Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:30 PM (GMT+7)

Shopee bỏ xa đối thủ, Lazada lao đao, TikTok Shop không ngừng mở rộng

2024-01-10 11:38:15

Ngồi tại 1 quán cà phê trong khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) mới vài phút, âm thanh tin nhắn của Shopee không ngừng phát ra từ điện thoại ở các bàn xung quanh.

Và một thanh niên lên tiếng nói cho bàn họ biết chuyện Lazada đang sa thải nhiều nhân sự ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo phân tích về thương mại điện tử Việt Nam do công ty dữ liệu YouNet ECI cập nhật đến cuối tháng 12/2023 cho thấy Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đang chiếm lĩnh thị trường này. Giá trị giao dịch (GMV) trong tháng 11 của 4 sàn trên đạt 31.195 tỷ đồng và doanh thu tháng 11/2023 tăng 9,3% so với tháng 10.

Trong đó, ông lớn Shopee gốc Singapore tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu với 72,7% (gần 3/4). TikTok Shop của TikTok giữ 17,2%, Lazada thuộc hệ sinh thái tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) chỉ chiếm 9%, và nền tảng Tiki của Việt Nam giữ 1,1% còn lại.

Shopee bỏ xa đối thủ, Lazada lao đao, TikTok Shop không ngừng mở rộng- Ảnh 1.

Thị phần của Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki tại Việt Nam tháng 11/2023. Nguồn: YouNet ECI

Mới đây, báo The Edge Singapore đăng bài cho biết Lazada đang sa thải hàng loạt giám đốc cấp cao ở Đông Nam Á (ĐNA), bao gồm Giám đốc kinh doanh chi nhánh Singapore là Brigitte Daubry cùng hàng loạt giám đốc marketing ở các thị trường khác.

Tại Malaysia, Giám đốc điều hành và Giám đốc logistics sẽ bị sa thải cùng với 20% nhân sự tại thị trường này.

Trước khi The Edge Singapore thông tin, tờ Tech In Asia chuyên về thương mại hiện đại cho biết Lazada dự định cắt giảm 30% nhân viên ở khu vực châu Á.

Trước đợt sa thải hàng loạt của Lazada, nền tảng này đã tuyển vào khoảng 10.000 nhân viên ở 6 nước Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore, theo The Edge Singapore. Vì vậy, việc Lazada mạnh tay sa thải ngay trước kỳ Tết âm lịch sự được cho là sẽ tạo nên cú sốc mạnh trên thị trường lao động.

Vì vậy tổ chức Công đoàn Quốc gia Singapore (National Trades Union Congress - NTUC) bày tỏ nỗi thất vọng lớn trong tuyên bố của NTUC vào ngày 5/1, vì Lazada cắt giảm nhân sự mà không thông báo hoặc tham khảo ý kiến của Công đoàn Thực phẩm, đồ uống Singapore (FDAWU) thuộc NTUC.

Vụ việc cũng được chuyển đến Bộ Nhân lực Singapore (MOM). The Edge Singapore cho biết ngày 6/1 là bộ này đã nói chuyện ngay với Lazada và sẽ có "tiến triển" vì MOM muốn quá trình tái cấu trúc của Lazada phải "có trách nhiệm và công bằng", bao gồm những việc như bảo đảm cung cấp cho những nhân viên bị ảnh hưởng "các hỗ trợ đầy đủ và phúc lợi nghỉ việc phù hợp phù hợp với tiêu chuẩn của ngành".

Theo MOM, các nhân viên cũ được trả hai tuần lương cho mỗi năm làm việc của họ, trong khi "tiêu chuẩn là một tháng lương cho mỗi năm làm việc".

Về phía công đoàn, NTUC đề nghị Lazada Singapore nên cân nhắc thời gian sa thải để tránh diễn ra trong giai đoạn Tết âm lịch như hiện nay.

Ra đời năm 2012, Lazada hoạt động ở nhiều nước châu Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam. Năm 2016, Alibaba của Trung Quốc mua lại Lazada và vừa mới rót thêm 600 triệu USD vốn đầu tư vào nền tảng thương mại điện tử này.

Lazada Việt Nam cũng bắt đầu hoạt động năm 2012. Những thay đổi về nhân sự ở thị trường Việt Nam cũng từng gây khó khăn cho Lazada. Năm 2018, ông Max Zhang, cấp phó của Daniel Zhang (CEO Tập đoàn Alibaba) được giao nhiệm vụ điều hành Lazada Việt Nam.

Báo Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời các nguồn tin cho biết Max hiếm khi giải thích các quyết định của mình và buộc cấp dưới nghe lệnh, khỏi cần thắc mắc. Tay này thường xuyên chỉ trích đội ngũ nhân viên, còn thốt ra những lời khó nghe như "tụi bây đang tiêu tiền một cách ngu si", một nhân viên cũ tại Lazada Việt Nam nói với báo này. Max còn hủy các chương trình chuyển hàng miễn phí, khiến nhiều doanh nghiệp và khách hàng phải bỏ sang các nền tảng khác.

Sau các động thái liên quan đến cắt giảm tại Singapore, Lazada chưa có thông báo công khai về nhân sự tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc cắt giảm nhân sự khắp vùng Đông Nam Á sẽ dẫn đến thay đổi trong quy trình làm việc, phân chia lại trách nhiệm và vai trò của nhân sự tại Lazada Việt Nam. Điều này có thể gây ra sự bất ổn và không chắc chắn trong công việc.

Tại khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, TikTok Shop đang chi "đậm" để giành giật thị phần.

Shopee bỏ xa đối thủ, Lazada lao đao, TikTok Shop không ngừng mở rộng- Ảnh 2.

Tiểu thương tại chợ Bến Thành (TP.HCM) livestream bán hàng qua TikTok Shop ngày 15/12/2023. Ảnh: Phúc Minh

Quý 4/2022, TikTok Shop dù mới ra mắt được 4 tháng tại Việt Nam đã có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada Việt Nam. Đến quý 1/2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu. Đến quý 4/2023, TikTok Shop vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau "đại gia" Shopee.

TikTok vừa cam kết đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào liên doanh mới lập giữa họ với nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của tập đoàn GoTo tại Indonesia nhằm cạnh tranh mạnh hơn ở Đông Nam Á thông qua TikTok Shop. GoTo chính thức ra đời tháng 5/2021 bằng việc sáp nhập Tokopedia với Gojek (một trong những đối thủ của Grab).

Theo thỏa thuận, TikTok sẽ mua 75,01% cổ phần Tokopedia với giá 840 triệu USD. Thương vụ đầu tư dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 1/2024.

Theo công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Momentum Works, ước tích TikTok Shop chiếm 13,2% thị phần thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong năm 2023. Tỷ lệ này thấp hơn miếng bánh 17,2% tại Việt Nam của TikTok Shop nêu ở phần trên (do công ty dữ liệu YouNet ECI công bố).

Nguyễn Tường
Vì sao ông Trần Lệ Nguyên bắt tay TikTok để bán hàng mà không phải Shopee, Lazada?

Vì sao ông Trần Lệ Nguyên bắt tay TikTok để bán hàng mà không phải Shopee, Lazada?

Tập đoàn Kido của ông Trần Lệ Nguyên bắt tay TikTok hợp tác cho dự án E2E (Entertainment & Ecommerce) để nắm bắt xu hướng mua hàng online. Vì sao Kido bắt tay TikTok để bán hàng mà không phải Shopee, Lazada?