Thứ Năm, ngày 16/01/2025 03:14 PM (GMT+7)
Sabeco được gì khi 'Bia Saigon' là nhãn hiệu nổi tiếng?
2023-04-13 07:30:00
Thông qua vụ kiện, Sabeco không chỉ đơn giản đã thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình, mà còn khẳng định được vị thế của một thương hiệu lâu năm trên thị trường – một giá trị vô hình khó có thể đong đếm bằng tiền bạc.
Trong phiên sơ thẩm về vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Bia Saigon” hôm 17/3 vừa qua, có hai vấn đề được dư luận quan tâm: hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã cấu thành tội phạm và việc nhãn hiệu “Bia Saigon” của Sabeco được cả tòa án và Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.
Ngày 17/3/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ra phán quyết sơ thẩm về vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Bia Saigon” thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong vụ việc này, các bị cáo gồm một cá nhân và một pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã bị tuyên phạt tổng số tiền 3,7 tỷ đồng.
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) điều chỉnh hành vi cố ý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại. Tội này không hề đề cập đến mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu.
Hay nói cách khác, nhãn hiệu bị xâm phạm nổi tiếng hay không cũng sẽ không hề tác động đến vụ án. Tuy nhiên, quá trình xét xử cho thấy, đại diện Sabeco đã nhiều lần cố gắng chứng minh “Bia Saigon” là nhãn hiệu nổi tiếng, và sau cùng phán quyết của tòa án cũng đã ghi nhận vấn đề này.
Nhất tiễn hạ song điêu?
Vậy động lực nào để Sabeco làm điều đó, khi nó có thể khiến cho vụ án kéo dài một cách không cần thiết?
Nhãn hiệu nổi tiếng là một chế định trao rất nhiều đặc quyền cho chủ sở hữu theo pháp luật sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu thông thường sẽ chỉ được bảo hộ trong phạm vi hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự, đồng thời giới hạn ở quốc gia đăng ký bảo hộ. Điều này được hiểu là nếu một dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ nhưng sử dụng cho hàng hóa/dịch vụ không liên quan, thì cũng không bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Tuy nhiên, chế định nhãn hiệu nổi tiếng cho phép chủ thể quyền phá bỏ giới hạn đó, bảo hộ cho cả các nhóm hàng hóa/dịch vụ không liên quan, ở cả quốc gia mà nhãn hiệu đó chưa được đăng ký hay sử dụng, và có thể kéo dài vô thời hạn nếu chủ sở hữu duy trì được sự nổi tiếng.
Cơ chế này từ lâu cũng đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận, chẳng hạn như trường hợp của hai thương hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu “McDonald’s” và “Pizza Hut”.
Năm 1992, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ động từ chối cấp nhãn hiệu “McDONALD’s” cho đơn đăng ký của một doanh nghiệp Úc. Năm 1993, Cục tiếp tục hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu “Pizza Hut” cũng cấp cho doanh nghiệp trên theo khiếu nại của chủ sở hữu tại Mỹ, đều vì lý do nhãn hiệu nổi tiếng, dù nhãn hiệu đó thậm chí còn chưa được đăng ký hay sử dụng ở Việt Nam.
Thông lệ của pháp luật quốc tế cũng như quy định của pháp luật Việt Nam không đưa ra thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng. Hiện nay, chỉ có hai hình thức công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc bởi Cục Sở hữu trí tuệ thông qua hoạt động cấp hay từ chối, giải quyết khiếu nại đơn đăng ký nhãn hiệu; hoặc bởi tòa án thông qua tố tụng, chủ yếu là hành chính hoặc dân sự. Từ đó, phải chăng phía Sabeco đang “mượn” vụ án để “Bia Saigon” được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng!?
