dd/mm/yyyy

Sơn La: Triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Chất lượng nguồn nhân lực của Sơn La được cải thiện và nâng cao

Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc, nằm trên trục Quốc lộ 6 với diện tích 14.174 km2, lớn thứ 3 cả nước. Tỉnh Sơn La có 12 huyện, thành phố. Dân số của tỉnh hơn 1,2 triệu người, gồm 12 dân tộc, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 82%.

Lực lượng lao động tỉnh Sơn La tăng dần qua các năm là một nguồn lực dồi dào phát triển kinh tế - xã hội. Dân số trong độ tuổi lao động có khả năng lao động là 748.960 người, chiếm 60,6% tổng dân số.

Sơn La: Triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực  - Ảnh 1.

Để phát triển nguồn nhân lực, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Sơn La đã cho sinh viên đi thực tập trải nghiệm tại Công ty Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Tuệ Linh.

Chất lượng lao động được cải thiện và nâng cao qua các năm. Năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 28% so với tổng số lao động. Đến năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng cao, đạt 59%.

Cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tăng tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Trên thế giới, thị trường việc làm trong năm 2021 đã chứng kiến sự mở rộng của nhiều vị trí việc làm hơn số lượng ứng viên tìm việc. Điều này có nghĩa là người ứng tuyển sẽ có nhiều cơ hội tìm được các công việc tốt.

Trong năm 2022, ngày càng có nhiều người xin việc nhận ra giá trị của họ trên thị trường lao động. Trong vài năm trở lại đây, đại khủng hoảng lao động được định nghĩa là làn sóng nghỉ việc ồ ạt trên toàn cầu vì người lao động đã trải qua một quãng thời gian quá căng thẳng vì đại dịch Covid-19.

Đại khủng hoảng kết hợp với việc chi phí sinh hoạt tăng, dự kiến rằng các ứng viên sẽ yêu cầu mức lương cao hơn mức họ có thể đạt được trước đây.

Một trong những xu hướng mới trên thị trường lao động đó là sức ảnh hưởng ngày càng lớn của công nghệ. Những bước chuyển lớn sang làm việc từ xa đồng nghĩa với việc nhiều công ty sẽ hướng tới tự động hóa.

Sơn La: Triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực  - Ảnh 2.

Sinh viên Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Sơn La thực hành tháo lắp hộp số tự động ô tô. Ảnh: Tuệ Linh.

Để đáp ứng được nhu cầu này, các công ty sẽ hướng tới việc tiếp cận với các tổ chức cung cấp dịch vụ tự động. Người lao động cũng cần hiểu về dữ liệu và các công nghệ sẵn có để tận dụng dữ liệu.

Khi điện toán đám mây và làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn, những công nghệ này sẽ trở nên quan trọng hơn đối với người lao động. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ song hành với việc tăng cường tự động hóa trong hoạt động doanh nghiệp bởi AI và học máy có thể được sử dụng để cải thiện độ chính xác và kết quả trong các tác vụ tự động.

Triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Đó là: Nâng cao nhận thức về thị trường lao động; tạo chính sách, đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp, người lao động và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực; tăng cường huy động, thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động; tạo điều kiện phát triển các ngành đào tạo.

Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo; có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.

Chú trọng đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và nhất là người lao động.

Tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đào tạo theo mục tiêu ưu tiên và thực hiện công bằng xã hội. Khuyến khích xã hội hóa trong công tác phát triển nguồn nhân lực

Đẩy mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường; đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.

Quan tâm thực hiện dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước với nước ngoài.

Tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân yên tâm làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định. Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp.

Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để phát triển nguồn nhân lực.

Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật,... đáp ứng hội nhập với thị trường lao động thế giới. Rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thực hiện hiệu quả Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025.

Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động.

Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững. Rà soát nguồn kinh phí, tiếp tục tăng cường đầu tư cho đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuệ Linh