Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:01 PM (GMT+7)
Siêu dự án chống ngập bị "mắc cạn" ở TP.HCM
2024-03-20 15:57:49
Siêu dự án ngăn triều chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM đã thi công được hơn 90% đến cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ” do bị vướng về thu xếp vốn.
Chống ngập nhưng "mắc cạn" 3 năm
Ngày 20/3, thông tin từ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam - nhà đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), cho biết vẫn chưa thể thi công trở lại sau 3 năm tạm dừng.
Hiện nay vướng mắc lớn nhất của dự án là phương án thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư.
Theo hợp đồng BT đã ký trước đây giữa nhà đầu tư và UBND TP.HCM, sau khi hoàn thành dự án, thành phố sẽ trả cho nhà đầu tư bằng quỹ đất. Tuy nhiên, do hình thức đầu tư BT bị hủy bỏ khi dự án đang thi công dang dở, nên phải làm lại các thủ tục pháp lý.
Sau đó UBND TP.HCM và nhà đầu tư ngồi lại tìm phương án tháo gỡ bằng việc thanh tiền mặt hoặc quỹ đất nhưng cả 2 phương án đều vướng và chưa tìm được tiếng nói chung.
Mặc khác, UBND TP.HCM và nhà đầu tư chưa xác định được lãi vay phát sinh, điều kiện thanh toán hợp đồng và trách nhiệm của các bên có liên quan.
Theo ước tính của nhà đầu tư, dự án có thể tăng vốn lên 13.211 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 9.976 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng mức đầu tư cuối cùng sẽ được xác định cụ thể sau khi tính toán, rà soát trách nhiệm các bên có liên quan trong việc làm chậm tiến độ dự án.
Do chưa xác định được tổng mức đầu tư điều chỉnh và tiến độ hoàn thành dự án, nên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chưa đồng ý ký kết phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để gia hạn thời gian giải ngân.
Mặc dù suốt từ năm 2018 đến nay, TP.HCM đã cố gắng tháo gỡ các vướng mắc, song vẫn chưa thể thực hiện được.
Chưa biết thời gian tái thi công
Hiện nay, chưa biết ngày cụ thể để thi công trở lại. Sáu cống kiểm soát triều và các công trình phụ trợ vẫn vắng bóng công nhân làm việc khiến một số hạng mục có nguy cơ xuống cấp nếu càng để lâu.
Nhà đầu tư cho biết vẫn đang rất "sốt ruột", mong ngóng ngày tái khởi động dự án sau 3 năm "trùm mền".
Tháng 2/2024, Công ty Trung Nam cũng đã gửi kiến nghị đến Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng quan tâm chỉ đạo gỡ vướng cho dự án.
Cụ thể trong công văn, đơn vị đã kiến nghị Phó thủ tướng quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo cho dự án sớm thi công trở lại, hoàn thành đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh thiệt hại phát sinh lãi vay rất lớn mỗi ngày như hiện nay.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án chống ngập khu vực TP.HCM.
Sau đó, Phó thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - tổ phó tổ công tác, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được phân công về giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án này.
Bên cạnh đó, chủ tịch UBND TP.HCM chủ động chỉ đạo các cơ quan có liên quan của TP xem xét, xử lý kiến nghị của nhà đầu tư.
UBND cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các đơn vị xem xét, giải quyết những vướng mắc mà nhà đầu tư dự án đã kiến nghị.
Trước đó, tại cuộc họp nghe báo cáo về phương án tài chính, quỹ đất thanh toán và thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan dự án, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, khẩn trương tổng hợp, hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận nguồn vốn ngân sách TP ủy thác cho vay. Đồng thời, dự thảo tờ trình UBND TP báo cáo, đề xuất Ban cán sự Đảng, đề xuất phương án chọn.
Về phương án tài chính, UBND PT.HCM đã giao Sở Tài chính có văn bản ý kiến về quy trình ngân sách TP (không sử dụng vốn đầu tư công) chuyển cho HFIC (Quỹ đầu tư phát triển TP) thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho vay dự án và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện trong năm 2024.
Bên cạnh đó giao HFIC khẩn trương hoàn thiện quy trình tiếp nhận nguồn vốn ngân sách và ủy thác cho vay theo đúng đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
3 phương án gỡ vướng mà TP.HCM đưa ra:
Phương án 1, TP.HCM thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành bằng đất và bằng tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận. Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Nhân hàng nhà nước hướng dẫn BIDV chưa thu nợ, tiếp tục cấp vốn để nhà đầu tư hoàn thành dự án. Sau đó, UBND TP.HCM và nhà đầu tư sẽ nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo hợp đồng đã ký.
Phương án 2, Quỹ Đầu tư phát triển TP.HCM (HFIC) cho nhà đầu tư vay để làm dự án.
Phương án 3, HFIC sẽ nhận ủy thác cho nhà đầu tư vay 1.800 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM để thực hiện phần còn lại (theo quy định của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP). Khi công trình nghiệm thu, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng đã ký, sau đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ cho HFIC, rồi HFIC hoàn trả lại ngân sách thành phố.
Theo UBND TP.HCM, phương án 3 là khả thi nhất, vì phù hợp với các quy định của pháp luật.