Nhãn hiệu nổi tiếng không phải là chiếc gậy vạn năng
Nhãn hiệu nổi tiếng mang lại nhiều đặc quyền cho chủ sở hữu, do vậy để chứng minh được không phải là điều dễ dàng. Chủ thể quyền phải tập hợp đầy đủ tài liệu về mức độ phổ biến của nhãn hiệu đối với người tiêu dùng, phạm vi lãnh thổ lưu hành, doanh số từ việc kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu đó, thời gian sử dụng liên tục, số lượng quốc gia bảo hộ hoặc công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, giá trị chuyển nhượng hay góp vốn…
Quan trọng hơn, hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở mang tính định lượng nào cho các tiêu chí nói trên, mà kết quả sẽ phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể. Đó cũng là lý do các quốc gia không quy định thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng, mà trao nghĩa vụ chứng minh cho chủ thể quyền khi xảy ra tranh chấp.
Nhãn hiệu nổi tiếng không đương nhiên phá bỏ mọi giới hạn lãnh thổ, thời gian hay nhóm hàng hóa/dịch vụ. “X-MEN” là một nhãn hiệu lừng danh thế giới cho nhóm nhân vật hoạt hình, nhưng chưa chắc đã được xem là nổi tiếng cho sản phẩm khác.
Tại Việt Nam, nhãn hiệu “X-MEN” dành cho một số sản phẩm gia dụng, tiêu biểu là dầu gội đầu, thuộc sở hữu của Marico SEA, mà hãng phim Marvel dù khiếu nại và khởi kiện nhiều năm vẫn không thành công. Trong một vụ việc nổi cộm tại châu Âu, tập đoàn thời trang thể thao Puma đã phải kiện Văn phòng Sở hữu trí tuệ EU (EUIPO) ra đến Tòa án Công lý châu Âu, mới hủy bỏ được giấy chứng nhận nhãn hiệu “PUMA” mà cơ quan này cấp cho một công ty sản xuất máy móc cơ khí.
Tóm lại, sự nổi tiếng của nhãn hiệu nếu được công nhận cũng sẽ không vô hạn, mà luôn bị ràng buộc trong phạm vi địa lý hay sản phẩm nhất định, tùy theo vụ việc cụ thể. Một nhãn hiệu có thể được xem là nổi tiếng ở vụ tranh chấp này, hoàn toàn có thể thất bại trong vụ việc khác.
Giá trị vô hình cho Sabeco
Dẫu biết công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chỉ mang tính vụ việc, Sabeco cũng có những động lực to lớn để theo đuổi. Đối với vụ án, chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng có thể đem lại một số lợi thế cho Sabeco, khi chứng minh thiệt hại của chủ sở hữu.
Xa hơn thế, bản án của Tòa cũng như nhận định của Cục Sở hữu trí tuệ, đều ghi nhận “Bia Saigon” là nhãn hiệu nổi tiếng, chính là nguồn thông tin tham khảo vô cùng giá trị cho cơ quan chức năng trong các vụ việc tương tự, liên quan tới hãng bia này. Hơn nữa, việc thu thập chứng cứ chứng minh sự nổi tiếng lần này cũng sẽ giúp Sabeco thuận lợi hơn, khi sẵn có nguồn tư liệu nếu tiếp tục xảy ra tranh chấp khác trong tương lai, ít nhất là trong lĩnh vực nước giải khát.
Cuối cùng, Sabeco có thể dùng sự ghi nhận trong bản án như một lời răn đe đanh thép đến các đối thủ có ý định lợi dụng danh tiếng của Bia Sài Gòn. Có thể nói, thông qua vụ kiện trên, Sabeco không chỉ đơn giản đã thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình, mà còn khẳng định được vị thế của một thương hiệu lâu năm trên thị trường – một giá trị vô hình khó có thể đong đếm bằng tiền bạc.
Tags:
Vụ xâm phạm nhãn hiệu bia của SABECO: Viện kiểm sát đề nghị phạt công ty Bia Sài Gòn Việt Nam 2-3 tỷ đồng
Bị cáo Lê Đình Trung, Giám đốc Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam, bị đề nghị phạt số tiền từ 600-800 triệu đồng.