Thứ Năm, ngày 16/01/2025 09:48 AM (GMT+7)

Sếp lớn và người thân đua nhau "chốt lời" cổ phiếu, nhà đầu tư nên ứng xử thế nào?

2023-10-09 11:20:00

Hàng loạt sếp lớn của các doanh nghiệp và người thân đồng loạt rao bán cổ phiếu với số lượng lớn, thu về hàng trăm tỷ đồng. Động thái bán ra ào ạt của giới lãnh đạo có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư?

Mới nhất, ông Nguyễn Văn Chiến, em rể ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), báo cáo đã bán hết hơn 10,7 triệu cổ phiếu HSG nắm giữ, tương đương 1,74% vốn, giao dịch thực hiện từ ngày 14/9-5/10/2023.

Ông Chiến cho biết mục đích giao dịch nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Sau giao dịch, ông không nắm giữ cổ phiếu nào tại Hoa Sen. 

Sếp lớn và người thân đua nhau "chốt lời" cổ phiếu - Ảnh 1.

Chuyên gia khuyên nghị nhà đầu tư nên lưu ý đến động thái "chốt lời" cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp và người thân. Ảnh: SSI

Động thái thoái sạch vốn của ông Chiến diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HSG chứng kiến nhịp hồi mạnh từ vùng đáy tháng 11/2022. Trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch, thị giá HSG đã đạt đỉnh 17 tháng, ở mức 23.150 đồng/cổ phiếu (phiên 21/9) trước khi quay đầu giảm 23% xuống còn 18.750 đồng/cổ phiếu (kết phiên 6/10).

Lãnh đạo và người nhà ào ạt bán cổ phiếu

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HoSE: CII), vừa đăng ký thoái toàn bộ 6.047.747 cổ phiếu CII, để giảm sở hữu từ 2,13% về còn 0% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/10 đến 8/11. 

Bà Phạm Thị Thúy Hằng, là vợ ông Bình, cũng đăng ký bán toàn bộ 4 triệu cổ phiếu CII, để giảm sở hữu từ 1,41% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/10 đến 8/11.

Lý do được ông Lê Quốc Bình và vợ đưa ra là để chuyển sang đầu tư trái phiếu chuyển đổi mã CII42301 do công ty phát hành. Ước tính, ông Lê quốc Bình và vợ có thể thu về khoảng 187 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.

"Lúc giá cổ phiếu đã tăng lên một đoạn mà các lãnh đạo bán ra, thì dù với một lý do gì đi nữa hành động này cũng cho nhà đầu tư một cái nhìn thận trọng hơn với mức giá trị thực của cổ phiếu này", ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam.

Tại Công ty Công ty CP Tập đoàn Cotana (HNX: CSC), bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị CSC) tiếp tục đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu CSC để giảm sở hữu xuống còn 4,12 triệu cổ phiếu. 

Trước đó, bà Dung cũng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu CSC từ ngày 28/8 đến 26/9, nhưng do điều kiện thị trường chưa phù hợp nên chỉ bán ra 39.000 cổ phiếu CSC.

Ban lãnh đạo Tổng Công ty CP Xây dựng Thủy Lợi 4 (UPCoM: TL4) mới đây cũng đồng loạt đăng ký thoái sạch vốn nắm giữ tại đây.

Cụ thể, ông Chu Quang Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán hơn 356.000 cổ phiếu TL4 (tỷ lệ 2,23%). Đây cũng là toàn bộ số cổ phiếu ông Tuấn đang nắm giữ. Tương tự, ông Lê Vũ Hùng, Tổng Giám đốc TL4 đăng ký bán toàn bộ hơn 156.000 cổ phiếu (tỷ lệ 1,07%) đang nắm giữ.

Cả ông Hùng và ông Tuấn đều có chung lý do: nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch bán cổ phiếu của các sếp  Tổng Công ty CP Xây dựng Thủy Lợi 4 đều thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, trong thời gian từ 6/10-3/11/2023. 

Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn và ông Hùng sẽ không còn là cổ đông tại TL4.

