt chúng đánh phá mấy ngày liền, nhưng với tinh thần tất cả vì thắng lợi của chiến dịch, cán bộ và dân công bến phà vẫn dũng cảm, không quản nguy hiểm, hy sinh, tổ chức vận hành phà đúng giờ ấn định, tốc độ di chuyển nhanh (luôn bảo đảm từ 15 phút đến 20 phút một chuyến), bảo đảm mỗi ngày đêm vận chuyển an toàn 25 đến 35 lượt vượt sông, luôn vượt mức từ 200% đến 500% trong mọi tình huống.

Sơn La với chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Ngày 14/7/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm tâm linh Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.

Sơn La góp phần nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Song hành với nhiệm vụ mở đường và bảo đảm giao thông thông suốt là công tác vận tải, cung cấp hậu cần cho chiến dịch. Đây là nhiệm vụ quan trọng và hết sức nặng nề nhằm bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi, đặc biệt Điện Biên Phủ là chiến dịch diễn ra xa hậu phương, việc cung cấp hậu cần rất khó khăn. Phương châm của Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương là: Tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến, triệt để huy động tại chỗ là chính. Vì đưa gạo, thực phẩm ở hậu phương xa lên không dễ dàng và còn phải có thời gian huy động, tổ chức vận chuyển.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể, 94 tuổi, sinh ra và lớn lên tại xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, lính thông tin tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện sinh sống ở bản Xi Măng, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, chia sẻ thêm: Ngày đó, nhờ được tuyên truyền, giáo dục, thấy rõ ý nghĩa quan trọng của chiến dịch, mặc dù đời sống còn rất khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc Sơn La vẫn hăng hái đóng thuế vụ mùa năm 1953 và vụ chiêm năm 1954 vượt kế hoạch. Nhiều nơi đồng bào tự nguyện đăng ký cho Chính phủ vay thêm để bộ đội ăn no đánh thắng, tiêu biểu là đồng bào H'Mông, Khơ Mú ở xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn) lúc bấy giờ được miễn thuế nông nghiệp nhưng đã hăng hái cho Chính phủ vay vượt mức 400 kg gạo. Nhân dân xã Chiềng Chung mới hồi cư về, không thuộc diện cho vay, khi hoàn thành đóng thuế đã xung phong cho Chính phủ vay 2 tấn thóc…

Nhiều cơ sở đã tổ chức giúp nhau giã gạo để kịp cho bộ đội vay. Đồng bào dọc đường giao thông còn tích cực trồng rau xanh, các đơn vị hậu cần đã cung cấp hàng tấn hạt giống, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng rau, đậu, làm giả đỗ cung cấp cho bộ đội. Để bộ đội bảo đảm sức khỏe, đồng bào các địa phương còn xung phong bán hoặc cho Chính phủ vay trâu, bò, lợn làm thực phẩm.

Sơn La với chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 3.

Khu vực bến phà Tạ Khoa hôm nay, nơi thường xuyên bị máy bay oanh tạc, từng bảo đảm mỗi ngày đêm vận chuyển an toàn 25 đến 35 lượt vượt sông phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tổng cộng cả 5 đợt huy động, tỉnh Sơn La đã thực hiện vượt mức nhiệm vụ trên giao. Kết quả, tỉnh đã huy động được 2.744 tấn gạo, vượt 199 tấn, 73 tấn thịt, vượt 13 tấn, và gần 140 tấn rau các loại. Ngay trong đợt đầu, các huyện Phù Yên đã huy động đạt 640 tấn, vượt kế hoạch 190 tấn, huyện Mường La đạt 630 tấn, vượt 200 tấn. Riêng huyện Thuận Châu là huyện giáp mặt trận Điện Biên Phủ, đồng bào đã đóng góp 532 tấn gạo, vượt 82 tấn.

Về công tác huy động dân công, tỉnh Sơn La cũng đóng góp với mức cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm dân công làm đường 13, 41, làm kho, lán ở các trạm trung chuyển, bốc vác, vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương ra tiền tuyến và phục vụ thương binh. Tổng số dân công đã huy động phục vụ chiến dịch gần 22.000 người (vượt chỉ tiêu 10.000 người) với gần 2 triệu ngày công, có đợt anh chị em phục vụ liên tục trên một tháng ở những trọng điểm ác liệt.

Hàng vạn dân công với những phương tiện mà họ có tham gia phục vụ chiến dịch, từ những chiếc gùi trên lưng, những đôi bồ gánh trên vai đến những chiếc xe đạp thồ, cùng những đoàn xe ô tô vận tải...đã tạo thành một dòng chảy liên tục từ hậu phương ra tiền tuyến, phục vụ kịp thời yêu cầu của chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự chi viện của đồng bào các dân tộc Tây Bắc rất quý, vì ở ngay mặt trận mỗi cân gạo đều có giá trị".

Sơn La với chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 4.

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Cùng thời gian này, nhiều thanh niên yêu nước đã xung phong lên đường tòng quân. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 1954, toàn tỉnh Sơn La đã tuyển 1.043 tân binh bổ sung cho bộ đội chủ lực và các đơn vị bộ đội địa phương, đồng thời xây dựng được 2 tiểu đoàn bộ đội của tỉnh để làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu bảo vệ hậu phương nhằm phối hợp với chiến trường chính.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Navarre và đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải rút khỏi Đông Dương. Sơn La rất vinh dự là chiếc cầu nối từ chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong thế trận liên hoàn đó, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Sơn La đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng được giao, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

PV Tây Bắc