Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:06 PM (GMT+7)

Siết chặt vi phạm nồng độ cồn, nhiều nhà hàng, quán nhậu thua lỗ, có nguy cơ đóng cửa

2023-12-07 14:49:03

Thời gian qua, TP.HCM đẩy mạnh công tác kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, nhiều dân nhậu hạn chế đến quán, dẫn đến nhiều chủ kinh doanh ế ẩm, giảm đến 80% doanh thu.

Nhà hàng, quán nhậu ế ẩm chưa từng thấy

Nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, anh Nguyễn Đức Lộc - chủ nhà hàng bia tươi ở quận Bình Thạnh - chưa bao giờ thấy nhàn rỗi như năm nay. 

Như thường lệ, mỗi tối trước kia, anh Lộc đang hối hả cùng nhân viên trong quán phục vụ lên bia, thức ăn cho khách. Nhưng nay, suốt 2-3 tiếng đồng hồ từ lúc mở cửa anh chỉ cắm cúi bấm điện thoại. Thi thoảng, anh giật mình đứng dậy khi có người hỏi đường rồi chạy đi. 

"Khoảng 45 ngày qua doanh thu ở nhà hàng tôi giảm 80%. Gần như ít ai đến nhậu, lai rai vài người đến ăn thôi", anh tặc lưỡi. Theo anh Lộc, năm nay, kinh tế khó khăn nhu cầu ăn uống cũng giảm rõ khi khách hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, khó khăn ấy chưa dừng lại khi TP siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, khách lo sợ nên càng ít đến nhà hàng.

"Khó khăn chồng chất khó khăn, vắng chưa từng có tiền lệ", vị chủ nhà hàng nói.


Nhà hàng, quán nhậu ế ẩm, có nguy cơ đóng cửa vì khách sợ “dính” nồng độ cồn - Ảnh 1.

Quán anh Lộc mỗi tối chỉ lác đác vài khách ghé ăn uống. Ảnh: Đức Lộc

Anh Lộc cho biết việc đẩy mạnh ra quân xử phạt những ai tham gia giao thông khi đang sử dụng rượu bia là nên làm. Tuy nhiên, thành phố nên có hướng giải pháp phù hợp để dân kinh doanh dễ thở hơn. "Cuối năm là dịp các nhà hàng, quán nhận tận dụng cơ hội thu lợi nhuận vì có nhiều chương trình thu hút khách. Nhưng với tình hình siết chặt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn như hiện nay, khách e ngại nên chẳng ai đến, cứ kéo dài quán có nguy cơ đóng cửa", anh Lộc bày tỏ.

Hiện anh đã cho 50% nhân viên nghỉ việc vì không đủ chi phí lo toan. Anh cho biết sẽ cố gắng gồng hết tháng 12, nếu không khả quan sẽ phải tạm đóng cửa hai nhà hàng.

Ngoài ra, vị chủ nhà hàng cũng đưa ra kiến nghị bổ sung thêm chính sách khuyến khích các hãng xe ôm công nghệ giảm giá về đêm cho dân nhậu. "Hoặc thay vì siết chặt trong thời gian này thì thành phố nên có phương án giãn cách để các chủ kinh doanh có cơ hội làm ăn", anh Lộc nói thêm.

Anh cũng cho biết, hiện có hai hãng rượu bia bàn với nhà hàng về những chương trình lớn cho dịp Giáng sinh và năm mới. Nhưng với tình hình hiện tại, anh Lộc cũng còn e ngại cho dự án sắp tới vì quán luôn trong tình cảnh ế ẩm. 

"Tôi không biết tình hình này kéo dài bao lâu, làm ra có hiệu quả hay không vì mỗi lần làm chương trình rất tốn kém mà khách không đến thì coi như lỗ", anh Lộc nói.


Nhà hàng, quán nhậu ế ẩm, có nguy cơ đóng cửa vì khách sợ “dính” nồng độ cồn - Ảnh 3.

Nếu kéo dài tình trạng như hiện nay, nguy cơ hai quán của anh Lộc sẽ ngưng hoạt động. Ảnh: Đức Lộc

Những nơi vốn được ví là "thiên đường ăn nhậu" như: đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Tấn Phát... ngày cuối tuần cũng như ngày thường đều chung cảnh vắng vẻ. Bàn ghế được dọn, sắp xếp ngay ngắn nhưng chỉ lác đác vài khách.

Theo chủ các quán nhậu, tình trạng ế ẩm đã diễn ra lâu nay. Tuy nhiên, gần đây lượng khách sụt giảm nghiêm trọng hơn vì việc siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn.


Thay đổi mô hình kinh doanh nếu kéo dài thua lỗ

Anh Nguyễn Đình Tùng, chủ quán lẩu dê ở quận Bình Thạnh cũng cho hay doanh thu những ngày qua giảm 20-30%, vắng khách chưa từng thấy. Anh Tùng cho hay, mỗi ngày quán phục vụ khoảng 300 khách, có khi hơn vào dịp đặc biệt như lễ. "Nhưng đến thời điểm hiện tại nhân viên còn nhiều hơn khách đến", anh nói.