Trước đó, ông Trần Nho Thái, Thành viên HĐQT cũng đã thoái toàn bộ vốn tại TL4, với hơn 808.000 cổ phiếu (tỷ lệ 5,05%) trong ngày 22/9/2023. 

Chiếu theo giá thỏa thuận ngày 22/9, ước tính ông Thái thu về 5,4 tỷ đồng. 

Sếp lớn và người thân đua nhau "chốt lời" cổ phiếu - Ảnh 2.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tranh thủ cổ phiếu lên "đỉnh" để chốt lời, gây tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư. Ảnh: SSI

Xa hơn, trong khoảng thời gian từ 31/8 - 26/9, hai lãnh đạo cấp cao HĐQT Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành (HNX: VTZ), đã bán thành công tổng cộng gần 7,1 triệu cổ phiếu, nhằm mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT VTZ đã bán thành công hơn 2,6 triệu cổ phiếu VTZ với mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Tương tự, ông Phan Văn Quân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VTZ đã bán thành công toàn bộ 4,2 triệu cổ phiếu đã đăng ký trước đó. 

Giá đóng cửa trung bình của cổ phiếu VTZ giai đoạn hai vị này giao dịch ở mức 8.300 đồng/cổ phiếu. Ước tính Chủ tịch cùng Phó Chủ tịch VTZ thu về số tiền lần lượt hơn 21 tỷ đồng và gần 35 tỷ đồng từ giao dịch.

Có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư?

Chuyên gia chứng khoán Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng việc lãnh đạo và người thân bán ra với số lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp mình là câu chuyện không mới trên sàn chứng khoán, và không phải lúc nào cũng khiến cổ phiếu rớt giá. 

Động thái này tùy thuộc vào thời điểm của thị trường, cũng như các yếu tố khác. Vì có rất nhiều giai đoạn lãnh đạo đăng ký bán ra nhưng cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá.

Vì đâu sếp lớn và người thân đua nhau "chốt lời" cổ phiếu? - Ảnh 4.

Các nhà đầu tư mới nên có biện pháp phòng vệ với những mã cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người thân đang ồ ạt bán ra. Ảnh: L. Huy

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng việc này có thể cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Bởi nếu bán ít thì không sao, nhưng nếu bán nhiều thì nhà đầu tư cũng sẽ quan ngại, rằng ngoài mục đích bán đã công bố, liệu hành động bán này có còn ẩn chứa mục địch khác nào không. Chưa kể, việc bán ra cổ phiếu ở vùng giá đã tăng nhiều, có lẽ cung mang lại suy nghĩ không được tích cực của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.

"Lúc giá cổ phiếu đã tăng lên một đoạn mà các lãnh đạo bán ra, thì dù với một lý do gì đi nữa hành động này cũng cho nhà đầu tư một cái nhìn thận trọng hơn với mức giá trị thực của cổ phiếu này", ông Phương nói.

Anh Minh Sơn, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, thì nhận định kinh nghiệm đầu tư của bản thân cho thấy động thái bán cổ phiếu của các sếp doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời cho thấy có thể thị giá một số cổ phiếu đang cao hơn giá trị nội tại. Chưa kể, trong ngắn hạn giá cổ phiếu biến động cũng một phần do lãnh đạo doanh nghiệp ước tính được điểm rơi của kết quả kinh doanh trong quý III này, nên có động thái bán ra.

Anh Sơn cho biết sẽ thận trọng với các cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp bán ra, cũng như các cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó để hạn chế rủi ro, nhất là trong trường hợp thị trường điều chỉnh.

"Các nhà đầu tư mới nên có biện pháp phòng vệ, bằng cách hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ với những mã cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người thân đang ồ ạt bán ra", anh Sơn góp ý.

Quốc Hải
Chứng khoán điều chỉnh bình thường hay bất thường?

Chứng khoán điều chỉnh bình thường hay bất thường?

Sau tháng 9 “tàn sát” nhiều tài khoản nhà đầu tư, thị trường chứng khoán những ngày đầu tháng 10 vẫn chưa yên, tiếp tục xuất hiện những phiên lao dốc cực mạnh.