Nhà hàng, quán nhậu ế ẩm, có nguy cơ đóng cửa vì khách sợ “dính” nồng độ cồn - Ảnh 4.

Lượng khách đến quán giảm 20-30% từ những ngày qua. Ảnh: Tùng Nguyễn

Trước tình trạng doanh thu không đủ chi, anh Tùng đã nghĩ cách giữ chân khách, bằng việc tung ra những ưu đãi như: giảm giá 20% món lẩu, tính bia với giá vốn… hay nhận giữ xe qua đêm miễn phí và hỗ trợ khách đặt taxi, xe ôm công nghệ, thậm chí là đưa đón khách tận nhà. Thế nhưng khách vẫn không mặn mà đến.

"Hiện mỗi tháng tôi phải trả 300-400 triệu chi phí mặt bằng, lương nhân viên. Chỉ mong các lãnh đạo có thể tìm hướng đi khác để giúp dân kinh doanh dễ thở, có cơ hội phát triển thời gian tới", anh Tùng bộc bạch.

Nằm ngay khu "Thiên đường ăn nhậu" Phạm Văn Đồng, quán nướng Ngói Sài Gòn của anh Quang cũng không mấy khởi sắc. Anh Quang cho biết, tình hình kinh doanh đang tuột dốc, nhất là từ tháng 6/2023 đến nay. "Lợi nhuận thu về chỉ để đủ bù chi phí nhân viên, mặt bằng, nguyên liệu…", anh nói.


Nhà hàng, quán nhậu ế ẩm, có nguy cơ đóng cửa vì khách sợ “dính” nồng độ cồn - Ảnh 5.

Quán nhậu ở đường Nguyễn Văn Linh cũng cùng chung cảnh vắng vẻ. Ảnh: Minh Tâm

Theo anh Quang, nguyên nhân rõ nhất là kinh tế đang khó khăn, các công ty xí nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự khiến nhiều người về quê mưu sinh, thành phần ở lại cũng hạn chế chi tiêu hoặc chỉ tiêu dùng những nhu cầu thiết yếu. 

"Các ngành nghề kinh doanh đều chậm, đặt biệt là quán nhậu, nhà hàng giảm khách rõ. Mặt khác, gần đây thành phố siết chặt vi phạm nồng độ cồn, các chốt kiểm tra lập ở nhiều tuyến đường, nên tâm lý khách thường hạn chế ăn nhậu hơn", anh chia sẻ.


Nhà hàng, quán nhậu ế ẩm, có nguy cơ đóng cửa vì khách sợ “dính” nồng độ cồn - Ảnh 6.

Quán nướng nằm trên đường Phạm Văn Đồng đìu hiu khách từ lúc 7-8h tối. Ảnh: Nguyễn Quang

Hiện để quán kinh doanh tiếp tục, anh Quang buộc tìm cách đàm phán với chủ nhà xin giảm tiền thuê mặt bằng, cắt giảm chi phí nhân sự… Ngoài ra, anh cũng thay đổi chính sách kinh doanh hiện tại như: Ưu tiên chở khách quen về hoặc đặt ứng dụng xe công nghệ để hổ trợ khách…

"Nếu kéo dài có thể tôi sẽ thay đổi mô hình kinh doanh như từ quán nhậu thành quán ăn uống. Hoặc khó quá thì đành phải ngưng việc kinh doanh hiện tại để tìm cơ hội làm ăn khác", vị chủ quán cho hay.


Trong 9 tháng năm 2023, CSGT TP.HCM đã phát hiện 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Trong đó, có 421 xe ô tô và 93.086 xe máy. trong số này, CSGT đã phạt, tước giấy phép với hơn 93.500 trường hợp…

Nhằm nâng cao năng lực cưỡng chế trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là trong công tác xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn trong hơi thở của người điều khiển phương tiện, PC08, Đội CSGT - TT Công an các quận huyện, TP.Thủ Đức đã tổ chức thực hiện chuyên đề "kiểm tra nồng độ cồn" bằng nhiều hình thức, như: theo kinh nghiệm quốc tế, tuần tra kiểm soát lưu động,...

Quá trình làm nhiệm vụ, CSGT TP.HCM được quán triệt phải xử lý nghiêm với tất cả trường hợp vi phạm theo quan điểm "không có vùng cấm, không ngoại lệ" theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an.

Với trường hợp người lái xe vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, CSGT ghi nhận giấy tờ có liên quan, xác minh; gửi thông báo vi phạm đến cơ quan công tác để tổ chức kiểm điểm, xử lý theo quy định.



Nguyễn Minh
Xử lý khi lái xe né nộp phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn

Xử lý khi lái xe né nộp phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn

Theo luật sư, trường hợp quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hàn.